Bất động sản 12/10/2014 10:23

Khi 'nhà nghèo' vung tay trăm tỷ, nghìn tỷ

Đến nay, chuyện những công trình chục, trăm thậm chí hàng ngàn tỷ đồng xây xong "đắp chiếu" hoặc sử dụng nhỏ giọt đã không còn xa lạ.

Từ công viên hoang phế đến ký túc xá... một người ở

Chẳng hạn, Công viên Hòa Bình Hàn - Việt ở Đông Hòa, Phú Yên do một tạp chí Hàn Quốc kêu gọi tiền đóng góp xây dựng hết 100.000 USD từ 2003. Xây xong 1 tháng, công viên này đã bị phá hoại. Và 10 năm sau, Nơi vui chơi giải trí lớn nhất tỉnh Phú Yên này vẫn bị bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng, nhiều hạng mục như tượng đài, hàng rào, lối đi, các tác phẩm nghệ thuật nằm phơi mưa gió. Lý do được đưa ra là thiếu ngân sách cho việc bảo vệ, duy tu, tôn tạo công viên.

Trong khi đó, tại Đà Lạt Lâm Đồng, một ký túc xá sinh viên trị giá 227,8 tỷ đồng, có 2.000 chỗ ở mà chỉ có... 1 sinh viên đăng ký ở. Lý do ế ẩm vì khi xây dựng vào năm 2009 chủ đầu tư đã dự báo nhầm là lượng học sinh, sinh viên ở Đà Lạt sẽ tăng lên thêm 20.000 người nữa vào 2015. Ngoài ra, ký túc xá xây dựng khá xa so với nơi đào tạo, chưa kể đường xá chung quanh vẫn lầy lội, xuống cấp... nên dù giá thuê rất rẻ, sinh viên vẫn không vào ở mà trụ lại trong thành phố với giá thuê lên đến 600.000- 1 triệu đồng/phòng trọ/tháng.

Tại Hà Tĩnh, nhà máy bia Việt Trung có tổng chi phí lên đến 264 tỷ đồng, nằm tại khu đất vàng cũng đã bị bỏ hoang từ 2006 đến nay, nhiều chỗ thành điểm chăn thả bò của người dân. Lý do dự án đang xây dở dang này hoang phế vì chủ đầu tư khó khăn về kinh tế, trong khi người dân địa phương lại phản đối dự án vì sợ ô nhiễm môi trường...

Còn ngay ở TPHCM, trường tiểu học Phú Định, quận 6, xây dựng từ 2004 với kinh phí gần 20 tỷ, sau 4 năm sử dụng đã bị lún sụt, hư hỏng, thiệt hại lên đến 6,5 tỷ đồng. Tốc độ hư hỏng gia tăng nhanh nên để an toàn cho học sinh, các em được chuyển sang nơi khác. Hiện nay trường vẫn hoang phế trong khi TPHCM đang vẫn thiếu nhiều phòng học cho trẻ em.

Còn hoành tráng phải kể đến dự án bệnh viện 700 giường trị giá 40 triệu USD ở Nam Định, được kỳ vọng sẽ trở thành bệnh viện hiện đại bậc nhất ở vùng Đồng Bằng Sông Hồng. Lẽ ra phải hoàn tất từ 2011, nhưng nay sau 7 năm kể từ ngày khởi công, bệnh viện vẫn là công trình dở dang, sắt thép hoen gỉ, cỏ mọc lút đầu vì không đủ vốn để hoàn thiện. Trong khi Nam Định và nhiều vùng lân cận vẫn đang chịu sức ép của quá tải về y tế.

Rồi còn ngổn ngang những trường hợp lãng phí "nổi tiếng" như bảo tàng, công viên nghìn tỷ ở HN thì thiết nghĩ không cần kể thêm.

đầu tư công, lãng phí, công trình nghìn tỷ, bảo tàng, công viên, lãng phí, tham nhũng

Công viên Hòa Bình Hàn - Việt đang bị tàn phá. Ảnh: Chí Phan/ VnExpress

Trăm lý do, ngàn lý trấu... và việc buông lỏng giám sát đầu tư công

Những công trình bị bỏ hoang, hư phế này nếu điểm mặt đặt tên thì có mặt ở rất nhiều địa phương trong cả nước và ở đủ chủng loại. Nào bệnh viện, trường học, nhà máy, sân vận động, chợ, trung tâm thương mại, công trình nước sạch nông thôn, biệt thự, nhà song lập... . Ngoài một số dự án của tư nhân và doanh nghiệp FDI phải tự chịu trách nhiệm trên đồng vốn của mình, phần lớn những công trình hoang phí này đang là các dự án đầu tư công.

Lý do của sự lãng phí này đối với từng công trình, từng khâu chắc chắn cần sự thẩm định, điều tra của các cơ quan chức năng: kinh tế khó khăn hay sự vô trách nhiệm, đầu tư không theo quy trình, làm theo dự đoán trên trời, tính toán sai lầm, bất chấp hậu quả, v.v... Nhưng dù trăm lý do, ngàn lý trấu, thì "bệnh" chung hẳn cũng không nằm ngoài những gì đã được các chuyên gia, người có thẩm quyền chỉ ra, là quản lý yếu kém, tham nhũng, lãng phí, chuyện "vẽ" dự án để trục lợi.

Ví như hồi tháng 3 đầu năm nay, Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh đã thừa nhận có tình trạng lãng phí ngay từ chủ trương đầu tư. Nhiều nơi có quyền, quyết là làm ngay, không thẩm định dự án ấy hiệu quả thế nào, tại sao phải làm... Có khi muốn làm con đường rất to, cảng rất lớn, ban đầu chỉ là ý định cá nhân, nhưng sau đó đánh giá đơn giản, rồi phê duyệt chủ trương đầu tư, làm nảy sinh tình trạng có cảng mà không có hàng, gây lãng phí. "Lãng phí trong chủ trương đầu tư mới lớn, có khi hàng trăm tỉ...", ông Vinh khẳng định.

Và tiền cho các khoản đầu tư vô tội vạ ấy tất nhiên lấy từ những khoản nộp thuế của dân, giữa bối cảnh nợ công tăng cao và ngân sách hạn hẹp... Trong khi đó, giám sát đầu tư công để đảm bảo trách nhiệm và hiệu quả với mỗi công trình tiền tấn vẫn đang là một vấn đề nhức nhối bởi sự mù mờ.

Số liệu trong Hội thảo Định hướng chiến lược về giám sát và đánh giá đầu tư công của Bộ KHĐT tổ chức ngày 1/10/2014 mới đây cho thấy, trong năm 2013, chỉ có 66,75% các dự án đầu tư công (trong tổng số 35.359 dự án) có nộp báo cáo. Như vậy, có tới hơn 33% các dự án chưa có báo cáo. Đó là chưa kể trong số những dự án đã có báo cáo thì số liệu, đánh giá đúng sai thế nào còn phải xem lại.

Công luận chỉ biết đến những vụ việc này qua báo chí, nhưng phần nhiều vẫn theo kiểu "ném đá ao bèo". Nghĩa là sự việc được khơi lên rồi đâu lại hoàn đấy.

Bởi một trong những điểm mấu chốt chính là vai trò trách nhiệm cá nhân đến nay vẫn là khoảng trống mênh mông. Một bài viết trên báo Thanh tra cuối tháng 9 vừa qua chỉ ra: "Không một cơ quan chức năng nào kiểm tra và thống kê xem có bao nhiêu công trình lãng phí và chưa có một hình thức kỷ luật nào cho những người gây ra sự lãng phí đó. Vì thế, lãng phí cứ tự do phát triển để lòng dân ngao ngán".

Để giải quyết vấn nạn này, Chính phủ đã ban hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (có hiệu lực từ ngày 1/7/2014) và Luật  Đầu tư công (có hiệu lực từ 01/01/2015). Nhưng để các Luật này hữu hiệu, hẳn là trách nhiệm cá nhân phải được vạch ra và thực thi minh bạch, rõ ràng.

Chẳng hạn, như nhiều ý kiến chỉ ra từ Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đó là xác định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị được coi là vấn đề cốt lõi trong việc ngăn chặn lãng phí cũng như trách nhiệm khi xảy ra lãng phí.

Còn đối với Luật đầu tư công, việc thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư được coi là nội dung đổi mới quan trọng nhất nhằm ngăn ngừa sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí và một chiều trong việc quyết định chủ trương đầu tư, nâng cao trách nhiệm của người ra quyết định chủ trương đầu tư.

Chỉ khi ấy, tình trạng công trình "đắp chiếu", thả bò may ra mới "thuyên giảm".

 

Theo Nguyễn Anh Thi

Vietnamnet

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *