Chứng Khoán 21/07/2021 20:18

Ai cũng nghĩ chứng khoán dễ ăn, chỗ kiếm tiền tốt nhất!

"Đồng tiền hiện nay không biết chảy đi đâu, chỉ chảy vào hai kênh chứng khoán và bất động sản. Chứng khoán hiện nay là chỗ ai cũng nghĩ dễ ăn, chỗ kiếm tiền tốt nhất", chuyên gia nhận xét.

Chia sẻ tại Hội thảo kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia tổ chức tại Hà Nội chiều 21/7, các chuyên gia kinh tế có chung nhận định nền kinh tế đang đứng trước nhiều khó khăn do dịch bệnh lan rộng và những vấn đề kinh tế lớn đã, đang, sẽ đặt ra cần có giải pháp khắc phục sớm.

Ngân hàng không dễ ăn lãi đậm nữa

Chia sẻ tại hội thảo, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng thuộc Trường đào tạo BIDV, cho biết 6 tháng đầu năm nhìn về con số thống kê, có vẻ tương đối ổn. Nhưng 6 tháng đầu năm chúng ta có được thuận lợi và khó khăn gì, kể cả bên trong lẫn bên ngoài? Đó là sự hồi phục rất mạnh từ các thị trường chính như: Mỹ, EU và Trung Quốc.... Đây là yếu tố rất thuận lợi cho Việt Nam.

Ai cũng nghĩ chứng khoán dễ ăn, chỗ kiếm tiền tốt nhất! - 1

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng thuộc Trường đào tạo BIDV (Ảnh: VietNamNet).

Các nước về cơ bản giữ tiền rẻ, lãi suất thấp, hết năm nay có thể vẫn giữ như này và có thể kích cầu thêm, tiền rẻ có thể tương đối nhiều. Điều này sẽ thuận lợi hơn cho thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt là thị trường chứng khoán phát triển nhanh, mạnh.

Tuy nhiên, ông Lực cho biết, thách thức lớn cho kinh tế thế giới hiện nay là các loại biến thể dịch Covid-19, mức tăng giá cả của hàng loạt mặt hàng cả nguyên liệu lẫn thành phẩm. Điều này giúp xuất khẩu tăng trưởng nhưng nhập khẩu lại gặp bất lợi.

Điều đáng lo hiện nay là chi phí logistics trong đó chi phí thuê container tăng 2 đến 3 lần so với trước đã khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Về thu ngân sách, theo ông Lực, "thu ngân sách nửa năm tăng tốt trong bối cảnh dịch bệnh có vấn đề. Tôi thấy tỷ lệ thu ngân sách hiện nay chủ yếu là thu từ kinh doanh bất động sản, chứng khoán đem lại. Trong đó số thuế phí từ thuế thu nhập cá nhân hoạt động kinh doanh chứng khoán, bất động sản tăng mạnh do quý I thị trường đất nền sốt, giao dịch bất động sản tăng cao".

Tăng thu dựa vào kinh doanh bất động sản, chứng khoán không có gì đáng mừng và đừng dựa vào tăng thu này mà thỏa mãn. Đây là câu chuyện không bền vững, chúng ta cần xem xét để có hướng giải quyết.

Cũng theo ông Lực, đầu tư công cần mổ xẻ kỹ hơn vì giải ngân rất chậm, ảnh hưởng đến tính lan tỏa cho nền kinh tế.

Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, sự hồi phục và phát triển trong nền kinh tế hiện nay không đồng đều giữa các ngành nghề và lĩnh vực. Doanh nghiệp công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, bán buôn, y tế phát triển nhanh, tốt... Một số lĩnh vực như vận tải, kho bãi, du lịch, lưu trú, ăn uống, giáo dục đào tạo còn cực kỳ khó khăn.

Về tái cơ cấu nền kinh tế, theo ông Lực, thực trạng vốn đã chậm nay còn chậm hơn. Nguy cơ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng lên do nhóm vay hiện nay tiềm ẩn rủi ro.

"Theo tôi, lợi nhuận ngân hàng 6 tháng đầu năm tăng cao do họ chưa phải trích lập dự phòng nợ xấu. 6 tháng cuối năm, nợ xấu tiềm ẩn thời gian tới đây có thể tăng lên từ nhóm nợ hiện nay", vị chuyên gia này nêu ý kiến.

Ông Cấn Văn Lực cho biết, trích lập dự phòng nợ xấu từ nay đến cuối năm có thể phải lên đến 42.000 tỷ đồng. Chính vì vậy, lợi nhuận 6 tháng cuối năm của ngân hàng sẽ không sáng sủa như 6 tháng đầu năm.

Chuyên gia Lực cho rằng, giải pháp trong thời gian tới để nền kinh tế phục hồi nhanh chóng là các gói hỗ trợ cần nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, đặc biệt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Lực đề xuất có gói hỗ trợ lãi suất cho vay từ Chính phủ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, Nhà nước hỗ trợ phần lãi suất thị trường từ 3-4%, còn lại doanh nghiệp chịu. Tính toán thực hiện 6 tháng cuối năm, số tiền ngân sách chỉ phải bỏ ra từ 3.000 - 4.000 tỷ đồng, trong khi cứu được nhiều doanh nghiệp.

Ngoài ra, ông Lực cũng cho rằng Việt Nam cần tìm kiếm động lực tăng trưởng bổ sung, thay thế như tận dụng xuất khẩu vào thị trường nào sớm hồi phục phải đẩy mạnh giao thương, xuất khẩu để tạo cơ hội cho doanh nghiệp. Trong nước cần tăng cường hiệu quả, hiệu lực để giải ngân đầu tư công, thúc đẩy hộ gia đình, kinh tế số.... phát triển để có dư địa tăng trưởng mới tốt hơn.

Dòng tiền ùn ùn vào chứng khoán vì ai cũng nghĩ... dễ ăn

Tham gia hội thảo, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng độc lập, cho rằng vấn đề kinh tế Việt Nam hiện nay đối mặt thách thức lớn khi đại dịch Covid-19 tấn công vào những nơi được coi là cực tăng trưởng của nền kinh tế như khu công nghiệp, trung tâm kinh tế lớn.

Ai cũng nghĩ chứng khoán dễ ăn, chỗ kiếm tiền tốt nhất! - 2

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng độc lập (Ảnh nhân vật cung cấp).

Riêng lĩnh vực chứng khoán, ông Hiếu khẳng định, chứng khoán hiện nay rất nóng. Nó nóng lên không dựa trên nền tảng cơ bản của nguyên lý kinh tế.

"Do đồng tiền hiện nay không biết chảy đi đâu, chỉ chảy vào hai kênh chứng khoán và bất động sản. Chứng khoán hiện nay là chỗ ai cũng nghĩ dễ ăn, chỗ kiếm tiền tốt nhất", ông Hiếu khẳng định.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, "bong bóng" ở cả thị trường vàng và chứng khoán rất nguy hiểm, khi cầu không đỡ được lực tăng của thị trường, "bong bóng" sẽ vỡ và tổn hại lớn cho những người đến sau. Vị chuyên gia này mong muốn thị trường chứng khoán cần có những cải tổ lớn, ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ.

Góp ý với Chính phủ, ông Hiếu cho rằng Chính phủ cần ngồi lại với các ngân hàng để lập một tổ trợ giúp doanh nghiệp hỗ trợ vốn, lãi suất cho doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu, ổn định nền kinh tế. Đây cũng là biện pháp được một số chính phủ như Đức đã từng làm khi đầu tư các dự án lớn.

Theo PGS, TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Đại học Kinh tế TPHCM, so sánh bối cảnh hiện nay với cùng kỳ năm trước, yếu tố dịch bệnh và số người lây nhiễm có sự quyết định rất lớn.

Số người nhiễm hiện nay đã tăng rất nhanh. Dịch bệnh lần này tấn công vào các trung tâm công nghiệp, các đầu tàu kinh tế mạnh của cả nước, nơi đóng góp 1/3 kinh tế đất nước. Dĩ nhiên, các khu công nghiệp lớn, các đầu tàu bị tấn công dữ dội thì kinh tế sẽ chậm lại.

Tuy nhiên, ông Bảo khẳng định: "Cần thực hiện hài hòa chiến lược mục tiêu kép vừa tăng trưởng vừa chống dịch. Chống dịch vẫn phải đảm bảo nguồn lực kinh tế cho cả nước. Chính phủ duy trì khá tốt "cỗ xe tam mã" (đầu tư công, xuất khẩu và kích thích tiêu dùng nội địa), do xuất phát từ đợt dịch hiện nay có quy mô rộng hơn, căng thẳng hơn".

 An Linh

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *