Thị Trường 04/04/2015 07:23

Bộn bề 13 dự án trọng điểm tại Hà Nội

Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm, Hà Nội phải hoàn thành 13 dự án trọng điểm trong các lĩnh vực thiết yếu về giao thông, môi trường và y tế. Thế nhưng, mục tiêu này có nguy cơ khó đạt được do chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng.

Bộn bề 13 dự án trọng điểm tại Hà Nội
Theo kế hoạch,từ nay đến cuối năm, Hà Nội phải hoàn thành 13 dự án trọng điểm trong các lĩnh vực thiết yếu

Các dự án trọng điểm trên bao gồm 6 dự án trong lĩnh vực giao thông là: Dự án Đường vành đai 1 (đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái), Dự án Nút giao thông trung tâm quận Long Biên và Dự án Đường 5 kéo dài do Ban quản lý Dự án Tả Ngạn làm chủ đầu tư; Dự án Đường vành đai 2 (Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng) và Dự án Xây dựng nút giao thông Bắc Thăng Long – Vân Trì do Ban quản lý Trọng điểm làm nhà đầu tư; Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội do Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội làm chủ đầu tư. 

Cùng với các dự án giao thông, 7 dự án trọng điểm khác cũng được yêu cầu hoàn thành trong năm 2015 gồm: Dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn II; Dự án Mở rộng khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II; Dự án Xây dựng cải tạo Bệnh viện đa khoa Đức Giang; Dự án Xây dựng Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ; 3 dự án thành phần khu Hoàng Thành Thăng Long; 2 dự án lĩnh vực phòng cháy chữa cháy và 4 nhóm dự án vốn ODA.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, hầu hết dự án trọng điểm của Thành phố đều triển khai chậm, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng.

Điển hình là Dự án Đường vành đai 1, đến ngày 31/12/2014, chủ đầu tư đã phê duyệt 467/682 phương án với kinh phí 638 tỷ đồng, nhưng vẫn còn khoảng 215 hộ dân và 6 cơ quan với tổng số tiền bồi thường khoảng 380 tỷ đồng chưa được phê duyệt. Hay Dự án Đường vành đai 2 vẫn đang gặp khó khăn vướng mắc về tái định cư. Cụ thể, trong tổng số 553 căn hộ cần bố trí tái định cư, chỉ có 236 căn cơ bản hoàn thành. 

“Các dự án chậm tiến độ chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng gặp vướng mắc vì quỹ nhà không tập trung. Do đó, việc bố trí nhà ở tái định cư cần phải đi trước một bước. Hơn nữa, những nội dung về giá đất, giá nhà tái định cư theo Luật Đất đai sửa đổi cần phải sớm ban hành, để có cơ sở xây dựng các phương án đền bù thích hợp”, ông Nguyễn Thế Bình, Giám đốc Ban Quản lý dự án Tả Ngạn (Ban quản lý của 3 trong 6 dự án giao thông trọng điểm của năm 2015) kiến nghị.

Đồng quan điểm, ông Trương Quang Thiều, Trưởng Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng TP. Hà Nội chia sẻ: “Việc tái định cư rất khó đồng bộ với dự án, bởi phải hoạch định chính sách, rồi từ đó mới có thể làm dự án tái định cư. Về công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, cần phải quyết liệt, trực tiếp tháo gỡ, trao đổi các khâu, xác định nguồn gốc đất đai từ cấp cơ sở, từ đó mới nảy sinh nhiều vấn đề vướng mắc của dân để giải quyết một cách triệt để”.

Về 2 dự án về môi trường do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng Dự án Thoát nước hiện đã thực hiện khoảng 97%, hoàn thành và bàn giao 5 trong tổng số 14 gói thầu.

Đối với Dự án Mở rộng Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (giai đoạn II), hiện rác đã cao hơn cả những ngọn đồi bên cạnh và sẽ không thể tiếp nhận thêm rác. Để khắc phục tình trạng này, Hà Nội đã có chủ trương mở rộng bãi rác thứ hai, nhưng sau gần nửa năm mới giải phóng được 50% mặt bằng. Hệ quả là, gần 4.000 tấn rác thải của Hà Nội mỗi ngày sẽ không có chỗ để xử lý.

Được biết, đến nay, chủ đầu tư chưa trình phê duyệt được giá đất năm 2015, do vậy, việc phê duyệt và trả tiền cho dân là khó thực hiện. Tuy nhiên, UBND Thành phố đã có yêu cầu chủ đầu tư cam kết, tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng để hoàn thành trước ngày 30/4/2015.

Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo, Hà Nội cần triển khai các biện pháp đa dạng, phong phú để cải thiện môi trường đầu tư, huy động nguồn lực nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm, đồng thời nâng cao chất lượng các công trình này.

Bảng số liệu mức vốn đầu tư của các dự án trọng điểm tại Hà Nội:

STT

Dự án

Tổng mức đầu tư

(tỷ đồng)

1

Đường vành đai 1 (đoạn Ô Đông Mác – Nguyễn Khoái)

1.139

2

Đường 5 kéo dài

6.661

3

Đường Vành đai 2 (đoạn Ngã tư Sở - Ngã tư Vọng)

2.560

4

Xây dựng nút giao thông Bắc Thăng Long – Vân Trì

861

5

Xây dựng nút giao thông trung tâm Quận Long Biên

2.847

6

Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội

10.244

7

Dự án Thoát nước Hà Nội – dự án II

9.694

8

Mở rộng Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn

969

9

Xây dựng, cải tạo Bệnh viện Đa khoa Đức Giang

862

10

Xây dựng trung tâm nghiên cứu chuyển giao và giám định công nghệ

590

11

Dự án khu Hoàng Thành Thăng Long

  • Quy hoạch chi tiết 1/500
  • Chỉnh trang mặt bằng
  • Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan khu vực khảo cổ học 1 Hoàng Diệu

253

86,5

12

Dự án Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn của TP. Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030

13

Dự án Đầu tư trang thiết bị PCCC

682

Báo Đầu tư

Chuyên mục: Thị Trường

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *