Bất động sản 26/10/2021 12:11

Sốc vì chủ mặt bằng không giảm tiền thuê do Covid-19 còn đòi tăng giá

Chị Hoa chưa kịp đàm phán giảm tiền thuê mặt bằng do khó khăn vì Covid-19 thì chủ nhà bất ngờ thông báo sẽ tăng giá. Nếu không đồng ý, chủ nhà sẽ lấy lại mặt bằng.

Chủ nhà đòi tăng giá hoặc không cho thuê nữa

Câu chuyện quan tâm nhất hiện nay đối với thị trường mặt bằng cho thuê chính là vấn đề giá cả. Nhiều chủ nhà để giữ chân khách thuê hoặc chia sẻ khó khăn do dịch bệnh đã miễn giảm tiền thuê mặt bằng.

Trong quý III năm nay, Savills cho biết các khách thuê đa số đều gặp khó khăn. Đặc biệt một số khách thuê vừa và nhỏ đã phải kết thúc hợp đồng sớm hoặc ngừng tái ký hợp đồng.

Một số cửa hàng tại khu vực trung tâm đóng cửa trong quý III khiến công suất tại khu vực này giảm 2 điểm phần trăm và giá chào thuê giảm 2% theo quý.

Sốc vì chủ mặt bằng không giảm tiền thuê do Covid-19 còn đòi tăng giá - 1

Nhiều mặt bằng nằm ở vị trí đắc địa tại trung tâm thành phố "vật lộn" với đại dịch Covid-19 (Ảnh: Đại Việt).

Anh Nguyễn Khang - một MC nổi tiếng đồng thời là chủ chuỗi nhà hàng chả cá ở TPHCM - từng chia sẻ rất cảm kích khi chủ mặt bằng đã san sẻ một phần tiền thuê mặt bằng. Trong khi đó, đa phần diện tích thuê của anh đều rất lớn, số tiền hỗ trợ không hề nhỏ.

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như anh Khang, nhiều khách thuê còn mệt mỏi vì làm ăn đã khó khăn nhưng chủ nhà còn đòi tăng giá.

Chị Hoa - chủ một spa làm đẹp đang thuê một căn liền kề ở khu làng Việt Kiều châu Âu (Mỗ Lao, Hà Nội) - với giá 35 triệu đồng/tháng. Vị trí căn nhà ở góc đường nên có ưu thế hai mặt tiền.

Dù việc kinh doanh không được mấy suôn sẻ, phải đóng cửa do giãn cách, vắng khách vì Covid-19 song chị Hoa vẫn muốn giữ lại mặt bằng, đóng tiền đúng kỳ để duy trì.

Đến tháng 12 tới sẽ hết thời hạn hợp đồng đã ký, chị Hoa tính sẽ thương lượng với chủ nhà về mức giá trong hợp đồng mới. Tuy nhiên, chưa kịp đàm phán thì chủ nhà bất ngờ thông báo sẽ tăng lên 40 triệu đồng/tháng. Nếu không đồng ý, chủ nhà sẽ lấy lại mặt bằng.

Chị Hoa cảm thấy khá "sốc" bởi rất nhiều bạn bè cùng làm kinh doanh như chị đợt vừa qua đều được giảm giá hỗ trợ. Trong khi đó, chị phải chấp nhận trả cao hơn dù kinh doanh bết bát hoặc không phải chuyển đi nơi khác.

"Bây giờ đi thuê chỗ mới cũng khá vất vả. Phải tìm địa điểm phù hợp, diện tích và vị trí đều ưng ý. Rồi xây dựng lại các mối quan hệ thực sự rất mệt mỏi với những người làm kinh doanh như tôi. Đợt này vắng khách lắm, tôi lỗ tiền vận hành nhưng vẫn chấp nhận hy vọng hồi phục dần", chị Hoa tâm sự.

Những "ông lớn" gom mặt bằng

Tìm hiểu nguyên nhân được biết, hiện mặt bằng nhà chị Hoa đang thuê có một chuỗi siêu thị nhăm nhe "nhảy" vào. Họ sẵn sàng trả giá thuê cao hơn để tìm được mặt bằng phù hợp với chiến lược kinh doanh của mình.

Mới đây, trong khi Thế Giới Di Động quyết thanh lý hợp đồng trước hạn đối với một mặt bằng căn góc ở thị xã An Nhơn, Bình Định sau khi không đàm phán được việc miễn giảm tiền thuê thì ngay lập tức có một "ông lớn" bán lẻ khác nhảy vào. Mức giá trả cho bên cho thuê cao hơn 20% so với giá trước đó cho Thế Giới Di Động thuê.

Vị lãnh đạo chuỗi bán lẻ này chia sẻ, các hệ thống bán lẻ luôn có nhiều kênh kinh doanh khác nhau, trong đó đối với kênh cửa hàng truyền thống thì yếu tố vị trí, địa điểm, không gian cửa hàng…. mà chúng ta hay gọi chung là mặt bằng đóng vai trò tối quan trọng.

Theo chuyên gia Savills, trong bối cảnh dịch Covid-19 bủa vây, một số nhãn hàng mới tận dụng thời điểm giá thuê giảm nhiệt hiện nay để tìm kiếm những vị trí đắc địa hơn cho cửa hàng đầu tiên của họ.

"Các nhãn hàng đang hoạt động tại Hà Nội dự định chờ tới khi tình hình dịch được cải thiện và việc triển khai vắc xin để tiếp tục kế hoạch mở rộng mặt bằng. Tuy nhiên, vẫn có một số nhãn hàng mới, chưa xuất hiện tại Hà Nội, đang tận dụng thời điểm giá thuê bắt đầu giảm nhiệt, để tìm kiếm những vị trí đắc địa hơn cho cửa hàng đầu tiên của họ", bà Hoàng Nguyệt Minh - Giám đốc Cho thuê thương mại Savills Hà Nội - cho biết.

Theo báo cáo quý II của Bộ Xây dựng, tại khu vực trung tâm của Hà Nội và TPHCM, giá chào thuê trung bình ở tầng trệt và tầng một cũng trong xu hướng giảm; mức giá trung bình khoảng 102 USD/m2/tháng tương đương 2.357.000 đồng/m2/tháng, giảm 1,9% theo quý và 1,7% theo năm.

Khu vực trung tâm ghi nhận tỷ lệ trống trung bình ở mức 10,8% do một số diện tích trống ở các tầng cao vẫn chưa tìm được khách thuê mới, cũng như bị ảnh hưởng do dịch bệnh. So với cùng kỳ năm ngoái, tỉ lệ này đã tăng 10,1%.

Giá chào thuê mặt bằng ở tầng trệt và tầng một (không bao gồm thuế VAT và phí dịch vụ) tại các trung tâm thương mại ngoài khu vực trung tâm tiếp tục giảm nhẹ do một số dự án có tỷ lệ trống cao giảm giá để giữ chân khách thuê, cũng như hỗ trợ các khách thuê do tình hình dịch diễn biến phức tạp thời gian vừa qua.

Cụ thể, giá chào thuê trung bình tại tầng trệt và tầng một khu vực ngoài trung tâm đạt 29 USD/m2/tháng, tương đương 670.000 đồng/m2/tháng, giảm 3,8% theo năm và 2,8% theo quý.

Đáng lưu ý, tỷ lệ trống các khu vực này vẫn ở mức cao, đạt 14,6%, cao hơn 0,1% theo quý và 4,8% theo năm. Tại thị trường TPHCM, dưới sức ép từ làn sóng dịch nghiêm trọng, giá thuê trung bình trong quý ghi nhận đạt 34 USD/m2/tháng, tương đương 786.000 đồng/m2/tháng, giảm 5,2% theo năm.

Nguyễn Mạnh

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *