Chứng Khoán 07/09/2020 14:14

Cổ phiếu công ty bầu Đức “cháy hàng” vì… lũ lụt tại Trung Quốc?

Sáng nay, nhiều cổ phiếu trong ngành nông nghiệp (điển hình là HAG và HNG của Hoàng Anh Gia Lai) tăng giá mạnh trong bối cảnh lũ lụt hoành hành tại Trung Quốc, tác động lên nhu cầu nông sản.

Cổ phiếu công ty bầu Đức “cháy hàng” vì… lũ lụt tại Trung Quốc? - 1

Cổ phiếu các công ty nông nghiệp (trong đó có HAGL) đang thu hút nhà đầu tư

Cổ phiếu nông nghiệp “nổi sóng”

Cặp cổ phiếu HAG và HNG của Hoàng Anh Gia Lai trong sáng nay (7/9) nổi sóng, đồng loạt tăng trần và khớp lệnh cao. HAG tăng trần lên 4.650 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh đạt trên 16 triệu đơn vị và là mã dẫn đầu thị trường về thanh khoản.

Tương tự, HNG của HAGL Agrico tăng trần lên 12.850 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh đạt 7,95 triệu cổ phiếu. Đây là mã có thanh khoản xếp thứ ba thị trường sáng nay, chỉ sau HAG và HQC (khớp hơn 14 triệu cổ phiếu).

Tạm đóng cửa phiên sáng, HAG trắng bên bán và đang có dư mua giá trần hơn 611 nghìn cổ phiếu, HNG cũng trắng bên bán, dư mua trần gần 31 nghìn cổ phiếu.

Cổ phiếu công ty bầu Đức “cháy hàng” vì… lũ lụt tại Trung Quốc? - 2

HAG và HNG là hai trong các mã cổ phiếu có thanh khoản cao nhất thị trường

Không chỉ có HAG và HNG mà nhóm cổ phiếu nông nghiệp sáng nay đều bứt tốc rất mạnh mẽ. Cổ phiếu LTG của Tập đoàn Lộc Trời tăng mạnh 7,1% lên 22.500 đồng. DPM của Phân bón và Hoá chất Dầu khí hồi phục 2,2% lên 16.400 đồng sau 2 phiên giảm.

Cùng với VNM của Vinamilk tăng 2.900 đồng lên 127.900 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu GTN của GTNfoods cũng tăng nhẹ 0,2% lên 25.250 đồng; MLS của Mitraco tăng 5,8% lên 40.200 đồng…

Giá cổ phiếu nông nghiệp “sốt giá” trong bối cảnh tâm lý của nhà đầu tư lo ngại nhu cầu nông sản sẽ lên cao còn nguồn cung bị ảnh hưởng do lũ lụt tại Trung Quốc, từ đó đẩy giá các mặt hàng này.

Mới đây, tờ Asia Nikkei cho hay, kể từ tháng 6 vừa qua, Trung Quốc đã phải đối mặt với một loạt trận lũ lụt kinh hoàng, kéo dài từ khu vực Tây Nam đến bờ biển phía Đông của nước này. Giới chức Trung Quốc gọi đây là thảm họa tồi tệ nhất kể từ năm 1981, với ước tính thiệt hại lên đến 25 tỷ USD và hàng triệu người buộc phải sơ tán.

VN-Index vượt qua 905 điểm

Phiên giao dịch sáng đầu tuần, thị trường giao dịch giằng co, dù vậy, diễn biến các chỉ số đều đang trong xu hướng tích cực.

VN-Index tăng 3,87 điểm tương ứng 0,43% lên 905,41 điểm. Trong khi đó, HNX-Index mặc dù vẫn đang dưới ngưỡng tham chiếu nhưng đã thu hẹp mức giảm, “thiệt hại” tạm đang ghi nhận là 0,38 điểm tương ứng 0,3% còn 125,77 điểm. UPCoM-Index nhích nhẹ 0,07 điểm tương ứng 0,13% lên 58,96 điểm.

Cổ phiếu công ty bầu Đức “cháy hàng” vì… lũ lụt tại Trung Quốc? - 3

Cổ phiếu công ty bầu Đức “cháy hàng” vì… lũ lụt tại Trung Quốc? - 4

Các chỉ số chính đang có dấu hiệu hồi phục, diễn biến tích cực

Thanh khoản đạt 225,49 triệu cổ phiếu trên HSX tương ứng 3.551,7 tỷ đồng. HNX có 24,22 triệu cổ phiếu tương ứng 310,06 tỷ đồng và trên UPCoM là 8,97 triệu cổ phiếu tương ứng 111,53 tỷ đồng.

Mặc dù vẫn còn 899 mã không có giao dịch, tuy nhiên, bức tranh thị trường vẫn rất khả quan với 364 mã tăng giá và 50 mã tăng trần, lấn át 294 mã giảm, 27 mã giảm sàn.

Đáng chú ý là số lượng mã giảm lại chiếm ưu thế trong rổ VN30. Chỉ số VN30-Index tăng 2,27 điểm tương ứng 0,27% dù chỉ với 8 mã tăng giá trong khi có 16 mã giảm, chủ yếu nhờ lực kéo của các mã đầu tàu là VNM, VIC, VHM và SAB.

Cụ thể, VNM tăng 2.900 đồng lên 127.900 đồng/cổ phiếu; SAB tăng 2.800 đồng lên 195.000 đồng; VIC tăng 1.000 đồng lên 95.000 đồng; VHM cũng tăng 600 đồng lên 80.600 đồng. Trong rổ này còn có VCB, STB, HDB, SSI tăng giá.

Theo đó, sự bứt phá của VNM đã mang lại cho VN-Index 1,42 điểm. VIC cũng đóng góp 0,95 điểm cho chỉ số này. VHM, SAB cũng có tác động tích cực.

Cổ phiếu BCM đang có phiên tăng trần thứ 5 liên tiếp kể từ khi niêm yết trên HSX từ 31/8/2020. Sáng nay tăng trần 2.850 đồng lên 43.950 đồng và trở thành một trong những mã tác động tích cực nhất đến xu hướng chỉ số VN-Index.

Trở lại với thị trường chứng khoán trong nước, BVSC đánh giá, VN-Index dự báo sẽ tăng điểm trở lại trong những phiên đầu tuần tới. Tuy nhiên, nhóm phân tích vẫn lưu ý rằng, nhiều nhóm cổ phiếu trên thị trường đã bước vào trạng thái quá mua nên thị trường có thể sẽ xuất hiện các nhịp điều chỉnh, rung lắc mạnh đan xen trong quá trình tăng điểm.

Diễn biến thị trường sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu. Các cổ phiếu vốn hóa lớn có thể luân phiên tăng điểm để hỗ trợ đà đi lên của thị trường. Dòng tiền sẽ để ý nhiều hơn đến các nhóm ngành chưa tăng nhiều trong thời gian qua như chứng khoán, bán lẻ, dầu khí…

Ngoài ra, cổ phiếu thuộc các ngành được hưởng lợi bởi các yếu tố vĩ mỗ vẫn nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư khi điều chỉnh về các vùng giá hợp lý.

Mai Chi

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *