Bất động sản 02/11/2020 08:35

Xuất hiện "thổi" giá đất ở Hà Nội, nhiều vụ “chết chìm” khi đầu tư

Lại “thổi” giá đất Thanh Trì; Những cuộc “chết chìm” khi rót tiền vào bất động sản, cả thập kỷ chôn vốn... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.

Xuất hiện thổi giá đất ở Hà Nội, nhiều vụ “chết chìm” khi đầu tư - 1

Theo đại diện Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), sau bài học ở Đông Anh, Thạch Thất, Ứng Hòa, nhà đầu tư nên thận trọng khi đón sóng đất Thanh Trì.

Hà Nội: Lại “thổi” giá đất Thanh Trì

Có vẻ như đa số chủ quán trà chén ven đường hay các bác xe ôm ở các xã Vạn Phúc, Yên Mỹ, Đông Mỹ, Tứ Hiệp… của huyện Thanh Trì đều là các môi giới địa ốc không chuyên bản địa , dân chuyên ngành gọi là các “cò thổ”.

Khảo sát ở các xã Tứ Hiệp, Yên Mỹ, các môi giới ở đây cho biết, giá đất còn cao hơn 3 - 5 giá so với Vạn Phúc vì vị trí gần trung tâm Hà Nội, “nhất là xã Yên Mỹ có dự án cầu vượt Ngọc Hồi được quy hoạch xây dựng”, một môi giới quảng cáo.

Tuy nhiên, chỉ bằng động tác vòng lại tìm đến đúng một số chủ đất đã được môi giới dẫn đến, giá đất đã thay đổi một trời, một vực.

Theo khảo sát thực tế, giá đất ở tại Thanh Trì thời gian qua tương đối ổn định, tăng bình quân từ 3 - 10% ở các trục đường lớn so với hồi đầu năm, dao động từ 15 - 70 triệu đồng/m2 đất thổ cư. Một số lô đất được xác nhận giao dịch ở xã Vạn Phúc cũng chỉ được sang tay với giá từ 9 - 15 triệu đồng/m2.

Những cuộc “chết chìm” khi rót tiền vào bất động sản, cả thập kỷ chôn vốn

Nhiều khu vực vùng ven Hà Nội đã trải qua các đợt sốt và tăng giá. Khi rót tiền vào các khu vực này, đa phần nhà đầu tư kỳ vọng “ăn theo” hạ tầng hoặc dự án lớn.

Không ít người giàu lên nhờ đất. Tuy nhiên cũng khá nhiều cuộc “sa lầy” đến cả chục năm nay chưa rút được chân vì đầu tư kiểu phong trào.

Kể lại câu chuyện mua đất cách đây hơn 10 năm, chị Miên - một nhà đầu tư bất động sản (BĐS) nhớ lại: Thời điểm đó, khi có thông tin Hà Đông lên quận, giới đầu tư càn quét khắp nơi, đất đai tăng giá chóng mặt.

Lúc đó chị gom góp được ít tiền nên rủ người bạn gom mua mảnh đất hơn 60m2 khu vực Đồng Mai với giá 20 triệu đồng/m2. Cho đến thời điểm này, miếng đất khu vực chị Miên mua vẫn chỉ loanh quanh mức hơn 12-14 triệu đồng/m2. Chị và người bạn quyết định không bán, đến thời điểm này, lô đất vẫn chỉ là bãi cỏ hoang.

Xuất hiện thổi giá đất ở Hà Nội, nhiều vụ “chết chìm” khi đầu tư - 2

Đất vùng quê "sốt ảo", các nhà đầu tư đổ xô đến tìm mua.

Nhắn tin "rác" quảng cáo BĐS: Một người "ăn phạt", dân môi giới nơm nớp lo

Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê.M.D , có địa chỉ tại Long Biên, Hà Nội về hành vi nhắn tin quảng cáo dịch vụ bất động sản đến người sử dụng khi chưa được người sử dụng đồng ý, theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 91/2020/NĐ-CP.

Lãnh đạo một công ty môi giới bất động sản ở Hà Nội thừa nhận, Nghị định 91 có hiệu lực sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp, vì lâu nay, nhắn tin hay gọi điện mời chào mua bất động sản vẫn được các môi giới sử dụng bên cạnh kênh tư vấn trực tiếp, phát tờ rơi…

Anh Trung - một môi giới bất động sản khu vực Hà Nội - cho biết: Trước nay anh vẫn sử dụng việc nhắn tin, gọi điện để quảng cáo, giới thiệu khách hàng mua nhà. Tuy nhiên, kể từ khi biết thông tin về quy định tại Nghị định 91 có hiệu lực từ đầu tháng 10, anh Trung cẩn thận hơn trong việc sử dụng phương thức này, tránh vô tình gây phiền hà đến cho người khác.

Giá nhà quá cao so với thu nhập người dân, Bộ Xây dựng nói gì?

Theo số liệu của HoREA, hiện nay căn hộ trung cấp (2 phòng) có giá khoảng 2,5 tỷ đồng (35 triệu đồng/m2), cao hơn khoảng trên dưới 20 lần so với thu nhập trung bình của các hộ gia đình, cá nhân có khả năng dành dụm được khoảng 8-12 triệu đồng/tháng, khoảng trên dưới 100 triệu đồng/năm.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 30/10, vấn đề giá nhà đang quá cao và giải pháp nào để đưa giá nhà về giá trị thật của thị trường được đặt ra với Bộ Xây dựng.

Ông Lê Quang Hùng - Thứ trưởng Bộ Xây dựng - cho biết: Giá cả trong lĩnh vực bất động sản là do thị trường quyết định. Theo ông Hùng, giải pháp quan trọng là cần tăng lượng cung nhà giá xã hội giá rẻ, có chính sách bảo đảm cung cho đại đa số người lao động.

“Hiện giá nhà ở xã hội có khung giá từ 15-20 triệu đồng/m2, cần đẩy nhanh các dự án tăng cung số lượng lên”, ông Hùng nói.

Xuất hiện thổi giá đất ở Hà Nội, nhiều vụ “chết chìm” khi đầu tư - 3

Ông Lê Quang Hùng - Thứ trưởng Bộ Xây dựng

Mặt bằng giá mới gây “nguy hiểm”, nhà sắp chỉ còn dành cho người giàu?

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hội môi giới - cho rằng: Thị trường nhà ở tại TP.HCM đang định hình một mặt bằng giá mới nguy hiểm cho người mua nhà , nhất là những người khó khăn về nhà ở sẽ rất khó tiếp cận được.

Chuyên gia lo ngại, nếu cứ tiếp tục "đẩy giá" như thế này thì chỉ khoảng nửa năm nữa, TP.HCM sẽ không còn nhà ở phân khúc trung cấp, trong khi phân khúc bình dân cũng “biến mất” trước đó thì thành phố này sẽ chỉ còn nhà ở cho người giàu.

Trong khi đó, tại thị trường Hà Nội, Savills nhận định là “nhạy cảm” về giá. Một số nơi không phải nội đô như Mỹ Đình giá chung cư cũng khoảng 50-60 triệu đồng/m2.

Theo các chuyên gia, trong 3 năm này, nếu người Việt chỉ tiết kiệm và đợi tăng thu nhập để mua nhà đất thì giấc mơ sở hữu bất động sản là vô cùng khó khăn.

Nguyễn Khánh (Tổng hợp)

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *