Bất động sản 30/01/2015 14:39

Parkson Keangnam chưa chính thức thông báo ngừng hoạt động

FICA - Theo Sở Công thương Hà Nội, đến nay các hộ kinh doanh cơ bản đã đưa toàn bộ hàng hóa ra khỏi khu vực TTTM. Nhưng đến nay Parkson Keangnam vẫn chưa chính thức thông báo ngừng hoạt động.

Các chủ kinh doanh mong muốn sớm có mặt bằng kinh doanh mới sau khi bị ra khỏi Parkson Keangnam

Đầu năm 2015, thị trường bán lẻ cao cấp Việt Nam chứng kiến sự kiện khá hy hữu khi một thương hiệu bán lẻ hạng sang ngoại có mặt tại Việt Nam từ lâu là Parkson đột ngột tuyên bố đóng cửa trung tâm mua sắm lớn nhất của mình tại Hà Nội với nguyên nhân là làm ăn thua lỗ và còn nhiều khúc mắc với chủ tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark 72. 

Gần 1 tháng sau sự vụ ồn ào trên, trao đổi với báo chí, Sở Công thương thành phố Hà Nội cho biết cụ thể, do chưa thống nhất về tiền thuê mặt bằng giữa Công ty Keangnam – Vina và Công ty TNHH Parkson Hà Nội vàquá trình đàm phán giữa 2 bên cũng chưa đạt hiệu quả nên tạm thời Công ty Parkson Hà Nội tạm ngừng các hoạt động kinh doanh tại đây và đã có thông báo tạm ngừng kinh doanh để các đơn vị chuyển hàng hóa ra khỏi TTTM Parkson Lankmark 72.  

Theo Sở Công thương Hà Nội, đến nay các hộ kinh doanh cơ bản đã đưa toàn bộ hàng hóa ra khỏi khu vực TTTM. Nhưng đến nay Parkson Keangnam vẫn chưa chính thức thông báo ngừng hoạt động. 

Về quyền lợi của các tiểu thương, theo phía Sở Công thương, sẽ được giải quyết theo hợp đồng kinh tế dân sự đã được ký kết giữa các bên và theo quy định.

Nói về nguyên nhân thua lỗ dẫn tới phải tạm ngừng kinh doanh và tái cơ cấu của các TTTM, Sở Công thương Hà Nội cho rằng, đến những năm cuối 2013 và 2014 do tác động suy yếu của nền kinh tế Việt Nam đã ảnh hưởng đến sức mua của người dân.

Bên cạnh đó, việc người tiêu dùng ngày càng có thêm nhiều sự lựa chọn mua sắm thông qua các kênh phân phối hàng hóa khác tiện lợi hơn (như mua hàng hóa online, đặt hàng trực tiếp từ trong và ngoài nước; qua các đại lý bán hàng nhà sản xuất hay tại các phố thương mại bán buôn, bán lẻ truyền thống lâu năm…) đã trực tiếp ảnh hưởng hoạt động kinh doanh tại các TTTM ở phân khúc cao và trung cấp.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn do các TTTM định hướng tập trung vào phân khúc khách hàng có thu nhập cao và ổn định trong khi khả năng chi trả của người tiêu dùng thực tế không đáp ứng được. Việc thuê lại mặt bằng của các TTTM với giá thành cao vô tình đã đẩy giá cả hàng hóa trong các TTTM cao hơn mặt bằng chung so với các loại hình bán lẻ khác dẫn đến không hấp dẫn được đại đo số người tiêu dùng đến mua sắm.

Phương Dung

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *