Bất động sản 28/07/2018 08:06

Thiếu hụt nhà thu nhập thấp vì "đói" vốn?

Tiềm năng của phân khúc nhà thu nhập thấp rất lớn, tiếp tục gia tăng hàng năm. Tuy nhiên, gần đây thị trường nhà thu nhập thấp có dấu hiệu chững lại, khiến giấc mơ “an cư lạc nghiệp” của người dân trở nên khó khăn.

Thiếu hụt nhà thu nhập thấp vì

Sự lệch pha cung - cầu đang diễn ra trong thị trường nhà thu nhập thấp

Theo công bố Ngân hàng Thế giới vào quý I/2018, hơn 40% hộ gia đình tại Việt Nam có thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng. Trong đó, tại Tp.HCM, tỷ lệ người lao động có mức thu nhập ở khoảng trên dưới 6 triệu đồng/tháng chiếm tới 30%. Họ chỉ có thể tích lũy ở mức 30-40% tổng thu nhập của mình để dành cho việc mua nhà. Chính vì vậy, nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp luôn là phân khúc được quan tâm.

Thiếu hụt nhà thu nhập thấp, vì đâu?

Thực tế nguồn cung nhà thu nhập thấp đang khá “khan hiếm”. Đơn cử, những dự án nhà thu nhập thấp (có giá dưới 1 tỷ đồng/căn) hoàn toàn thiếu vắng trên thị trường TP.HCM. Những thương hiệu làm nhà ở giá rẻ của TP.HCM như Hoàng Quân, NHO, Lê Thành… không có dự án mới được mở bán từ giữa năm 2017 đến nay, kế hoạch phát triển dự án của các đơn vị này cũng chỉ là dự kiến trong năm 2018.

Sở Xây dựng Tp.HCM đưa ra thông tin, 6 tháng đầu năm nay, nguồn cung trên thị trường bất động sản sụt giảm mạnh, từ 30-60% tuỳ từng phân khúc. Đáng chú ý là sự sụt giảm mạnh đối với sản phẩm nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp trong khi cơ cấu nguồn cung thị trường dòng sản phẩm bất động sản cao cấp chiếm tới 41% tổng nguồn cung. 

Nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp ở các đô thị dự báo tới năm 2020 là 1 triệu căn, trong khi hiện tại mới chỉ đáp ứng hơn 10.000 căn/năm. Như vậy, hiện nay, sự lệch pha cung - cầu đang diễn ra trong thị trường nhà thu nhập thấp.

Nguyên nhân chính là do "đói" vốn ngân sách. Năm 2018, theo Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn 1.000 tỷ đồng (vốn Nhà nước cấp 500 tỷ đồng, ngân hàng tự huy động 500 tỷ đồng) đã được phân giao về các địa phương triển khai cho vay. Tuy nhiên, nguồn vốn cho vay hiện nay rất ít so với nhu cầu.

Theo ông Hoàng Liên Sơn, Phó Giám đốc NHCSXH chi nhánh Hà Nội, NHCSXH Hà Nội được phân giao 50 tỷ đồng, tính trung bình mức vay mua nhà xã hội chỉ khoảng 150 người có thể tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi này. Đây là con số nhỏ so với hàng ngàn hộ gia đình thuộc đối tượng được vay đang có nhu cầu vay vốn ưu đãi trên địa bàn Thủ đô.

Một nguyên nhân khác nữa là do lợi nhuận của phân khúc này thấp, cộng với sự phức tạp về thủ tục pháp lý nên không thu hút nhiều chủ đầu tư.

Cụ thể, Công ty cổ phần Chương Dương (CDC) khởi công dự án nhà ở xã hội tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TP.HCM quy mô hơn 1.000 căn hộ. Theo quy định xin duyệt thiết kế cơ sở, dự án trên 20.000 m2 sàn phải xin phép Bộ Xây dựng, sau đó lại xin giấy phép xây dựng của Sở Xây dựng. Công ty này đã mất gần 2 năm mới làm xong thủ tục để khởi công dự án.

Thủ tục đầu tư dự án nhà thu nhập thấp nhiều gấp 2 lần so với nhà ở thương mại, nhà cao cấp. Thế nhưng, giá bán và lợi nhuận lại ít hơn rất nhiều nên các nhà đầu tư “ngán ngẩm” là điều dễ hiểu.

Gỡ nút thắt

Chuyên gia Kinh tế Cấn Văn Lực đề xuất, Việt Nam nên xã hội hóa một quỹ nhà ở, trong đó có sự đóng góp của nhà nước cũng như một số chủ đầu tư quan tâm đến lĩnh vực nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội.

Hơn nữa, các nguồn tài chính cần được huy động từ những người có nhu cầu về nhà ở, từ cộng đồng dân cư, từ các nguồn đô thị qua việc sử dụng đất. Cùng đó, việc sử dụng quỹ cần bài bản, minh bạch, đúng mục đích, nhu cầu là phát triển nhà thu nhập thấp. 

Trong xây dựng nhà thu nhập thấp, chủ đầu tư bị khống chế mức lợi nhuận không vượt quá 10% tổng mức đầu tư dự án. Sở Xây dựng TP.HCM nhận định rằng, để thu hút được nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng nhà thu nhập thấp, tăng lợi nhuận là một trong những yếu tố tiên quyết, có thể tăng định mức lợi nhuận lên 15 - 20%, kết hợp với việc tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư bất động sản trong bố trí quỹ đất và vay vốn, thậm chí một số khoản chi phí đầu tư nên được quy định trích hẳn từ ngân sách địa phương để hỗ trợ.

Phía Nhà nước cần thể hiện trách nhiệm của mình trong việc tinh gọn lại thủ tục liên quan đến nhà thu nhập thấp; phân cấp rõ ràng ở quận, huyện. Giảm thủ tục rườm rà của các loại giấy phép, mà cụ thể nhất là cho phép doanh nghiệp có thể thực hiện dự án khi có quy hoạch 1/500.

Theo báo Đầu tư

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *