Bất động sản 17/09/2014 11:54

Sắp có thêm gói tín dụng "khủng" hỗ trợ mua nhà?

Nếu gói tín dụng này được chấp thuận, chỉ trong 1 thời gian ngắn, các ngân hàng có thể giải ngân vài chục nghìn tỷ đồng.

Thêm gói tín dụng tỷ "đô"?
 
Theo tiết lộ của Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Tiến Đông tại Hội thảo “Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng thương mại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp”,
 
NHNN đang nghiên cứu xây dựng một gói hỗ trợ vay mua nhà cho cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang để trình Thủ tướng xin ý kiến.

Nếu gói 30.000 tỷ chỉ được vay mua nhà ở thương mại có diện tích dưới 70 m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, tất cả phải chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, hoặc có nhà ở nhưng diện tích quá chật chội... thì gói mới này cho phép cán bộ công chức, viên chức được mua cả căn hộ chung cư cao cấp, trung cấp, mua nhà liền kề… 

Mức cho vay tối đa lên tới 75% tổng giá trị, còn lại vốn tự có của người mua. Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra một số phương án lãi suất dự kiến dao động từ 6-7,5%/năm, với thời hạn vay kéo dài trong khoảng 10 năm. Mức cho vay tối đa mỗi khách hàng là 2 tỷ đồng…

“Hiện, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu để trình Thủ tướng trong thời gian tới. Nếu gói tín dụng này được chấp thuận, có thể chỉ trong 1 thời gian ngắn, các ngân hàng có thể giải ngân vài chục nghìn tỷ đồng”, ông Đông tiết lộ.

Ngân hàng "sốt sắng" tìm khách
 
Cũng theo các số liệu mà ông Nguyễn Tiến Đông cung cấp: Đến cuối tháng 8/2014, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam đạt 5,82% so với cuối năm 2013, dòng vốn tín dụng đã có sự chuyển dịch tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên theo đinh hướng của Chính phủ.

Dù tín dụng đã có mức tăng trưởng cải thiện nhưng theo thừa nhận của ông Đông, tăng trưởng tín dụng chưa đạt như kỳ vọng (mục tiêu từ 12-14%).

Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho rằng, lãi suất tiền vay không còn là sự trở ngại để doanh nghiệp tiếp cận vốn vì tỷ trọng tín dụng có lãi suất trên 13%/năm chỉ còn 13%, trên 15%/năm là 5%, nằm giữa 13 - 15%/năm là 10%. Tính chung tỷ trọng tín dụng có lãi suất dưới 10% chiếm tới 72%.

Tăng trưởng tín dụng liệu có cán đích vào cuối năm?
Tăng trưởng tín dụng liệu có cán đích vào cuối năm?

Đánh giá về nguyên nhân khiến tín dụng chưa tăng đạt như kỳ vọng, ông Phạm Huy Thông, Phó Tổng giám đốc Vietinbank cho biết, có nhiều nguyên nhân, trong đó vẫn là vấn đề sức khỏe của doanh nghiệp còn hạn chế, ngoài ra là rào cản về nợ xấu.

Trong đó, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt lĩnh vực thép, xi măng giảm mạnh do cầu trong nước giảm. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn bị ảnh hưởng của kinh tế khó khăn, hoạt động co cụm, tài chính không minh bạch, điều kiện vay vốn hạn chế. Khi tiếp cận vay vốn thì tình hình tài chính và tài sản đảm bảo là thách thức lớn với các doanh nghiệp này. Còn đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), đa phần chủ động về vốn do công ty mẹ nước ngoài chuyển về, các ngân hàng chủ yếu tập trung cho vay ngoại tệ, nhưng các công ty này vẫn tìm mọi cách chuyển giá, lỗ giả lãi thật. Còn tín dụng tiêu dùng cũng trầm lắng do các cá nhân có xu hướng cắt giảm chi tiêu.

Một vấn đề lớn khác, theo ông Thông là “cục máu đông” nợ xấu vẫn chưa được khơi thông, thậm chí nợ xấu toàn hệ thống có dấu hiệu tăng, vượt mức 4%. Dù Ngân hàng Nhà nước đã tích cực xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại thông qua Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nhưng chất lượng tài sản của toàn hệ thống ngân hàng thương mại chưa có dấu hiệu cải thiện do tình hình tài chính của các doanh nghiệp không có nhiều khởi sắc trong bối cảnh kinh tế chỉ phục hồi ở mức vừa phải…

Dưới góc độ chuyên gia, TS. Nguyễn Thị Mùi, Giám đốc Trường Đào tạo và Phát triển nhân lực VietinBank cho rằng, vẫn có tâm lý e ngại từ doanh nghiệp về lãi suất trung và dài hạn, các doanh nghiêp sợ bị “mắc lừa” khi không ít ngân hàng tung ra khuyến mãi vào năm đầu nhưng sau đó lại đưa ra lãi suất theo thị trường do ngân hàng quyết định. Hơn nữa, hiện nay lãi suất đầu ra “kéo” xuống chưa tương xứng vì tỷ lệ nợ xấu còn cao, trích lập dự phòng rủi ro lớn (còn nếu không phải trích lập thì lợi nhuận ngân hàng sẽ rất cao).

Các ngân hàng và doanh nghiệp vẫn chưa “gặp” được nhau vì nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn lại dưới chuẩn vay của ngân hàng, trong khi việc tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp lập các dự án hiệu quả chưa sâu sát.

Theo ông Đặng Bảo Khánh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), bên cạnh những ngành khó khăn, nhiều ngành, vùng vẫn có tăng trưởng và nhu cầu tín dụng ổn định như sản xuất hàng thiết yếu ăn, mặc, uống; thức ăn chăn nuôi, phân bón...

Tuy nhiên, ông Khánh cho hay, đã không còn thời “ngồi mát ăn bát vàng” như trước kia, thời mà doanh nghiệp “nài nỉ” mãi ngân hàng mới cho vay. Hiện các ngân hàng phải “năng nhặt chặt bị”, tích cực tìm kiếm các khách hàng có đủ điều kiện vay. Trước kia, với các khoản vay nhỏ nhiều ngân hàng không quan tâm, thì nay phải đa dạng để điều chỉnh theo từng lĩnh vực chứ không thể trông chờ dồn tín dụng vào một lĩnh vực, tránh rủi ro khi lĩnh vực đó gặp khó khăn. Thậm chí, với các doanh nghiệp lớn mạnh, uy tín, ngân hàng phải xem xét cho vay tín chấp, nếu khi cho vay mà cứ “máy móc” bắt buộc đòi tài sản đảm bảo thì sẽ khó cạnh tranh.

Trong bối cảnh tín dụng tăng khó, các diễn giả đưa ra quan điểm nên xác định mức tăng trưởng tín dụng phụ thuộc vào sức khỏe, sức hấp thụ vốn. Với tình hình hiện nay, mức tăng trưởng tín dụng 10% được đánh giá là phù hợp với mục tiêu tăng trưởng GDP, kiểm soát lạm phát. Còn theo ông Thông, để hoàn thành kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2014 từ 12-14%, các tháng cuối năm, tín dụng phải đảm bảo mức tăng trưởng tối thiểu 9,7-11,7%.

Đại diện Vietinbank cho rằng mức tăng trưởng này có cơ sở để thực hiện bởi theo quy luật thị trường, tín dụng thường tăng trưởng rất mạnh và nhanh từ cuối quý III.

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *