Bất động sản 28/02/2019 09:45

Phó Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện Nghị định dùng tài sản công thanh toán cho dự án BT

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các khó khăn, vướng mắc trong triển khai hình thức hợp đồng BT so với các quy định pháp luật có liên quan.

du-an-bt-vnf-15387288135951432408998.jpg

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 nhưng cho đến nay vẫn chưa có các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có công văn chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao).

Theo đó, để hoàn thiện dự thảo Nghị định trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Tài chính tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các khó khăn, vướng mắc trong triển khai hình thức hợp đồng BT so với các quy định pháp luật có liên quan.

Cụ thể như: Hình thức giao đất theo nguyên tắc ngang giá, không thông qua đấu giá; lý do không thể đấu thầu đồng thời dự án BT và đấu giá quyền sử dụng đất; hình thức thanh toán cho nhà đầu tư bằng tiền đấu giá quyền sử dụng đất; tính pháp lý của việc sử dụng quỹ đất chưa giải phóng mặt bằng (chưa được coi là tài sản công) để thanh toán.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu căn cứ nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tài chính phải làm rõ cơ sở pháp lý của điều khoản chuyển tiếp tại dự thảo Nghị định, trong đó giải trình rõ hơn về sự chưa phù hợp của Điều 1 Nghị quyết số 160/NQ-CP ngày 28/12/2018 của Chính phủ đối với các hợp đồng BT đã ký trước ngày 1/1/2018.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đề xuất cụ thể việc ban hành Nghị định này, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh thành, nhiều lãnh đạo địa phương nêu kiến nghị xung quanh việc tạm dừng thanh toán tài sản công cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao).

Lãnh đạo một số địa phương cho biết, khi thực hiện theo quyết định của Bộ Tài chính về việc tạm dừng thanh toán cho các dự án BT, Hải Phòng sẽ bị phạt do không được thanh toán. Mức phạt theo hợp đồng là lãi suất có thể lên tới 7,8%/năm. Trong khi đó, nhiều dự án cũng bị chậm tiến độ do quyết định này.

Trong một văn bản gửi lên Thủ tướng, Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) từng cho biết, việc chậm ban hành nghị định có thể mang lại một số rủi ro cho nhà đầu tư dự án BT.

Rủi ro đầu tiên được nhắc đến là nhà đầu tư dự án BT sẽ chậm được bàn giao mặt bằng công trình dự án BT. Bên cạnh đó, nhà đầu tư dự án BT có thể còn bị chịu rủi ro chậm được bàn giao mặt bằng quỹ đất thanh toán dự án BT, hoặc chậm được bàn giao mặt bằng quỹ đất thanh toán dự án BT theo giai đoạn. Nhất là trong trường hợp quỹ đất thanh toán chưa giải phóng mặt bằng mà nhà đầu tư đã ứng tiền cho cơ quan Nhà nước để thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng.

Bởi lẽ, khoản lãi vay của dự án BT kết thúc ngay sau khi Nhà nước giao đất cho nhà đầu tư, mà nếu thực hiện giao đất đúng hợp đồng thì Nhà nước sẽ tiết kiệm được không ít và nhà đầu tư cũng giảm được chi phí lãi vay.

"Hơn nữa không có tổ chức tài chính nào dám cho vay nếu dự án BT kéo dài nhiều năm rồi mới được giao đất vì sẽ dẫn đến chi phí tài chính thì quá lớn, kể cả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ không thể kiểm soát nếu bị kéo dài và cũng rất khó dự đoán thị trường sau 5-7 năm", HoREA cho biết.

Tiếp đó, Văn phòng Chính phủ cũng có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi họp Thường trực Chính phủ xem xét dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng BT.

Tại thông báo trên, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, UBND các địa phương (cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án BT) và nhà đầu tư các dự án BT chịu trách nhiệm rà soát lại các Hợp đồng dự án, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các sai phạm (nếu có); không được chấp nhận sai trái, vi phạm pháp luật; không làm thất thoát tài sản công, không để xảy ra tham nhũng, lợi ích nhóm.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu đối với trường hợp phát hiện có vi phạm nhưng chưa gây thất thoát tài sản nhà nước thì phải thực hiện điều chỉnh lại hợp đồng BT; nếu phát hiện vi phạm (vi phạm pháp luật về ngân sách nhà nước, xây dựng, quản lý đất đai, đấu thầu, đầu tư công, quản lý tài sản công và pháp luật liên quan khác...) thì phải tự hủy hợp đồng dự án, thu hồi ngay tài sản nhà nước, đồng thời xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Phương Dung

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *