Thị Trường 02/10/2014 16:36

BĐS thoát đáy, giá nhà tiếp tục tăng

FICA - Tình hình doanh số khả quan và các sự kiện chào bán gần đây thu hút nhiều người tham dự cho thấy thị trường đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

Vĩ mô ổn định "kích" BĐS

Trao đổi với báo chí, ông Richard Leech - Giám đốc điều hành Hãng tư vấn dịch vụ bất động sản CBRE Việt Nam đánh giá, thị trường bất động sản đang có nhiều dấu hiệu khởi sắc nhờ tác động tích cực từ tình hình vĩ mô. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 9 tháng đầu năm tăng 5,62% cùng với sự tăng trưởng của vốn đầu tư nước ngoài đã thúc đẩy hoạt động sản xuất và xuất khẩu, giúp đương đầu với tình trạng tăng trưởng tín dụng thấp. 

Trong khi đó, các ngân hàng cũng đang đẩy mạnh cho vay mua nhà. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến cuối tháng 8/2014, tăng trưởng tín dụng vào thị trường bất động sản đạt 9,85% so với đầu năm, cao hơn tăng trưởng của cả nước (5,82%) và các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng ước tính trong 8 tháng đầu năm chỉ đạt 4,50% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 50% chỉ tiêu của năm mặc cho những nỗ lực của Chính phủ trong việc giảm lãi suất cho vay (từ 20% năm 2011 xuống 13%). Tăng trưởng tín dụng thấp không xuất phát từ nền kinh tế mà là từ lòng tin người tiêu dùng.

ANZ – Roy Morgan trong một cuộc khảo sát lòng tin người tiêu dùng đã cho thấy một mối tương quan thuận giữa lòng tin của người tiêu dùng Việt Nam với xu hướng của thị trường chứng khoán (VNIndex). Cả hai chỉ số này đều có những dấu hiệu cải thiện rõ rệt từ tháng 1. Gần 60% những người tham gia khảo sát kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam cũng như tình hình tài chính của gia đình tốt hơn trong năm sau. Sự phục hồi của niềm tin tiêu dùng phần nào củng cố cho kỳ vọng tăng trưởng tín dụng trong ba tháng cuối năm nay. 

Ông Richard Leech cũng cho rằng, nguồn vốn đầu tư vào ngành hàng sản xuất tăng cũng hỗ trợ nền kinh tế. Ngành hàng sản xuất vẫn tiếp tục thu hút nhiều vốn đầu tư nhất trong tổng số FDI, chiếm gần 70%. Hàn Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành quốc gia có vốn đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam. Hãng điện tử Samsung đã đầu tư gần 8 tỷ USD vào Việt Nam, trong khi Lotte Mart cũng đang lên kế hoạch tăng gấp đôi số cửa hàng trong lộ trình đến năm 2020. 

Xếp sau ngành hàng sản xuất, bất động sản xếp thứ hai về tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam, chiếm 11%, tương đương 1,2 tỷ USD. Một số vốn đầu tư lớn đã đổ vào thị trường bất động sản miền Nam. Một số dự án có vốn đầu tư lớn như: Smart Complex của Lotte ở Thủ Thiêm, TPHCM (2 tỷ USD) và Amata City Long Thành của Amata tại tỉnh Đồng Nai (530 triệu USD). Ngoài ra nguồn vốn đầu tư còn đổ vào phát triển các dự án phức hợp tại các khu cảng của TP.HCM, như Cảng Sài Gòn, cảng Khánh Hội Nhà Rồng và Nhà máy đóng tàu Ba Son.

Thị trường thoát đáy, vượt qua giai đoạn khó khăn


Đánh giá về thị trường trong quý 3, bà Dương Thùy Dung - Phó Giám đốc, trưởng phòng nghiên cứu của CBRE nói: "Doanh số bán cải thiện và niềm tin của người mua trở lại, các chủ đầu tư ngày càng tự tin hơn trong việc chào bán những sản phẩm của mình. Các sự kiện chào bán trong quý 3/2014 đều thu hút nhiều người tham dự mặc dù số lượng căn chào bán giảm".

Theo bà Dương Thùy Dung, trong 7 năm qua, các chủ đầu tư đã thường 
không hoàn thành dự án như đã cam kết. Tuy nhiên, tình hình doanh số khả quan và các sự kiện chào bán gần đây thu hút nhiều người tham dự cho thấy thị trường đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Bà Dung cho rằng, những cải thiện về giá bán và doanh số được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì bức tranh khả quan nhờ lãi suất cho vay thấp hơn, nhiều sản phẩm thích hợp hơn và sự cải thiện điều kiện kinh tế. 

Song song với các diễn biến tích cực trên, bà Dung cũng cho rằng, mặc dù giá thứ cấp đã tăng 3 quý liên tiếp và đây là một tín hiệu tích cực, nhưng sự hồi phục hoàn toàn của thị trường còn cần những dấu hiệu khác như lượng giao dịch tăng và ổn định, và niềm tin của người mua cũng như chủ đầu tư cải thiện. Theo bà Dung, tại thời điểm này có thể nói thị trường đã ra khỏi đáy, tuy nhiên cần quan sát thêm trước khi kết luận thị trường đã hoàn toàn phục hồi. 


Theo thống kê của CBRE, trong quý 3/2014, thị trường tiếp tục chứng kiến các đợt mở bán mới và chào bán lại kể cả vào tháng ngâu, mà theo tư tưởng phương Đông không phải là thời điểm tốt để thực hiện kinh doanh, mua bán. Tại Hà Nội, tổng cộng 2.202 căn hộ được mở bán mới ra thị trường, hầu hết từ phân khúc bình dân, nâng tổng nguồn cung mới trong 9 tháng đầu năm 2014 lên 6.829 căn hộ, vượt con số 6.745 căn được chào bán mới dè dặt trong cả năm 2013. Tại TPHCM, với 3.104 căn hộ chào báo, nguồn cung chào bán trong quý khảo sát gia tăng mạnh 95,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, phần lớn các dự án được chào bán vào tháng 7 và tháng 9 vì tháng 8 trùng vào tháng Bảy Âm lịch.

Trong khi đó, hoạt động chào bán lại tại các dự án trung cấp khá sôi động với các chương trình khuyến mại lớn như tặng gói nội thất, tặng xe hơi… và chính sách trả chậm thì rất phổ biến, do hầu hết các dự án này đều đã hoàn thiện và khách hàng mua có thể vào ở ngay.

Đà giao dịch tiếp tục được duy trì bất kể tháng ngâu. Trong quý 3, có khoảng 2.550 căn hộ ước lượng được giao dịch tại Hà Nội và hơn 3.300 căn hộ được giai dịch tại TPHCM. Lượng giao dịch tăng khoảng 30% đối với các dự án trung cấp, trong khi đó các dự án bình dân lại chứng kiến sự sụt giảm về lượng bán so với quý trước. Nguyên nhân được cho là người mua đang mua các sản phẩm có giá cao hơn và ưa chuộng các dự án đã hoàn thiện. 

Về giá sơ cấp, thị trường chứng kiến sự tăng nhẹ từ 2% - 5% so với năm trước trên giá bán tại các đợt mở bán mới ở một vài dự án thuộc phân khúc trung cấp và bình dân, đặc biệt là các dự án đã hoàn thiện. Giá bán lại các căn hộ thứ cấp cũng tăng nhẹ khoảng 1% so với quý trước. Giá thứ cấp cải thiện ở hầu hết các phân khúc, và mạnh nhất tại phân khúc trung cấp với 1,8% so với quý trước. 

Phương Dung

Chuyên mục: Thị Trường

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *