Bất động sản 20/10/2014 11:45

Những tòa nhà Quốc hội đẹp trên thế giới

Nhà quốc hội không chỉ là nơi làm việc của cơ quan quyền lực cao nhất, quan trọng của đất nước, mà còn mang đặc trưng nền văn hoá và kiến trúc của mỗi quốc gia.

Tòa nhà Quốc hội Hungary

 

Công trình này được mệnh danh là viên ngọc xanh của Hungary.

 

Năm 1873, Budapest được hợp nhất từ 3 thành phố và 7 năm sau, Quốc hội Hungary đã quyết định xây dựng một Tòa nhà Quốc hội mới mang tính đại diện, thể hiện chủ quyền quốc gia. Khởi công từ ngày 12/10/1885, Tòa nhà Quốc hội Hungary phải xây dựng trong 17 năm mới hoàn thành.

 

Tuy được khánh thành đúng vào dịp lễ kỷ niệm 1.000 năm thành lập nhà nước Hungary năm 1896, song thực tế phải đến năm 1904, công trình nguy nga, đồ sộ này mới hoàn thiện. Tham gia xây dựng Tòa nhà Quốc hội có khoảng 1.000 thợ lành nghề. Công trình sử dụng tới 40 triệu viên gạch, 500.000 viên đá quý và gần 40kg vàng 22-23 karat để xây dựng và trang trí. Cũng giống như Cung điện Westminster, Tòa nhà Quốc hội Hungary được xây dựng theo kiến trúc Gothic với mặt tiền cân xứng và một nhà mái vòm trung tâm.

 

Toà nhà Quốc hội Pháp

 

Tới thời kỳ Cách mạng Pháp, cung điện được chọn làm trụ sở của Quốc hội Pháp và giữ vai trò này hầu như liên tục đến tận ngày nay.

 

Palais Bourbon là tên thường gọi của tòa nhà Quốc hội Pháp hiện nay, công trình nằm bên bờ sông Seine, thuộc quận 7 thành phố Paris. Được nữ Công tước Louise Françoise de Bourbon - con gái vua Louis XIV cho xây dựng từ năm 1722, Palais Bourbon tiếp tục được người cháu nội là Hoàng thân Louis V Joseph de Bourbon-Condé mở rộng trong nhiều năm. Tới thời kỳ Cách mạng Pháp, cung điện được chọn làm trụ sở của Quốc hội và giữ vai trò này hầu như liên tục đến tận ngày nay.

 

Bên cạnh chức năng quan trọng, Palais Bourbon còn là một công trình kiến trúc nổi tiếng. Mặt ngoài cung điện phía sông Seine với hàng 12 cây cột là tác phẩm của kiến trúc sư Bernard Poyet thời Đệ nhất đế chế. Họa sĩ Eugène Delacroix cũng từng nhiều năm trang trí cho các căn phòng của Palais Bourbon. Sau nhiều lần tu sửa và mở rộng, toàn bộ cung điện hiện nay chiếm một diện tích 124 nghìn mét vuông, phục vụ khoảng 3 ngàn người làm việc.

 

Toà nhà Quốc hội Romania

 

Tòa nhà có 12 tầng nổi và 8 tầng chìm, trong 8 tầng chìm có hầm xây để chống bom nguyên tử.

 

Tòa nhà Quốc hội Romania hay còn được gọi là Cung Nghị viện Romania, tọa lạc trên đồi Spirii, một quả đồi nổi tiếng ở thủ đô Bucharest. Tòa nhà Quốc hội Romania có chiều rộng 270m, chiều dài 240m, cao 86m và phần ngầm dưới đất sâu 92m, tất cả có 1.100 phòng và 12 tầng nổi, 8 tầng ngầm. Tòa nhà được xây dựng với những đường nét kiến trúc được kết hợp từ nhiều phong cách kiến trúc khác nhau.

 

Tòa nhà được khởi công xây dựng vào năm 1984 và hoàn thành vào năm 1989 với tổng diện tích khuôn viên 365.000 m2. Chiều dài của toàn nhà là 270 mét, chiều rộng là 240 m, chiều cao trên mặt đất là 86 m và chiều sâu dưới mặt đất là 92 m.

 

Toà nhà Quốc hội Anh

 

Toà nhà Quốc hội Anh toạ lạc ngay bên bờ sông Thames ở Westminster, thủ đô London của nước Anh, là nơi làm việc và nghị sự của Hạ Viện và Thượng Viện của Quốc hội Vương quốc Anh.

 

Cung điện Westminster, cũng gọi là Tòa nhà Quốc hội hay Cung Westminster, ở London, Anh là nơi Lưỡng viện Quốc hội (Viện Nguyên lão và Viện Thứ dân) nhóm họp. Lâu đài nằm ở bờ Bắc sông Thames, gần các tòa nhà Chính phủ ở Whitehall.

 

Phần cổ nhất của tòa cung điện là Westminster Hall, vẫn còn tồn tại, có niên đại từ 1097. Cung điện ban đầu là nơi ở của vua nhưng không có vị vua nào ở đó từ thế kỷ 16. Phần lớn cấu trúc của cung điện này được xây từ thế kỷ 19, khi nó được xây lại sau một trận hỏa hoạn thiêu rụi hầu như hoàn toàn năm 1834. Kiến trúc sư chịu trách nhiệm xây lại cung điện là Sir Charles Barry và Augustus Welby Pugin.

 

Phần nhà Hạ viện được xây lại vào thập niên 1940 vì đã bị đánh bom trong Đệ nhị thế chiến. Tòa nhà là một ví dụ của phong cách kiến trúc Gothic revival. Một trong những nét nổi bật của cung điện là tháp chuông đồng hồ Big Ben. Cung điện có 1.100 phòng, các phòng quan trọng nhất là phòng của Hạ viện và Thượng viện. Cung điện cũng có phòng ủy ban, hành lang, phòng ăn, bar, phòng tập thể dục. Đây là nơi cử hành các đại lễ quốc gia, nổi bật nhất là lễ khai mạc Quốc hội. Tòa nhà này gắn liền với lưỡng viện Quốc hội, do đó, người ta dùng từ "Westminster" để chỉ Quốc hội.

 

Ðiện Capitol Mỹ

 

Ðiện Capitol là tòa nhà Quốc hội Liên bang của Mỹ, tọa lạc trên đồi Capitol cuối phía Ðông của công viên National Mall ở thành phố Washington.

 

Ðiện Capitol xây bằng đá cẩm thạch trắng bên trên có mái vòm lớn, đây là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch tại Mỹ.

 

Điện Capitol Hoa Kỳ hay tòa Quốc hội Hoa Kỳ là trụ sở của Quốc hội, cơ quan lập pháp của Chính phủ Liên bang Hoa Kỳ. Nó được xây tại Washington, D.C., trên Đồi Capitol ở cuối phía Đông của National Mall. Tuy nó không nằm tại trung tâm địa lý của Đặc khu Columbia, Điện Capitol là tiêu điểm của quy hoạch thành phố, cho nên các phần tử của địa hạt bắt đầu từ chỗ này.

 

Điện này nổi tiếng về mái vòm lớn đứng trên rotunda. Nó có một cánh cho mỗi viện Quốc hội: cánh phía Bắc của Thượng Nghị viện và cánh phía Nam của Hạ Nghị viện. Ở trong mỗi cánh này có phòng chính của viện, trên đó có phòng để người thường có thể coi những hành động của Thượng Nghị viện và Hạ Nghị viện.

 

Toà nhà Quốc hội Đức

 

Toà nhà Quốc Hội Đức (Reichstag) được coi là một biểu tượng lịch sử của nước Đức.

 

Trải qua hơn một thế kỷ với biết bao thăng trầm, chiến tranh và tàn phá, toà nhà này đã chứng kiến biết bao nhiêu diễn biến chính trị nổi trôi của một dân tộc kiêu hùng trên hoàn vũ. Reichstag tại Berlin được thiết kế bởi kiến trúc sư người Anh Norman Foster. Với ý tưởng thể hiện kiến trúc toà nhà bằng mái vòm, khi vào toà nhà bạn hoàn toàn có thể quan sát toàn cảnh thành phố ở góc 360 độ.

 

Công trình kiến trúc Reichstag là cơ quan đầu não của đế chế Đức (Deutsches Reich) được khởi công từ cuối thế kỷ 19, là một công trình đồ sộ bằng đá với phong cách kiến trúc La Mã đầy uy quyền kết hợp với phong cách kiến trúc Baroque. Một công trình lớn với nhiều phòng làm việc, phòng họp, hội thảo, kho lưu trữ, hai giếng trời lớn nằm hai bên và trên nóc có bốn đài quan sát cùng với mái vòm Baroque và nhiều pho tượng đá.

 

Toà nhà Quốc hội Australia

 

Tòa nhà Quốc hội Australia là một trong những kiến trúc hiện đại nổi tiếng thế giới, được xây dựng trên một ngọn đồi rộng.

 

Cách trung tâm thủ đô Canberra khoảng 3 km, được mở cửa vào năm 1988, tòa nhà Quốc hội Australia là một trong những kiến trúc hiện đại nổi tiếng thế giới, được xây dựng trên một ngọn đồi rộng. Toà nhà chính có ngọn tháp 4 cạnh bằng thép trắng cao vút, chụm vào nhau để cùng nâng một trụ cờ cao đến 81 m với lá quốc kỳ Australia tung bay.

 

Trong những ngày nghỉ, tòa nhà mở cửa để du khách tham quan Thượng viện với lối trang trí bằng tông màu đỏ trang trọng, Hạ viện được thiết kế bằng màu xanh lá dịu mát. Ngoài ra, còn có khu triển lãm và lưu niệm trưng bày hình ảnh 30 vị Thủ tướng Australia.

 

Toà nhà Quốc hội Brazil

 

Tòa nhà Quốc hội là công trình kiến trúc tiêu biểu của thủ đô Brasilia, Brazil. Tòa nhà nổi bật với tòa tháp đôi 28 tầng và mái vòm ở hai bên sườn.

 

Tòa nhà Quốc hội là một trong những biểu tượng chính của Nhà nước Brazil. Công trình này nổi bật với tòa tháp đôi 28 tầng và hai mái vòm ở hai bên sườn, nơi họp của Hạ viện và Thượng viện Liên bang. Ở phía trước và phía sau cung điện là những hồ nước và thảm cỏ trải dài tạo một không gian rộng và cảm giác chan hòa với thiên nhiên. Đây là công trình kiến trúc lớn nhất ở Brasilia, do kiến trúc sư Oscar Niemayer thiết kế. Công trình có thể chứa được hàng trăm người hằng ngày đến đây làm việc cũng như khách du lịch đến tìm hiểu, tham quan.

 

Công trình này được dùng làm trụ sở của cơ quan lập pháp từ năm 1960, năm mà thủ đô Liên bang được chuyển từ Rio De Janero sang Brasilia. Niemayer nói rằng cấu trúc một mái vòm lồi và một mái vòm lõm là những điểm nhất quan trọng nhất cho toàn công trình. Mái vòm lồi là nơi Thượng viện làm việc và mái vòm lõm là nơi Hạ viện họp toàn thể. Cấu hình như vậy là có chủ đích nghệ thuật và thực tế. Phòng họp của Hạ viện phải rộng hơn của Thượng viên bởi số nghị sỹ nhiều hơn số thượng nghị sỹ

 

Đại lễ đường Nhân dân của Trung Quốc

 

Đại lễ đường Nhân dân mang kiến trúc hiện đại của Bắc Kinh.

 

Đại lễ đường Nhân dân được xây dựng ở rìa phía Tây Quảng trường Thiên An Môn và được sử dụng làm tòa nhà Quốc hội Trung Quốc. Đây không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động lập pháp mà còn là nơi tổ chức các lễ kỷ niệm lớn của Nhà nước và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Vì vậy, Đại lễ đường Nhân dân cũng là một địa điểm lịch sử.

 

Vào tháng 3 hàng năm, Đại lễ đường Nhân dân lại diễn ra các phiên họp của Quốc dân Đại hội kéo dài 2-3 tuần tại Hội trường Lớn. Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng tổ chức Đại hội Toàn quốc 5 năm một lần ở Đại lễ đường. Khi không tổ chức hội nghị, Đại lễ đường được mở cửa cho khách trong và ngoài nước vào tham quan.

 

Theo Xây dựng

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *