Bất động sản 29/03/2014 16:38

Làm rõ nghi vấn 2,8 triệu USD “bôi trơn” ở Sing - Việt City

FICA - Vì tranh chấp quyền kiểm soát dự án khu đô thị Sing - Việt City, một nhà đầu tư ban đầu của dự án đã kiện UBND TPHCM ra tòa. Tranh luận tại tòa, nhà đầu tư “tố” đã phải dùng 2,8 triệu USD “bôi trơn” để dự án có thể “chạy” trơn tru.

Phí “bôi trơn” 1%?

Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị Sing - Việt (Sing - Việt City) tọa lạc tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TPHCM với diện tích hơn 331ha, có chủ trương quy hoạch từ năm 1997. Dự án này được giao cho Công ty Liên doanh đô thị Sing - Việt bao gồm các công ty Singapore cùng với công ty cổ phần Xây dựng Bình Chánh làm chủ đầu tư, với số vốn đầu tư lên đến hơn 300 triệu USD.

 

 

Sau hơn 15 năm khởi động, Sing - Việt City chỉ được biết đến bởi những tấm biển thông báo cũ mèm như thế này

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, dự án này vẫn dậm chân tại chỗ, không có dấu hiệu khởi công vì chủ đầu tư không rót tiền giải phóng mặt bằng. Sau đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh rút khỏi liên doanh này, chỉ còn 4 công ty nước ngoài nên TPHCM điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, chuyển chủ đầu tư từ công ty liên doanh đô thị Sing - Việt thành Công ty TNHH Đô thị Sing - Việt với 100% vốn nước ngoài.

Cuối năm 2011, UBND TPHCM tiếp tục cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần thứ hai cho dự án này, người đại diện chủ đầu tư bị đổi từ người Singapore sang người Malaysia. Từ đây, công ty SMP, một công ty trong nhóm các công ty Singapore ban đầu tham gia dự án đứng ra kiện UBND TPHCM đã cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh trái pháp luật. Công ty này yêu cầu hủy giấy chứng nhận đầu tư vừa điều chỉnh, buộc Sở Kế hoạch - Đầu tư và UBND TPHCM bồi thường 300 triệu USD cho các công ty chủ đầu tư…

Trong phiên xử sơ thẩm vào tháng 7/2013, TAND TPHCM đã tuyên bác các yêu cầu trên của nguyên đơn. Đến phiên xử phúc thẩm vào tháng 10/2013, phía nguyên đơn cung cấp tài liệu tố cáo các nhà đầu tư này đã phải “chung chi” 1% giá trị dự án để “bôi trơn” các đơn vị chức năng khi thực hiện dự án. Cụ thể đã chi 2.800.000 USD cho các cơ quan ở Hà Nội, 300.000 USD phí tư vấn cho công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh để công ty này rút khỏi dự án…

Trước chứng cứ mới rất quan trọng, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM hủy bản án sơ thẩm; kiến nghị UBND TPHCM buộc các bên liên quan phải giải trình về chi tiết nguyên đơn tố cáo chung chi 2,8 triệu USD; nếu có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan điều tra.

TPHCM sẽ làm rõ nghi vấn “chung chi”

Trước dư luận về nghi vấn “chung chi” làm ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư nước ngoài ở thành phố, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TPHCM đã tuyên bố các cơ quan chức năng của thành phố cũng như trung ương sẽ làm rõ nghi vấn này. Ông Quân khẳng định, khi nghi vấn được làm rõ sẽ xử lý theo quy định pháp luật và công khai với cơ quan công luận.

Trả lời trước đông đảo báo giới trong buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội TPHCM 3 tháng đầu năm 2014, ông Võ Văn Luận, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND TPHCM cũng nhắc lại quyết tâm điều tra, làm rõ nghi vấn này của UBND TP. Ông nhấn mạnh: “Tôi khẳng định là hiện nay thành phố đang muốn thu hút đầu tư nước ngoài nên thủ tục đổi giấy phép rất đơn giản, không có gì mà phải “bôi trơn”. Thành phố sẽ làm sáng tỏ vấn đề này để bảo vệ uy tín của thành phố”.

Theo ông Luận, nghi vấn trên mới chỉ là lời khai từ phía nguyên đơn, cần xác minh thêm các tài liệu, chứng cứ. Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố rất quan tâm đến vụ việc này vì nó ảnh hưởng đến uy tín của thành phố. Do đó, Chủ tịch UBND TP đã tổ chức họp bàn và xin ý kiến xử lý từ Thành ủy.

Người phát ngôn của UBND TPHCM cũng khẳng định việc UBND TP điều chỉnh giấy phép chứng nhận đầu tư của dự án Sing - Việt City trong năm 2011 là hoàn toàn lành mạnh, đúng quy trình. Ông nói: “Việc thay đổi người đại diện là do thỏa thuận giữa các chủ đầu tư nước ngoài nhằm bảo đảm cho các chủ đầu tư thực hiện tốt dự án, không có bất cứ điều khuất tất nào trong đó”.

Ông Luận cũng chia sẻ, nghi vấn “bôi trơn” theo nguyên đơn tố cáo trong phiên tòa tháng 10/2013 là ở giai đoạn đầu thực hiện dự án. Thời gian này việc cấp phép đầu tư thuộc thẩm quyền của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, sau này việc cấp phép mới giao về cho thành phố. Theo tố cáo của công ty SMP thì số tiền 2,8 triệu USD cũng là để “chung chi” cho “các cơ quan ở Hà Nội”.

Do đó, ông Luận cho biết là TPHCM còn phải chờ Ban Nội chính trung ương làm rõ vụ việc. Ông khẳng định vụ việc này sẽ không bị “chìm xuồng”: “UBND TP sẽ quyết liệt làm rõ để bảo vệ danh dự cho thành phố!”.

Tùng Nguyên

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *