Bất động sản 26/05/2015 10:17

Nguy cơ ế vốn, gói 30.00 tỷ đồng vẫn “bỏng tay” với người thu nhập thấp

FICA - Sau 2 năm thực hiện, đến nay chỉ có khoảng 20% vốn dự án 30.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội theo chương trình hỗ trợ vay mua nhà cho người thu nhấp thấp của Chính phủ tại các đô thị đến được tay người tiêu dùng.

20% tương ứng chỉ hơn 6.000 tỷ đồng được giải ngân trong vòng hơn 20 tháng (từ năm 2013), tính ra mỗi tháng chỉ giải ngân được 166 tỷ đồng, mỗi năm chỉ hơn 2.000 tỷ đồng. Trong khi đó với thời hạn 4 năm (2013 - 2016), gói 30.000 tỷ đồng trung bình phải giải ngân 7.500 tỷ đồng/năm. Con số giải ngân thực tế quá thấp so với kỳ, trong khi đó thời hạn hiệu lực của gói này chỉ đến tháng 6 năm 2016.

 

Từ nay đến tháng 6/2016, thời hạn gói 30.000 tỷ đồng cho vay nhà cho người thu nhập thấp sẽ hết, áp lực giải ngân mỗi tháng sẽ lên đến 1.580 tỷ đồng, gần bằng so với số vốn giải ngân  cả năm 2013, 2014.

 

Tháng 3/2015, trong báo cáo của Bộ Xây Dựng cho biết, sau hơn 20 tháng thực hiện, vốn 30.000 tỷ đồng đã được cam kết giải ngân hơn 10.000 tỷ đồng, trong đó vốn được giải ngân (dư nợ) là 6.180 tỷ đồng. Bộ đánh giá, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 61/NQ-CP sửa đổi mở rộng đối tượng cho vay, kéo dài thời hạn cho vay đồng thời thị trường có thêm nhiều dự án nhà ở xã hội được triển khai, tạo thêm nguồn cung mới, tốc độ giải ngân đã nhanh hơn.  Đồng thời, từ chỗ chỉ có 10 ngân hàng thương mại (NHTM) tham gia giải ngân vốn, đến nay đã có 15 ngân hàng tham gia.

 

Theo tính toán, với tổng vốn 30.000 tỷ đồng trong thời hạn 4 năm (2013 – 2016) thì trung bình mỗi năm cần giải ngân 7.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, với tốc độ giải ngân 2.000 tỷ đồng/năm, thì từ nay đến tháng 6/2016, sẽ còn hơn 23.800 tỷ đồng nữa, trung bình mỗi tháng sẽ phải giải ngân khoảng 1.580 tỷ đồng, gần bằng tốc độ giải ngân của cả năm 2013, 2014. Đây là nhiệm vụ khó khả thi nếu các chính sách về lãi suất, hàng tá quy định vẫn tồn tại.

 

Như vậy, cũng chỉ còn 15 tháng nữa gói 30.000 tỷ có hiệu lực (đến hết tháng 6/2016), hơn 23.800 tỷ đồng của gói 30.000 tỷ đồng sẽ phải được giải ngân. Theo các chuyên gia, người trong cuộc, nếu không có các chính sách đột phá, “ế” vốn gói 30.000 tỷ đồng không còn là nguy cơ mà là thực tế.

 

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM, gói 30.000 tỷ đồng khó giải ngân trọn vẹn chính là còn quá nhiều vướng mắc trong đó có hai nguyên nhân chính là: lãi suất còn quá cao và việc quy định người mua nhà phải đặt cọc 20% giá trị nhà mới được vay toàn bộ số tiền còn lại khiến người mua nhà thêm khó.

 

Ông Châu nói, quy định người mua nhà phải đóng trước 20% giá trị nhà và thế chấp toàn bộ căn nhà, trả nợ vốn vay 5%/năm đang khiến người thu nhập rất khó khăn. Ví dụ, nếu căn nhà 600 triệu, họ phải trả ban đầu 120 triệu, rồi thế chấp cả căn nhà 600 triệu là tổng cộng 720 triệu với ngân hàng. Số tiền vay 480 triệu đồng, tính theo thu nhập bình quân hai vợ chồng là 7 triệu/tháng (tính theo thu nhập bình quân/người 1.960 USD/năm (năm 2013) thì số tiền trả lãi vay đang là thách thức rất lớn.

 

Ông Châu cũng cho biết, ngoài chính sách vĩ mô, các thủ tục làm hồ sơ vay và chứng nhận đối tượng được tiếp cận vốn 30.000 tỷ đồng hiện vẫn còn nhiêu khê. Ngoài những điều kiện bắt buộc khác thì những người không phải đóng thuế thu nhập cá nhân (dưới 9 triệu đồng) mới được phép làm hồ sơ vay vốn 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng cho rằng những đối tượng có thu nhập dưới 9 triệu đồng không đủ điều kiện về chứng minh khả năng tài chính để trả nợ vay khi tham gia gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, do vậy không đủ điều kiện được vay để mua nhà.

 

Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, các dự án nhà ở thương mại hiện đang tồn kho lớn, trong khi đó quy định căn hộ không lớn hơn 75 m2 và số tiền 1.05 tỷ đồng mới được vay và sử dụng vốn 30.000 tỷ để vay mua nhà đang gây khó cho thị trường và doanh nghiệp tồn kho bất động sản. Ông Võ lấy ví dụ, nếu căn hộ thương mại trên 130 m2 còn chia được làm hai căn nhà còn những căn hộ từ 90 – 100m2 chủ đầu tư chia kiểu gì để được nhận gói vay 30.000 tỷ đồng để giải phóng hàng. Tôi biết rất nhiều chủ đầu tư mong muốn các dự án nhà ở thương mại được vay gói 30.000 tỷ đồng.

 

Trong khi đó, hiện nay, chúng ta đếm trên đầu ngón tay các dự án nhà ở thu nhập thấp tại Hà Nội. Ít dự án, nhu cầu nhiều nên rất dễ nảy sinh cơ chế xin cho khiến người thu nhập thấp vẫn khó có thể mua nhà dù đã đủ điều kiện. Nếu nguồn cung nhà tăng, người dân sẵn sàng mua bởi nhu cầu thực về nhà ở hiện nay rất lớn.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *