Bất động sản 12/02/2014 18:49

Ngành bán lẻ Việt Nam nhìn từ sự kiện McDonald's

FICA - Ngày 8/2 vừa qua, McDonald's chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh. Tờ Economist mới đây đã cho đăng tải một bài viết nhận định về bất động sản bản lẻ Việt Nam nhân sự kiện này.



Theo Economist, McDonald's là hãng đồ ăn nhanh mới nhất của Mỹ bước chân vào Việt Nam kể từ sau sự xuất hiện đầu tiên của gà rán KFC vào năm 1997. Trong khi đó, Starbuck và Burger King cũng đang chuyên tâm phát triển đế chế của mình tại Việt Nam.

Các nhà phân tích cho rằng, thu nhập bình quân đầu người hàng năm của Việt Nam có xu hướng gia tăng, hiện ở mức trên 1.800 USD, đang ngày càng hấp dẫn đối với các nhà bán lẻ thực phẩm và đồ uống (F&B) quốc tế. Theo dự báo của Euromoniter, doanh số bán hàng tại các siêu thị hiện đại, trái ngược với mô hình chợ truyền thống, tăng lên gần 3 lần trong giai đoạn từ năm 2008 đến 2012.

Bài báo cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam dù chậm chạp nhưng cũng đang dần hồi phục kể từ khủng hoảng kinh tế diễn ra vào năm 2008 và đang rẽ theo một hướng đi "thông minh" hơn khi  hướng tới đối tượng trung lưu thay vì siêu giàu như trước kia. Giới kinh doanh tại Việt Nam kỳ vọng rằng, bằng việc mua sắm nhiều hơn và đầu tư vào các căn hộ tầng trung, giới trung lưu sẽ là động lực chính kéo nền kinh tế quay trở lại mức tăng trưởng 7% như giai đoạn giữa những năm 2000. Tốc độ tăng trưởng năm ngoái là 5,4%, tăng nhẹ so với năm 2012 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với những năm bùng nổ.

Một dấu hiệu tích cực trên thị trường bất động sản là sự xuất hiện của một số trung tâm thương mại ở hai thành phố lớn vào năm ngoái. Trong đó, đáng lưu ý là việc Tràng Tiền Plaza và Vincom Mega Mall chính thức đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, Economist cũng chỉ ra rằng, những số liệu thống kê khác cho thấy ngành bán lẻ của Việt Nam chưa hẳn đã mạnh trở lại. Tốc độ tăng trưởng ngành bán lẻ năm 2013 ở mức dưới 15%, thấp nhất trong 4 năm qua, theo công ty tư vấn bất động sản CBRE. Niềm tin tiêu dùng cũng liên tiếp sụt giảm kể từ năm 2008, theo số liệu dự báo thị trường của TNS.

Trong khi đó, tại hai thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, nguồn cung mặt bằng bán lẻ đang ở mức dư thừa. Jones Lang LaSell, một nhà tư vấn bất động sản, cho biết hơn một nửa chủ đầu tư phải giảm giá thuê mặt bằng trong năm ngoái nhằm giữ chân người thuê. Các nhà phân tích thì cho rằng, trong ngắn hạn thị trường bán lẻ sẽ tiếp tục dư cung, đặc biệt là tại khu vực ngoài trung tâm thành phố. Nhiều người cho rằng, việc xây dựng những trung tâm mua sắm lớn có thể là một rủi ro trong bối cảnh thị trường như hiện tại.

Dù vậy, xu hướng bán lẻ hiện đại rất khó dự báo. Kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007, hàng loạt các siêu thị nước ngoài đã đổ bộ vào. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu  mới đây, 5 nhà bán lẻ lớn hàng đầu Việt Nam chỉ chiếm khoảng 4% thị trường, phần còn lại thuộc về chợ cóc vỉa hè. Đặc biệt trong thời điểm hiện tại khi phần lớn người dân sẵn sàng lựa chọn chợ truyền thống thay vì các siêu thị lớn để tiết giảm chi phí.

Tại Hà Nội, gần đây chính quyền đã cố gắng chuyển đổi một số chợ truyền thống thành trung tâm thương mại tuy nhiên đã "thất bại thảm hại".

Economist dẫn một cuộc khảo sát lớn hơn cho thấy, các con số thống kê kinh tế tại Việt Nam dường như không phản ảnh hết thực tế. Trong đó, con số thất nghiệp chính thức khoảng 2% được cho là đã đánh giá thấp. Các nỗ lực của Chính phủ trong việc giải quyết nợ xấu cũng đang tiến hành quá chậm. Tốc độ tái cơ cấu nền kinh tế, theo đánh giá của World Bank, cũng chậm hơn so với dự kiến.

Tuy nhiên, dân số trẻ cũng như tiềm năng về khả năng chi tiêu của người tiêu dùng phần nào "an ủi" cho các nhà bán lẻ. Đơn cử như doanh số bán điện thoại di động và ô tô cá nhân tăng trưởng tới 42% và 20% trong năm ngoái. Theo ông Troy Griffiths của Savills, thị trường bất động sản tại thành phố Hồ Chí Minh dù rất "mong manh" nhưng cũng đang có những dấu hiệu phục hồi ở phân khúc cấp thấp. Troy Griffiths cho rằng, việc bán được các căn hộ là chìa khóa để phục hồi thị trường bất động sản Việt Nam.

Griffiths cho rằng, ngành bán lẻ không được như kỳ vọng tại Việt Nam còn có thể là do phương tiện giao thông chính tại nơi này là xe máy. Ông dí dỏm: "Bạn không thể mang quá nhiều trên một chiếc xe máy". Còn đối với fast-food thì ngược lại, hoàn toàn phù hợp với các phương tiện xe hai bánh: hàng chục chiếc xe máy xếp hàng tại khu vực drive-thru (mua hàng không cần đỗ xe) của McDonald's trong ngày khai trương!

"Nhưng chưa rõ liệu việc ăn Big Mac sẽ có tác động đáng chú ý nào về chi tiêu tiêu dùng của người dân hoặc nền kinh tế hay không", Griffiths nói.

Phương Dung

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *