Thị Trường 12/05/2014 16:40

“Tam chiêu” làm giá địa ốc

Thị trường căn hộ vừa có dấu hiệu tan băng đã được đội ngũ môi giới “đánh lên” với khoản tiền chênh từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng/căn hộ. Người mua không thận trọng rất dễ “sập bẫy” các chiêu làm giá này.

Dựa hơi gói hỗ trợ

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, giao dịch trên thị trường bất động sản từ cuối năm 2013 đã bắt đầu khởi sắc, với 400 - 600 giao dịch mỗi tháng. Nguyên nhân chủ yếu là tác động tâm lý từ gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng cho các dự án nhà ở xã hội và nhà thương mại giá rẻ (dưới 15 triệu đồng/m2).

    

Khát vọng sinh lời qua việc đầu tư lướt sóng vào bất động sản đang khiến nhiều nhà đầu tư phải trả thêm các khoản tiền không đáng có  

Đến thời điểm này, dù các ngân hàng thương mại mới giải ngân được khoảng 5% giá trị gói hỗ trợ đó, song tác dụng tâm lý đến thị trường bất động sản là khá tích cực. Hiệu ứng “vết dầu loang” đã xảy ra - như cách nói của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, bởi khi bất động sản giá rẻ tiêu thụ sẽ tác động tích cực đến các phân khúc khác của thị trường.

Dù “vết loang” của thị trường không thực sự mạnh mẽ, nhưng các sàn giao dịch bất động sản đã triệt để tận dụng hiệu ứng của gói hỗ trợ để làm giá cho các dự án căn hộ giá rẻ. Kết quả là, giá bán căn hộ tại nhiều sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội đã tăng đáng kể, như Dự án Xuân Mai Tower (Hà Đông) tăng 20 - 70 triệu đồng/căn, tùy diện tích và tầng cao; Victoria Văn Phú (Hà Đông) tăng 25 - 30 triệu đồng/căn; Dự án Kim Văn - Kim Lũ (Hoàng Mai) tăng 30 - 150 triệu đồng/căn; VP 5 (Linh Đàm - Hoàng Mai), khoản chênh có lúc lên tới gần 300 triệu đồng/căn ở vị trí đẹp...

Đầu năm 2014, một gói hỗ trợ khác từ phía Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) và Tập đoàn Thiên Thanh trị giá 50.000 tỷ đồng được đánh tiếng cũng có những tác động nhất định đến tâm lý của khách mua nhà. Giá bất động sản đã được “đánh lên” ở nhiều dự án, mặc dù thực tế, việc giải ngân của gói hỗ trợ này hầu như vẫn là con số 0 và nếu có được triển khai, thì cũng chủ yếu hỗ trợ các chủ đầu tư hoàn thành dự án dang dở, chứ không hỗ trợ cá nhân mua nhà.

Thay tên đổi họ để thoát hàng

Việc Dự án Chung cư Tân Tây Đô (Hoài Đức, Hà Nội) bán hàng khá chạy sau khi đổi tên thành Khu căn hộ Xphomes đã được nhiều chủ đầu tư khác làm theo như một trào lưu.

Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát tuyên bố mở bán hàng trăm căn hộ Dự án HP Landmark Tower tại Hà Đông (Hà Nội), với mức giá 17,3 triệu đồng/m2 (đã gồm VAT, nội thất đầy đủ), khiến nhiều người ngỡ ngàng, bởi trước đó, không ai biết đến Dự án HP Landmark Tower nằm ở đâu.

Thực tế, HP Landmark Tower là tên gọi mới của Toà nhà CT3 trong Tổ hợp chung cư The Pride (Khu đô thị mới An Hưng, Hà Đông) do Hải Phát làm chủ đầu tư từ năm 2009. Thị trường tự do đang “cắt lỗ” các căn hộ tại dự án này với mức giá 15 - 16 triệu đồng/m2.

Tương tự, nhiều dự án khác ở Hà Nội cũng được thay tên để tránh tiếng xấu về tiến độ trước đó, như Dự án Phuc Ha City Garden của Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh và Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Phúc Hà (IPACO), với tên gọi mới là Thăng Long Victory; Dự án Chung cư AZ Vân Canh đang được một siêu thị bất động sản gọi với tên mới là CT Number One Vân Canh, hay Dự án Alaska Garden City (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) mới được FLC Group mua lại và đổi tên thành FLC Garden City…

Tung hứng đất vàng

Cuối năm 2013, khi mãi lực của thị trường bất động sản gần như là con số 0, chủ đầu tư cùng đội ngũ môi giới bất động sản Hà Nội vẫn tìm được lý do để tăng giá bán. Đó là thông điệp về vị trí mà dự án chiếm giữ là “đất vàng” trong khu vực nội đô không còn nhiều.

Thực tế, sau thời gian dài thị trường chìm trong băng giá, chủ đầu tư và đội ngũ môi giới, các sàn giao dịch đã phối hợp ăn ý hơn. Thay vì tự mình đứng ra bán hàng, giờ đây, nhiều chủ đầu tư chấp nhận đứng sau lưng và chia sẻ lợi nhuận với một số liên minh sàn giao dịch bất động sản để đội ngũ môi giới thoải mái tung hứng, làm giá thị trường.

Theo đó, sau khi các sàn giao dịch bất động sản nộp cho chủ đầu tư một khoản tiền “thế thân”, lập tức giá bán bất động sản sẽ được chủ đầu tư điều chỉnh theo các đợt bán hàng của sàn giao dịch với mức tăng 5 - 15% để tạo sóng cho thị trường. Nhiều dự án còn thông báo dừng bán, hết hàng…, dù trên thị trường, nhiều nhà đầu tư cá nhân vẫn âm thầm “cắt lỗ”.

Hệ quả của các đợt làm giá trong vài tháng gần đây là, tại một số dự án ở các quận Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Đống Đa… được cho là đắc địa, không ít khách hàng đã phải mua với giá bán “chênh” thông qua liên minh các sàn giao dịch này. Khát vọng sinh lời qua các chiến dịch đầu tư lướt sóng đang khiến những người mua nhà phải trả thêm các khoản tiền không đáng có. Nếu không thận trọng và tỉnh táo, người mua rất dễ bị “sập bẫy” bởi các đợt sốt ảo này trên thị trường.

Theo Hà Quang

Đầu tư

Chuyên mục: Thị Trường

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *