Bất động sản 24/04/2015 18:35

Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt sai phạm của Hà Nội trong quản lý đất đai

FICA - Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận về việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với UBND thành phố Hà Nội trong đó chỉ ra nhiều hạn chế, sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ cho biết, việc quản lý thu tiền thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước do lịch sử để lại, qua các thời kỳ còn hạn chế, bất cập, thiếu quy định cụ thể về chế tài xử lý dẫn đến tình trạng có tổ chức, cá nhân chậm, thậm chí trây ỳ, khiếu nại, tố cáo phức tạp trong việc nộp ngân sách nhà nước các khoản tiền thuê nhà trong nhiều năm.

 

Việc thuê các đơn vị thẩm định giá để xác định giá đất đạt hiệu quả thấp, giá đất sau thẩm định tăng ít so với khung giá đất do UBND thành phố quy định (dưới 10% so với khung giá đất của thành phố), việc thuê đơn vị thẩm định mất nhiều thời gian, phát sinh chi phí tài chính từ ngân sách Nhà nước.

 

Một số chủ đầu tư dự án chưa chấp hành nghiêm túc việc nộp tiền thuê đất, tiền sử dụng đất theo quy định dẫn đến còn nợ đọng chưa thu hồi được.

 

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra rằng, qua kiểm tra thực tế, một số dự án vi phạm quy hoạch sử dụng đất, sử dụng đất sai mục đích; có dự án sau khi được giao đất chậm triển khai trên 24 tháng, đồng thời vi phạm quy hoạch, xây dựng trái phép nhưng chưa được các cơ quan chức năng xử lý triệt để. Việc thành phố giao chủ đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất đã giải phóng mặt bằng thông qua hình thức tổ chức lựa chọn chủ đầu tư là chưa đảm bảo chặt chẽ theo quy định.

 

Đáng lưu ý, ngày 1/10/2012, thành phố ban hành quyết định cho UBND xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm thuê 10.224m2 đất để xây khu thương mại Mỹ Đình là trái quy định của Luật Đất đai. 

 

Bên cạnh đó, thành phố ban hành quyết định giao đất tại một số dự án nhưng chậm tính tiền sử dụng đất, ký hợp đồng thuê đất, chậm bàn giao đất trên thực địa (do chưa thực hiện xong giải phóng mặt bằng). Nhiều tổ chức sử dụng đất từ trước Luật Đất đai năm 2003 không có giấy tờ về sử dụng đất, chưa được công nhận quyền sử dụng đất nên chưa có đơn giá thuê đất dẫn đến cơ quan thuế phải tạm tính tiền thuê đất. Việc chưa hoàn thiện hồ sơ thuê đất theo quy định cũng gây khó khăn cho công tác thu tiền thuê đất vào ngân sách Nhà nước của cơ quan thuế. 

 

Theo kết luận này, việc quản lý, sử dụng nhà đất của công ty Bảo hiểm Hà Nội và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình tại 15C Trần Khánh Dư, phường Phan Chu Trinh có sai phạm cần phải xem xét, xử lý. Hợp đồng liên danh liên kết làm nhà ở và làm việc giữa công ty Bảo hiểm Hà Nội và Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng (thực chất là một bên góp đất, một bên góp tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng để cùng hưởng lợi) ký ngày 13/4/1989 khi Cục Đối ngoại chưa được cơ quan cấp trên cho phép thực hiện liên doanh liên kết. 

 

Việc thành phố cấp giấy phép xây dựng ngày 29/5/1989 cho Cục Đối ngoại trong khi chưa được Bộ Tổng tham mưu cho phép đóng quân và liên danh, liên kết là chưa đúng quy định. Toàn bộ 17 căn hộ tập thể vẫn là tài sản nhà nước do công ty Bảo hiểm Hà Nội quản lý (chưa thanh lý, hoá giá) nên việc UBND quận Hoàn Kiếm đã cấp 17 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho các hộ trên phần diện tích quốc phòng là vi phạm Luật Đất đai. Có 6 hộ gia đình sau khi được Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam phân phối nhà ở đã không sử dụng, bán đi là vi phạm quyết định của Chính phủ.

 

Công tác thu hồi, bồi thường và giải phóng mặt bằng cũng có nhiều sai phạm. Cụ thể, chính sách tái định cư của thành phố chưa có các quy định cụ thể đối với trường hợp tái định cư bằng đất trong trường hợp một thửa đất gồm nhiều hộ gia đình, thế hệ sinh sống. Tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng diễn ra tại các dự án còn quá chậm (năm 2011, có 291 dự án đã có quyết định thu hồi đất nhưng chậm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng hoặc chưa triển khai giải phóng mặt bằng; năm 2012 có 154 dự án chậm; 6 tháng đầu năm 2013, 131/137 dự án chưa hoàn thành).

 

Ngoài ra, một số dự án vi phạm pháp luật đất đai thuộc diện phải thu hồi nhưng gặp khó khăn, vướng mắc do chưa có quy định về trình tự, thủ tục và cơ chế thực hiện khi nhà nước thu hồi đất đối với những chủ đầu tư dự án đã nộp tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất, tiền bồi thường giải phóng mặt bằng và đã đầu tư một phần trên đất; một số dự án giải phóng mặt bằng xong do điều chỉnh quy hoạch, phương án sản xuất kinh doanh… dẫn tới chậm triển khai.

 

Trên địa bàn huyện Từ Liêm còn tồn tại cơ chế đặc thù trong chính sách bồi thường, tái định cư tại các dự án, tạo nên tính không công bằng, minh bạch. 

 

Phương Dung

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *