Bất động sản 10/03/2015 16:21

Việt Nam áp dụng công nghệ thu phí không dừng hiện đại nhất thế giới

FICA - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa công bố công nghệ thu phí không dừng (ETC) và kiểm soát tải trọng xe trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên. ETC được cho là công nghệ hiện đại nhất thế giới, có thể làm lợi cho nền kinh tế 3.400 tỳ đồng/năm.

Chủ trì cuộc họp báo Bộ GTVT sáng nay (10/3), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, hiện tại Bộ GTVT đang chỉ đạo thực hiện thí điểm tại 3 trạm thu phí là trạm Hoàng Mai - Nghệ An, trạm Km604+700 Quốc lộ 1 đoạn qua Quảng Bình và trạm Km1813+650 đường Hồ Chí Minh, để rút kinh nghiệm trước khi áp dụng đại trà tại 35 trạm thu phí trên Quốc lộ 1 đoạn từ Thanh Hóa đến Cần Thơ và Quốc lộ 14 - đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

 

Nộp phí đường bộ qua thẻ thông minh

 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, trong giai đoạn tiếp theo, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng lần lượt áp dụng công nghệ thu phí không dừng ETC cho tất cả các tuyến đường bộ trên toàn quốc, bao gồm cả hệ thống đường cao tốc.

 

Công nghệ ETC là công nghệ nhận dạng tần số sóng vô tuyến (RFID) tiêu chuẩn ISO/IEC 18000-6C do Hoa Kỳ phát triển, đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Bộ GTVT đã lựa chọn đơn vị Tasco và Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) là nhà đầu tư, triển khai dịch vụ ETC.

 

“So với trạm thu phí cố định hiện nay thì chi phí đầu tư ETC thấp hơn, giảm cả về hạ tầng và nhân lực. Mức phi thu qua ETC không tăng so với mức phí qua trạm cố định, thao tác vận hành đơn giản, tốc độ nhận diện phương tiện nhanh, kết quả thu phí chính xác tới 99,99%. ETC không những phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của nước ta mà còn là biện pháp hiệu quả để giải quyết bài toán hiện đại hóa hệ thống giao thông đường bộ ở Việt Nam” - Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho hay.

 

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường

 

Để sử dụng dịch vụ thu phí tự động này, chủ phương tiện được cấp miễn phí thẻ định danh E-tag để dán lên kính trước của xe và kèm theo một tài khoản thu phí để giao dịch. Sau khi xe đã được dán thẻ E-tag chạy vào làn thu phí, hệ thống nhận diện xe bằng công nghệ laser sẽ kích hoạt camera chụp biển số và hệ thống ăng ten sẽ phát tín hiệu để đọc thẻ E-tag.

 

“Căn cứ vào lưu lượng xe sẽ áp dụng song song 2 hình thức thu phí không dừng và một dừng, mức phí người tham gia giao thông phải nộp là như nhau. Nếu xe đủ điều kiện qua trạm thì các thanh chắn barie sẽ tự động mở để xe đi qua, đồng thời một tin nhắn SMS sẽ được gửi về số điện thoại đã đăng ký của chủ phương tiện thông báo xe vừa qua trạm. Trường hợp tài khoản thu phí của xe không đủ tiền hoặc xe không dán thẻ E-tag, hệ thống sẽ tự động chuyển sang chế độ thu phí một dừng như hiện tại (giao dịch tiền mặt và trả vé)” - Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết thêm.

 

Về kiểm soát tải trọng phương tiện, ETC áp dụng công nghệ cảm biến thạch anh để cân tải trọng khi xe đi qua với tốc độc dao động từ 1km/h đến 230km/h, độ chính xác đạt 98%. Thông tin về tải trọng phương tiện quá tải sẽ hiện thị ngay trên bảng điện tử VMS đặt bên lề đường. Các xe quá tải sẽ được cảnh báo tình trạng và được lập thành danh sách chuyển cho cơ quan chức năng xử lý các bước tiếp theo.

 

Trả lời câu hỏi của PV Dân trí về việc sẽ giải quyết như thế nào những trạm cân tĩnh đã được đầu tư trang bị và đang được lắp đặt tại các trạm thu phí khi đưa vào sử dụng trạm cân động bằng cảm biến thạch anh theo công nghệ ETC, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho hay: Bộ GTVT sẽ kết hợp trạm cân cố định (cách trạm cân cảm biến 1-2km) để thực hiện hạ tải đối với những bị phát hiện quá tải khi qua trạm ETC, in phiếu quá tải cho chủ phương tiện. Tới đây, Bộ sẽ kiến nghị với Chính phủ bổ sung hình thức phạt nguội tại các trạm cân và gửi hóa đơn về cho chủ xe vi phạm để yêu cầu nộp phạt.

 

“Những trạm cân cố định hiện nay sẽ được điều chuyển bố trí ở các địa phương, các dự án không đầu tư BOT, các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ… Sẽ không có chuyện bỏ thừa hoặc dôi dư trạm cân” - Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định.

 

Tiết kiệm 3.400 tỷ đồng/năm?

 

Được biết, từ nay đến năm 2016, toàn quốc có khoảng 100 trạm thực hiện thu phí tại các tuyến quốc lộ, ước tính có khoảng 6.000 xe qua trạm/ngày. Theo tính toán, mỗi năm mỗi trạm thu phí tiêu tốn khoảng từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng tiền in vé phải trả cho nhà in.

 

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường
Trạm thu phí trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai hiện tại sẽ được chuyển đổi công nghệ áp dụng thu phí ETC

 

Ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tasco - cho biết, với giả định áp dụng công nghệ ETC tại 100 trạm thu phí thì mỗi năm sẽ tiết kiệm được khoảng 70 tỷ đồng/năm. ETC sẽ tiết kiệm chi phí nhiên liệu 233 tỷ đồng/năm; tiết kiệm tiền lương lái xe và hành khách tham gia giao thông khoảng 2.800 tỷ đồng/năm; giúp tiết kiệm tiền lương cho Ngân sách nhà nước khi phải chi trả cho hoạt động của trạm cân tải trọng xe lưu động án khoảng 240 tỷ đồng/năm; tiết kiệm chi phí do tinh giản biên chế bộ máy hành chính khoảng 120 tỷ đồng/năm. Tổng cộng lợi ích kinh tế - xã hội hàng năm có thể ước lượng được bằng tiền mà hệ thống thu phí không dừng có thể giúp tiết kiệm được ít nhất khoảng 3.400 tỷ đồng/năm.

 

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ này cũng đưa đến những lợi ích gián tiếp như giảm thiểu được tình trạng ô nhiễm môi trường; giảm tình trạng giảm tốc độ dừng xe và tăng tốc trở lại nên tăng tuổi thọ động cơ; giúp kiểm soát tải trọng xe quá tải qua đó tiết kiệm được chi phí sửa chữa; rút ngắn thời gian lưu chuyển hàng hóa trên đường và góp phần vào thực hiện chủ trương của Chính phủ về giảm thanh toán bằng tiền mặt.

 

Đặc biệt, thông qua hệ thống thu phí tự động không dừng có thể giúp cho Nhà nước quản lý được các phương tiện tham giao thông trên cả nước, từ đó có thể thực hiện được nhiều chính sách quản lý hiện đại như quản lý đăng kiểm xe, quản lý đăng ký xe chính chủ, xử phạt nguội giao thông, theo dõi điều tra các xe bị mất trộm hoặc phục vụ điều tra của cơ quan chức năng…

 

Năm 2010, việc thu phí không dừng đã được triển khai thực hiện tại cầu Cần Thơ thông qua việc sử dụng thiết bị thẻ OBU (On Board Unit) kết nối với tài khoản thanh toán qua ngân hàng. Tuy nhiên theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, công nghệ khi đó chỉ áp dụng đối với thu phí và chưa áp dụng đồng thời với hệ thống cảm biến kiểm soát tải trọng xe như công nghệ ETC hiện nay.

 

Châu Như Quỳnh

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *