Bất động sản 07/01/2014 13:00

Mặt bằng bán lẻ kết hợp vui chơi, giải trí "lên ngôi"

FICA - Thị trường mặt bằng bán lẻ chứng kiến một xu thế mới với mô hình kết hợp giữ mua sắm và vui chơi giải trí, thư giãn, ẩm thực, trung tâm giáo dục đang trở nên phổ biến.

Theo báo cáo về thị trường bất động sản Hà Nội trong quý IV/2013 do CBRE Việt Nam thực hiện, trong quý trước giá thuê mặt bằng bán lẻ trung bình giảm tại khu vực trung tâm và ngoài trung tâm so với quý trước. Cụ thể, giá thuê trng bình giảm 8% tại khu vực trung tâm, 12,2% tại khu vực ngoài trung tâm.

Đối với các trung tâm thương mại, giá giảm khoảng 0,1% tại khu trung tâm, 12,9% ngoài trung tâm. Trong khi đó, khối đế bán lẻ có giá không đổi tại khu vực ngoài trung tâm, song giảm 18,3% tại khu vực trung tâm chủ yếu là bởi dự án mới mở.

Tỷ lệ trống tăng 1,5% theo quý, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo CBRE, một số khách thuê rút khỏi dự án trung tâm thương mại hiện hữu. Các dự án mới mở có công suất thuê không cao hơn so với mặt bằng chung.

Đáng chú ý, thị trường mặt bằng bán lẻ chứng kiến một xu thế mới với mô hình kết hợp giữ mua sắm và vui chơi giải trí, thư giãn, ẩm thực, trung tâm giáo dục đang trở nên phổ biến.

Số lượng trung tâm điện máy và siêu thị mới tăng nhanh cũng là điểm đáng lưu ý trong thời gian qua. Chỉ riêng trong năm 2013 đã có 15 siêu thị điện máy và 14 siêu thị được khai trương. Các thương hiệu lớn đồng loạt thâm nhập thị trường, đáng kể đến như Ocean mart với 5 siêu thị và 1 trung tâm thương mại (đều mở trong năm 2013); điện máy Trần Anh với 10 trung tâm điện máy tại Hà Nội (7 trung tâm trong năm 2013).

Xu hướng tiêu dùng ảnh hưởng lớn tới thị trường mặt bằng bán lẻ. Theo khảo sát, phần lớn chi tiêu của người tiêu dùng tập trung vào sản phẩm tiêu dùng hàng ngày (32%), ăn uống ngoài (15%) và giáo dục (10%). Trong quý, thời trang và ẩm thực có nhiều biến động về khách thuê nhất. Trong quý IV, có 324 cửa hàng mở trong trung tâm thương mại (trong đó 216 cửa hàng tại Times City và 27 cửa hàng tại Ocean mall Trung Hòa Nhân Chính). Trong khi đó 140 cửa hàng đóng cửa.

CBRE dự báo, trong thời gian tới, nguồn cung sẽ tiếp tục tăng, các nhà ban lẻ quốc tế cũng vẫn đặc biệt quan tâm tới thị trường bán lẻ Việt Nam.

Dự kiến, 15 dự án tương lai sẽ cung cấp nguồn cung khoảng hơn 400.000m2 trong năm 2014. Các dự án tiêu biểu trong 6 tháng tới có thể kể tới như: dự án Hàng Da Galleria sẽ đổi tên thành Hà Nội Square, chính thức mở cửa trong quý I/2014; Lotte Mart tại Mipec Tower với 20.000m2 mặt bằng; Hồ Gươm Plaza (Trần Anh đã đưa vào hoạt động trong năm 2013).

Theo Bộ Công thương, đến cuối năm 2012, số nhà bán lẻ nước ngoài sẽ chiếm hơn 40% trong số 700 siêu thị tại Việt Nam. Đồng thời, 31 trong tổng số 125 trung tâm thương mại do nhà bán lẻ nước ngoài đầu tư.

Theo quy định của WTO, Việt Nam sẽ chính thức mở cửa hoàn toàn đối với các doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm cả lĩnh vực bán lẻ. Điều này sẽ đẩy mạnh tính cạnh tranh trong thị trường này (các nhà bán lẻ sắp mở rộng tại Việt Nam như Emart, Aeon, Takashimaya...)

Phương Dung

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *