Chứng Khoán 17/05/2015 14:16

Chưa dám đầu tư chứng khoán, người Việt dành tiết kiệm

FICA - Tổng vốn huy động bình quân hàng tháng năm 2014 đạt khoảng 4,7 triệu tỷ đồng, cung ứng khoảng 3,4 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế. Trong khi đó, TTCK mặc dù phát triển mạnh song vẫn chưa phải là kênh ưu tiên trong đầu tư của người dân.

Phát biểu tại Hội thảo “Vai trò của thị trường chứng khoán đối với nền kinh tế” diễn ra sáng 15/5, ông Trần Đắc Sinh – Chủ tịch HĐQT Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) cho biết, sau 15 năm đi vào hoạt động, hiện đã có hơn 300 công ty hiện đang niêm yết trên Sở, với giá trị vốn hóa trên dưới 1 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 25% GDP; gần 90 công ty chứng khoán thành viên, hơn 1,6 triệu tài khoản nhà đầu tư và giá trị giao dịch bình quân ngày gần 2.100 tỷ đồng trong năm 2014.
 
Theo đánh giá của ông Sinh, một thị trường chứng khoán quy mô lớn và thanh khoản tốt là yếu tố then chốt để các doanh nghiệp thực hiện việc huy động vốn qua thị trường. Trong 15 năm qua, gần 1.000 đợt huy động vốn của các công ty niêm yết đã được thực hiện trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM. Bình quân các công ty niêm yết đã tăng gấp đôi quy mô về vốn điều lệ sau khi lên niêm yết, một số công ty có mức tăng vốn điều lệ trên 15 lần.
 
Chưa dám đầu tư chứng khoán, người Việt dành tiết kiệm

Đáng quan ngại nhất chính là sự chưa nhìn nhận, đánh giá đúng về vai trò của thị trường chứng khoán 

 

Các công ty trong VN30 có mức tăng vốn điều lệ trung bình 58%/năm, trong khi tỷ lệ này ở các công ty thuộc nhóm ngành ngân hàng là 25%/năm.

 
Bên cạnh việc thu hút vốn trong nước, thị trường chứng khoán cũng đã giúp thu hút một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, hỗ trợ đáng kể cho nhu cầu vốn sản xuất trong nước. Tính từ năm 2008 đến nay số lượng tài khoản nhà đầu tư nước ngoài đã tăng 37%, bình quân tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài luôn chiếm khoảng 18% tổng giá trị giao dịch, các nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ lượng cổ phiếu tại các công ty niêm yết tương đương khoảng 23% vốn hóa toàn thị trường.
 
Thị trường chứng khoán phát triển còn góp phần thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, thực hiện hai trong 3 nội dung trụ cột của chương trình tái cấu trúc là tái cấu trúc đầu tư công và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước.
 
Tính từ cuộc đấu giá doanh nghiệp nhà nước đầu tiên năm 2005 được tổ chức tại SGDCK TP.HCM, đã có hơn 350 doanh nghiệp đã thực hiện bán đấu giá qua Sở, thu về hơn 70.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, trong đó có rất nhiều các tổng công ty và tập đoàn lớn như: Tập đoàn Bảo Việt, Đạm Phú Mỹ, Vinamilk, Vietnam Airlines, Vinatext, Vietcombank…. Sau niêm yết, phần lớn các doanh nghiệp đều đạt hiệu quả kinh doanh và quản trị công ty tốt hơn, thông tin doanh nghiệp ngày càng trở nên minh bạch.
  
Ông Sinh cho biết, thị trường tài chính phát triển trên hai trụ cột chính là thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Đến nay, thị trường tiền tệ Việt Nam vẫn đóng vai trò chủ đạo và quan trọng trong việc huy động vốn cho cả nền kinh tế, trong đó các ngân hàng và tổ chức tín dụng giữ vị trí then chốt. Tổng vốn huy động bình quân hàng tháng năm 2014 của các ngân hàng và tổ chức tín dụng đạt khoảng 4,7 triệu tỷ đồng, cung ứng khoảng 3,4 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế.
 
Các số liệu cho thấy cán cân huy động vốn hiện nay giữa thị trường tiền tệ và thị trường chứng khoán đang nghiêng đáng kể về thị trường tiền tệ. Bên cạnh những nguyên nhân mang tính lịch sử như thói quen gửi tiết kiệm của nhà đầu tư, sự phát triển lâu đời của hệ thống ngân hàng…, theo ông Sinh, cũng cần nhìn nhận những hạn chế của thị trường chứng khoán khi các công cụ đầu tư, giao dịch và phòng ngừa rủi ro trên thị trường vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, quy mô thị trường tuy có sự tăng trưởng đáng kể nhưng vẫn chưa đủ lớn trong mối tương quan với các thị trường trong khu vực, thanh khoản thị trường chưa đủ sâu, các quy định về sở hữu nhà đầu tư nước ngoài đã hạn chế sự tham gia của các đối tượng này vào thị trường…
 
Các hạn chế một khi đã được nhận diện sẽ có những giải pháp để khắc phục. Tuy nhiên, đáng quan ngại nhất chính là sự chưa nhìn nhận, đánh giá đúng về vai trò của thị trường chứng khoán nói riêng hay thị trường vốn nói chung trong việc huy động vốn và phát triển kinh tế.
 
Do vậy, theo lãnh đạo Sở giao dịch TPHCM, thị trường chứng khoán cần được nhìn nhận với đúng vai trò của mình là kênh huy động vốn trung và dài hạn chính và chủ yếu cho phát triển kinh tế, nơi kết nối giữa nhu cầu huy động vốn dài hạn với nhu cầu đầu tư dài hạn, là nơi cung cấp các cơ hội đầu tư khác nhau, đa dạng hóa sở hữu, cũng là nơi hội nhập quốc tế và thực thi các chính sách phát triển của nhà nước và Chính phủ.
 
Mai Chi
Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *