Chứng Khoán 27/12/2014 07:48

115 trường hợp bị xử phạt gần 10 tỷ đồng trên TTCK trong năm 2014

“Điểm nổi bật trong thanh tra, xử lý vi phạm trên TTCK năm 2014 là nhiều DN sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính, đã có nhiều chuyển biến về ý thức tuân thủ nghĩa vụ pháp luật…”, bà Vũ Thị Chân Phương, Vụ trưởng Vụ Thanh tra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) trao đổi với ĐTCK.

Thưa bà, qua hoạt động thanh tra, xử lý vi phạm trên TTCK trong năm 2014, đâu là những hành vi vi phạm phổ biến?

Từ đầu năm đến nay, UBCK đã xử phạt 115 trường hợp vi phạm hành chính, với tổng số tiền phạt gần 10 tỷ đồng. UBCK cũng đã phối hợp chặt chẽ, chuyển hồ sơ các vụ việc vi phạm có dấu hiệu hình sự, đơn thư tố giác tội phạm cho cơ quan công an. Sự phối hợp giữa UBCK và cơ quan công an đã góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng ngừa và xử lý vi phạm trên TTCK.

Năm 2014, các hành vi vi phạm chủ yếu là vi phạm của công ty đại chúng, tổ chức niêm yết trong thực hiện nghĩa vụ của công ty đại chúng, của người có liên quan của cổ đông nội bộ khi giao dịch cổ phiếu.

Các vi phạm này có nguyên nhân chủ quan từ phía DN, người có liên quan của cổ đông nội bộ như ý thức tự giác tuân thủ còn chưa cao, chưa chú trọng theo dõi, kiểm soát thường xuyên việc thực hiện đầy đủ các báo cáo, công bố thông tin (CBTT) theo quy định. Một số DN gặp khó khăn do có sự biến động nhân sự, các nhân sự chủ chốt thường kiêm nhiệm việc CBTT, dẫn đến không đảm bảo tính liên tục, kịp thời của các báo cáo, CBTT.

Điểm nổi bật trong thanh tra, xử lý vi phạm năm 2014 là nhiều DN sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính, đã có nhiều chuyển biến về ý thức tuân thủ nghĩa vụ pháp luật. Một số công ty đã chủ động bổ sung nhân sự, ban hành các quy chế, quy trình kiểm soát nội bộ, quy trình CBTT, nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy định về báo cáo, CBTT, cũng như đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin của cổ đông, NĐT.

 
Trong năm qua, UBCK đã xử phạt bao nhiêu tổ chức kinh doanh chứng khoán, các lỗi vi phạm chính là gì, thưa bà?

Trong năm 2014, công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các CTCK đã được UBCK chú trọng triển khai.

Kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy các CTCK đã phát huy vai trò là tổ chức trung gian trên TTCK, giúp cho việc dẫn vốn và luân chuyển vốn trong nền kinh tế, thu hút vốn đầu tư; tư vấn phát hành cho DN.

Một số CTCK đã nỗ lực vượt qua khó khăn, tự tái cấu trúc trên các mặt cơ cấu tổ chức, mô hình kinh doanh, năng lực tài chính, quản trị rủi ro, quản trị công ty. Căn cứ kết quả thanh tra, kiểm tra đối với các CTCK, UBCK đã kịp thời chấn chỉnh các CTCK tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt là đối với các hành vi vi phạm quy định về giao dịch ký quỹ, cung cấp các dịch vụ tài chính khi chưa có hướng dẫn.

Đã có 17 CTCK và 11 công ty quản lý quỹ bị xử phạt trong năm qua, với tổng số tiền phạt hơn 4 tỷ đồng. 

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, xử lý vi phạm trong năm 2015, đâu là những giải pháp mà UBCK sẽ tập trung triển khai, thưa bà?

Trong năm 2015, UBCK sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân vi phạm trên TTCK, nhất là các vi phạm về thao túng, giao dịch nội bộ, vi phạm về cung cấp dịch vụ khi chưa có quy định hướng dẫn đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an để phát hiện, xử lý các vi phạm hình sự trên TTCK.

UBCK sẽ lựa chọn các công ty chưa thực hiện thanh tra, kiểm tra trong các năm gần đây, một số công ty có tình hình quản trị yếu kém, có dấu hiệu vi phạm, có đơn thư phản ánh. Qua công tác thanh tra, kiểm tra sẽ đánh giá, tìm hiểu những khó khăn, thuận lợi của DN trong việc thực hiện các quy định của pháp luật chứng khoán, đánh giá các nguyên nhân vi phạm để có giải pháp khắc phục, phòng ngừa, xử lý phù hợp.

Bên cạnh đẩy mạnh thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm, UBCK cũng sẽ coi trọng triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật cho các tổ chức, cá nhân tham gia TTCK.

Việc xử lý vi phạm trên TTCK đang bộc lộ bất cập do thẩm quyền hạn chế của UBCK. Để khắc phục tình trạng này, UBCK có kiến nghị gì lên Bộ Tài chính, Chính phủ, Quốc hội, thưa bà?

Cùng với sự phát triển của thị trường về quy mô, số lượng giao dịch, số lượng NĐT, các hành vi vi phạm cũng diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp.

Trong bối cảnh đó, việc phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm là một yêu cầu của công tác thanh tra, xử lý vi phạm. Tuy nhiên, trong quá trình giám sát, phát hiện và xác minh làm rõ vi phạm, đặc biệt là các hành vi lạm dụng thị trường như giao dịch thao túng, giao dịch nội gián, việc làm rõ hành vi vi phạm, đối tượng vi phạm cũng như xác định dấu hiệu tội phạm nhằm hỗ trợ tốt hơn cho việc phối hợp với cơ quan điều tra trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm đặt ra yêu cầu cần thiết xem xét tăng cường năng lực, thẩm quyền cho cơ quan quản lý TTCK.

Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2011 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 252/2012 xác định mục tiêu phát triển TTCK ổn định, vững chắc, bảo đảm tính công khai, tăng cường năng lực quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi, bảo vệ lợi ích của NĐT và lòng tin của thị trường.

Phần lớn các nước trên thế giới, cơ quan quản lý TTCK đều được giao thẩm quyền lớn, trong đó có quyền thực hiện các hoạt động điều tra ban đầu nhằm đảm bảo thực hiện quản lý nhà nước và thực thi pháp luật, có đủ năng lực để phát hiện, xử lý các hành vi thao túng, nội gián.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và sự phát triển của TTCK, đã đến lúc xem xét tăng cường năng lực quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi cho cơ quan quản lý nhà nước trên cơ sở cho phép cơ quan quản lý TTCK có thẩm quyền thực hiện một số hoạt động điều tra ban đầu để thực thi tốt các chức năng quản lý, giám sát, thanh tra và cưỡng chế thực thi, góp phần đảm bảo TTCK phát triển ổn định, an toàn, hạn chế các hành vi lạm dụng thị trường.

Theo UBCK, ngay cả các thị trường đi sau Việt Nam khá xa như Lào, Campuchia, thì cơ quan quản lý TTCK cũng có thẩm quyền điều tra ban đầu. Thậm chí TTCK Campuchia, họ còn có phòng tạm giữ các đối tượng có dấu hiệu sai phạm, để phục vụ quá trình điều tra. Trong quá trình Việt Nam đang sửa Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị bổ sung thẩm quyền điều tra ban đầu cho cơ quan quản lý TTCK, để cho phép cơ quan này có quyền triệu tập đối tượng nghi vấn, truy xuất thông tin và dòng tiền…

 
Theo Hữu Hòe
ĐTCK
Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *