Thị Trường 26/05/2014 09:36

Thực hư căn hộ đội giá khủng

Thị trường bất động sản vừa mới có giao dịch trở lại. Nhiều chủ đầu tư, giới kinh doanh đã đủ chiêu trò thổi giá, làm giá, đẩy chênh lệch giá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng so với giá gốc khi đến tay người tiêu dùng.

Liên kết nhau… “làm giá”

Từ đầu năm 2014 đến nay, người có nhu cầu nhà ở đã chứng kiến nhiều dự án có giá bán trên thị trường chênh lệch rất lớn so với giá chủ đầu tư đưa ra. Điển hình là các dự án có căn hộ giá rẻ trên dưới 1 tỷ đồng, thuộc diện được vay vốn ưu đãi  5%/năm trong gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, như dự án Kim Văn - Kim Lũ có mức chênh 150 - 350 triệu đồng/căn hộ; dự án VP 5 Linh Đàm có mức chênh 250 - 450 triệu đồng/căn hộ, dự án Viện 103 Văn Quán chênh giá 50 - 150 triệu đồng/căn… 
 
"Nên để thị trường nhà đất phát triển tự nhiên, người mua nhà có quyền lựa chọn mua qua sàn hay mua trực tiếp của chủ đầu tư, lúc đó tự các sàn sẽ phải trở thành một điểm giao dịch tốt, người mua nhà trả phí để được cung ứng dịch vụ, cam kết về chất lượng, hợp đồng, giấy tờ pháp lý… và tình trạng “cò” lũng đoạn thị trường nhà đất sẽ bị triệt tiêu”.
 
Giáo sư Đặng Hùng Võ

Thậm chí, nhiều dự án chung cư cao cấp trên địa bàn Hà Nội cũng chênh giá và giao dịch khá sôi động, như dự án căn hộ cao cấp Trung Yên Plaza trên đường Trần Duy Hưng, hay Dự án Lancaster trên phố Núi Trúc, Dự án N04 Trần Duy Hưng, chênh lên tới 200 triệu đồng/căn, Dự án Mandarin Garden chênh tới 500 - 600 triệu đồng/căn, Dự án Diamon Flower trên đường Lê Văn Lương chênh 50 - 100 triệu đồng/căn… 

Câu hỏi đặt ra là, thị trường đã thực sự ấm trở lại và nhu cầu bất động sản đã thực sự đủ lớn để đẩy chênh lệch giá lên cao như vậy? Anh Cường, nhân viên sàn giao dịch Nam Long (Hà Nội), nhận định, nhu cầu một số căn hộ có diện tích nhỏ, giá dưới 1 tỷ đồng đúng là có tăng. Mặc dù vậy, không phải căn hộ nào cũng được mua với giá chênh mà “cò” đã “hét” và lượng giao dịch thành công cũng không lớn, bởi chỉ nằm ở một số căn hộ, dự án được mua đi bán lại. Thậm chí, nhiều trường hợp giao dịch quay vòng bởi chính các “cò” với nhau, nhằm đánh vào tâm lý thị trường. 

Trong khi đó, những căn hộ có diện tích lớn và giá cao trên 1 tỷ đồng giao dịch vẫn rất chậm, nếu không muốn nói là vẫn gần như “án binh bất động”, đặc biệt là tại thị trường TP HCM. Điển hình như dự án The Canary Heights (Bình Dương), có 190 căn hộ, từ năm 2010 đến nay mới bán được hơn 60 căn (35%). 
 
Dòng tiền mạnh chưa trở lại

Báo cáo của Bộ Xây dựng gần đây cũng thể hiện, tính đến cuối tháng 2/2014, tổng giá trị tồn kho bất động sản tuy giảm nhưng cũng còn tới 92.690 tỷ đồng. Tính đến giữa tháng 4, vẫn còn 17.000 căn hộ tồn kho trên thị trường mà chưa tính đến tồn kho thứ cấp. Với nguồn cung lớn như vậy, thì cũng mất ít nhất vài năm để tiêu thụ hết hàng tồn chứ chưa tính đến việc tăng giá. 

Điều đáng quan tâm, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM Nguyễn Văn Đực là, sự “ấm” lên nhè nhẹ của thị trường chỉ mới rơi vào một số dự án có giá trị vài ba trăm tỷ đồng, trong khi tồn kho, ế ẩm lại nằm ở những dự án cả nghìn tỷ đồng. Đơn cử như tại TP HCM, chỉ 20 -30 dự án có giao dịch, song có tới hàng trăm dự án vẫn bất động -  mà chủ yếu là những dự án lớn. Một chuyên gia ngân hàng, chia sẻ, đúng là nhu cầu mua nhà vẫn có, nhưng giao dịch chủ yếu của một số người mua thực sự, giá trị mua thấp, còn trên thực tế, dòng tiền đủ mạnh vẫn chưa sẵn sàng trở lại thị trường. 

Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm cho rằng, hiện tượng tăng giá cục bộ - có sự “góp sức” của “cò” ngay khi thị trường vừa mới “gượng dậy” cho thấy cách làm ăn chụp giật, nếu không được chấn chỉnh thì sớm muộn cũng lại làm mất lòng tin của người tiêu dùng. Do vậy, các cơ quan quản lý cần theo dõi sát tín hiệu thị trường, tránh lại để xảy ra những cơn “sốt” ảo như các năm trước. 

Trước thực trạng mỗi khi thị trường nhà đất có dấu hiệu tăng thanh khoản, thì đội ngũ “cò” nhà đất lại tung đủ chiêu trò nâng giá bán kiếm lời, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, nên bỏ quy định bắt buộc giao dịch bất động sản phải qua sàn, bởi hiện cả nước có khoảng trên 700 sàn giao dịch bất động sản nhưng nhiều sàn hoạt động thiếu chuyên nghiệp, mang tính hình thức, thậm chí trở thành công cụ hợp thức hóa vi phạm cho các chủ đầu tư.  
 
Theo Bảo Nguyên - Hải Quỳnh
Báo GTVT

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *