Bất động sản 01/03/2014 07:22

Lưới thưa... dễ lọt

Thông tin Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vừa đưa ra khiến không ít người phải ngỡ ngàng: Người dân xây được ngôi nhà mà phải xin cơ quan quản lý xây dựng tới 30 loại giấy phép...



TS Võ Kim Cương - nguyên Phó giám đốc Sở quy hoạch kiến trúc TPHCM cho rằng: Hiện nay trong thủ tục hành chính quản lý xây dựng vừa có sự phân cắt vừa có sự dính chùm trách nhiệm.

Nặng cơ chế xin - cho

Theo ông Cương, phân cắt là có khá nhiều cơ quan tham gia vào quá trình giải quyết cấp phép xây dựng. Mỗi cơ quan theo nhiệm vụ chức năng của mình giữ một cửa ải. Quy hoạch, kiến trúc do Sở Quy hoạch Kiến trúc; đất đai và môi trường do Sở Tài nguyên – Môi trường; giao thông, kinh rạch do Sở Giao thông Vận tải; Phòng cháy, chữa cháy do Công an… Còn nói dính chùm là cửa ải này được ràng buộc với cửa ải kia, tạo nhiều vòng xoáy trong dòng chảy các thủ tục. Ví dụ, để chấp thuận bản vẽ thiết kế quy hoạch - kiến trúc, Sở Quy hoạch – Kiến trúc phải có quy hoạch chi tiết 1/500, trường hợp chưa có phải hỏi ý kiến quận huyện, phải có ý kiến Sở Giao thông Vận tải về hành lang an toàn bờ sông hay việc san lấp kênh rạch… Khi các cơ quan được tham vấn có ý kiến khác với thiết kế quy hoạch - kiến trúc ban đầu, chủ đầu tư phải thiết kế lại và quy trình xin ý kiến lại phải lặp lại, tạo nên vòng xoáy. Nhiều khi mỗi vòng xoáy mất hàng năm trời.

Thực tế này cũng từng được ông Nguyễn Văn Đực - Giám đốc Cty địa ốc Đất Lành thừa nhận: "Có làm DN xây dựng mới thấu hiểu được nỗi khổ khi đi xin thủ tục cấp phép chuyển đổi xây dựng. Nhiều khi chỉ vì một cái cầu thang, cái toilet, hay ban công không đúng vị trí cũng phải làm lại hồ sơ thiết kế chờ tới 3 - 6 tháng mới được duyệt…"

Thực tế, tư duy xin cho vẫn còn xuất hiện cả trong dự án Luật Xây dựng sửa đổi. Tại kỳ họp Thứ 6, đại biểu Phạm Thị Mỹ Lệ (Bình Phước) từng phát biểu rằng: Về hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng tại Điều 81 là bất hợp lý. Việc người dân yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng là quyền của người dân nhưng dự thảo luật vẫn còn tư duy xin cho, xin cấp giấy phép xây dựng là xâm phạm quyền hợp pháp của người dân đã được pháp luật quy định. Do đó Đại biểu này đề nghị sửa "Đơn xin cấp giấy phép xây dựng" thành "Đơn cấp giấy phép xây dựng". Tương tự, Điều 88 dự thảo luật là quyền và nghĩa vụ của người xin cấp giấy phép xây dựng phải được sửa lại là quyền và nghĩa vụ của người đề nghị cấp giấy phép xây dựng...

Siết “gốc”, nới “ngọn”?

Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, ngoài giấy phép xây dựng, người dân cũng phải bổ sung các nội dung về an toàn công trình, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ. Đồng thời, Bộ Xây dựng nên rà soát để nhập các loại giấy phép lại cho ít hơn nữa

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu ý không quy định cấp phép với nhà ở riêng lẻ ở nông thôn và đề nghị loại nhà nào không phải cấp phép thì đưa ngay vào luật cho dân yên tâm. Với các loại giấy về điều kiện an toàn, phòng chống cháy nổ…, Chủ tịch cho rằng: “ông xây dựng” phải hỏi mấy ông liên quan để quyết khi cấp phép chứ không thể bắt dân chạy đủ các cửa, bởi “mỗi cửa xin phép đều cơ hàn” !

Yêu cầu đơn giản tối đa thủ tục nhưng cũng lưu ý cần có chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm của Chủ tịch Quốc hội trong cấp phép xây dựng rõ ràng là một bài toán không đơn giản đối với Bộ Xây dựng, bởi trên thực tế, việc cắt giảm không khéo lại tạo ra vòng luẩn quẩn của “cơ chế xin - cho” theo kiểu siết “gốc”, nới “ngọn”.

Bên cạnh việc cắt giảm giấy phép xây dựng, các giải pháp thực thi trong cấp phép xây dựng cần quyết liệt, không nhân nhượng với sai phép...


Đơn cử, cách đây không lâu, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 02 hướng dẫn nghị định 121 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Một trong những nội dung mới của thông tư này là quy định về cách tính giá trị phần xây dựng sai phép, không phép làm cơ sở để tính số tiền phạt mà chủ đầu tư công trình phải nộp cho Nhà nước. Quy định này cũng đã gây ra nhiều tranh luận.

Theo Thông tư, nếu chủ đầu tư công trình xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế hoặc sai thiết kế đô thị được duyệt mà không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất được sử dụng hợp pháp thì được đóng tiền phạt để hợp thức hóa công trình (điều chỉnh giấy phép xây dựng và không phải tháo dỡ phần nhà trái phép).  Đối với công trình vi phạm xây dựng nhưng chưa thực hiện tháo dỡ, cơ quan chức năng xem xét hủy quyết định cưỡng chế phá dỡ. Sau đó, cấp thẩm quyền phạt mức 40% đối với nhà ở riêng lẻ, với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng phạt 50% giá trị công trình sai phép, không phép.

Theo các chuyên gia, để tránh tình trạng “siết gốc, nới ngọn”, bên cạnh việc cắt giảm giấy phép xây dựng, thì các giải pháp thực thi trong cấp phép xây dựng cần quyết liệt, không nhân nhượng với sai phép...


Theo Phan Nam

Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *