Chứng Khoán 22/04/2020 14:06

Bất ngờ: Tập đoàn của đại gia Lê Phước Vũ tăng lãi tới… 277%!

Giữa lúc khó khăn bủa vây nền kinh tế trong 3 tháng đầu năm thì bất ngờ tập đoàn Hoa Sen của đại gia Lê Phước Vũ báo lãi tăng 277% so với cùng kỳ.

Cổ phiếu HSG “cháy hàng”

Phiên giao dịch sáng nay (22/4), cổ phiếu HSG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen là một trong những mã đạt được diễn biến tích cực.

Bất ngờ: Tập đoàn của đại gia Lê Phước Vũ tăng lãi tới… 277%! - 1

Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen

Mở cửa ở mức giá giảm, chỉ khoảng 6.100 đồng, tuy nhiên lực mua tại HSG tăng lên nhanh chóng và giúp mã này đạt trạng thái tăng trần lên 6.670 đồng vào cuối phiên sáng.

Nhà đầu tư có phản ứng tích cực với HSG sau khi tập đoàn này công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 2 niên độ tài chính 2019-2020 (từ 1/1/2020 đến 31/3/2020) với lãi sau thuế ước đạt 200 tỷ đồng, tăng tới 277% so với cùng kỳ dù sản lượng tiêu thu và doanh thu giảm lần lượt 8,6% và 16,3% so với cùng kỳ. Sản lượng tiêu thụ quý 2 của Hoa Sen ở mức 338.674 tấn và doanh thu 5.780 tỷ đồng.

Lý giải cho tình huống doanh thu giảm khá mạnh như lợi nhuận tăng “sốc”, phía Hoa Sen cho biết đã thực hiện hàng loạt biện pháp quản lý để giảm hàng tồn kho, giảm nợ vay ngân hàng, tiết giảm chi phí. Lợi nhuận gộp tăng và chi phí giảm đã giúp lợi nhuận sau thuế hợp nhất của tập đoàn này tăng mạnh.

Lũy kế 6 tháng đầu của niên độ tài chính 2019-2020, sản lượng tiêu thụ của HSG ước đạt 738.204 tấn, doanh thu ước đạt 12.365 tỷ đồng, giảm lần lượt 3,8% và 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế vẫn tăng 228%, đạt 381 tỷ đồng.

Doanh nghiệp của đại gia Lê Phước Vũ cũng thừa nhận, đại dịch Covid-19 bùng phát kể từ đầu tháng 2 khiến sức tiêu thụ của thị trường giảm khi khách hàng trở nên thận trọng hơn. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sản lượng tiêu thụ và doanh thu giảm so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 lên tập đoàn này cũng được hạn chế nhờ lợi thế phân phối với hệ thống 536 cửa hàng tại thị trường nội địa và mạng lưới kênh xuất khẩu ở 80 quốc gia, vùng lãnh thổ. Theo đó, HSG giữ được thị phần và đảm bảo dòng tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thị trường “thoát hiểm”?

Sau khi đánh mất hơn 14 điểm vào đầu phiên giao dịch sáng, VN-Index đã lấy lại được nhịp tăng và hồi phục 1,97 điểm tương ứng 0,26% lên 768,81 điểm khi phiên sáng tạm dừng. HNX-Index cũng tăng nhẹ 0,3 điểm tương ứng 0,29% lên 105 điểm và UPCoM-Index tăng 0,08 điểm tương ứng 0,17% lên 51,27 điểm.

Thanh khoản đạt 145,27 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch 2.345,6 tỷ đồng trên HSX và 27,05 triệu cổ phiếu tương ứng 207,85 tỷ đồng trên HNX. Thị trường UPCoM có 9,52 triệu cổ phiếu tương ứng 98,02 tỷ đồng.

Sắc đỏ giảm giá và sắc xanh tăng giá chen lấn trong phiên giao dịch sáng nay. Thống kê cho thấy, toàn thị trường có 225 mã giảm, 37 mã giảm sàn so với 210 mã tăng và 39 mã trần. Có đến 1.103 mã đứng giá.

Nhiều cổ phiếu lớn đã lấy lại được sắc xanh. BID tăng 2.350 đồng lên 37.050 đồng; SAB tăng 1.700 đồng lên 171.700 đồng. MSN tăng 1.000 đồng lên 57.600 đồng. YEG, VCS, CTG, HPG… cũng đều tăng giá.

Nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn diễn biến tiêu cực. GAS mất 1.500 đồng còn 63.000 đồng, PLX mất thêm 900 đồng còn 39.950 đồng. BSR, PVS, PVD, PVT, PET, VPB… đều giảm. Trong khi đó, VCB, VRE, VJC, VHM, VIC… vẫn giảm giá và theo đó tác động tiêu cực lên thị trường.

Sáng nay, ngoại trừ VCB mất 1.000 đồng còn 70.500 đồng thì nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến khá tích cực. BID tăng 2.400 đồng lên 37.100 đồng, CTG tăng 700 đồng lên 19.500 đồng; TCB, VPB, MBB, ACB, HDB đều tăng.

Trước khi phiên giao dịch này diễn ra, Công ty chứng khoán MBS đã lưu ý rằng, thị trường điều chỉnh giảm là điều đã được giới đầu tư chờ đợi vì sau hơn 3 tuần tăng liên tiếp, các cổ phiếu đã có mức tăng bình quân từ 20 đến 30% sẽ kích thích các nhà đầu tư hiện thực hóa lợi nhuận.

Hôm qua là phiên điều chỉnh rõ nét nhất kể từ cuối tháng 3 khi thị trường bước vào đợt tăng ngắn vừa qua, nguyên nhân có thể đến từ yếu tố kỹ thuật và giá dầu sụt giảm mạnh đêm trước đó.

Thanh khoản được đẩy lên mức cao nhất 1,5 năm và luôn có những ý kiến trái chiều giữa người bán và người mua. Dẫu vậy thì điều cần làm lúc này là ưu tiên quản lý rủi ro, không bình quân giá, đưa tỷ trọng về mức cân bằng hoặc thấp, theo MBS.

Mai Chi

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *