Bất động sản 06/02/2015 08:30

Hơn 1.500 hộ dân phố cổ sắp sửa di dời: Ngổn ngang nhiều mối lo

ANTĐ - Từ năm 2017, khoảng 1.530 hộ tương ứng với 6.120 người dân đang sống trong khu vực phố cổ Hà Nội sẽ được di chuyển ra khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội).

Với những hộ dân trong diện phải di dời, chuyện chỗ ăn, chỗ ở rồi chế độ hỗ trợ ra sao, công việc mưu sinh thế nào khi chuyển đến nơi ở mới... đang là những vấn đề còn nhiều băn khoăn.

 

Di dân khỏi phố cổ là cần thiết cho việc bảo tồn

 

Tại buổi tọa đàm về triển khai “Đề án giãn dân phố cổ” do Báo HàNộiMới phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức sáng 5-2, rất nhiều người dân phố cổ Hà Nội trong diện phải di dời đặt vấn đề quyền lợi của họ sẽ được đảm bảo ra sao khi chuyển đến nơi ở mới. “Con cháu đi học, cha mẹ đi làm, ông bà sống đã lâu ở khu vực phố cổ theo thói quen. Bây giờ chuyển sang khu tái định cư Việt Hưng sẽ phát sinh chi phí chuyển trường cho con, tăng tiền xăng đi làm… Cơ quan chức năng có giải pháp, hỗ trợ gì?” – chủ hộ số nhà 15 phố Hàng Chiếu băn khoăn. Ông Khánh, ở phố Lò Rèn hỏi: “Nhà tôi ở cạnh Đình Rèn và đang ở mặt phố thì khi giãn dân, về nơi ở mới, tôi sẽ làm gì, có chỗ buôn bán tiếp không?”…

Trước những băn khoăn rất xác đáng của bà con, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, ông Dương Đức Tuấn khẳng định, giãn dân phố cổ là một chủ trương lớn của thành phố Hà Nội nhằm làm giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ 823 người/ha (năm 2010) xuống còn khoảng 500 người/ha (đến năm 2020). 

“Đây là việc lớn và khó, mang ý nghĩa chính trị, xã hội cao. Bà con phố cổ có truyền thống kinh doanh buôn bán dịch vụ, thương mại, du lịch là chính. Vì vậy khu giãn dân đã được quy hoạch đồng bộ, đảm bảo đầy đủ hạ tầng trường học, trạm y tế, nơi sinh hoạt cộng đồng... Nơi kinh doanh được bố trí theo nhóm ngành hàng, dọc các lối đi nội bộ… Tôi hy vọng những ngành nghề truyền thống của phố cổ sẽ tiếp tục được duy trì và phát triển khi bà con chuyển đến nơi ở mới” – ông Dương Đức Tuấn nói.

Cũng theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, với sự tư vấn của cơ quan chức năng trong và ngoài nước, quận đã thiết kế khu đô thị mới giãn dân có tính đặc trưng khác biệt, đảm bảo không gian sống bền vững, hiện đại cho các hộ dân, có tầng 1-2 liên kết với không gian ngầm phía dưới để phục vụ kinh doanh thương mại, dịch vụ. Các hộ dân có nhu cầu kinh doanh khi chuyển đến nơi ở mới sẽ được xem xét và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên (với mục tiêu đảm bảo 40% hộ dân di dời sang đây được bố trí kinh doanh). 

Cụ thể, ở mức ưu tiên 1: Hộ đã kinh doanh tại mặt đường trong khu phố cổ sẽ được sắp xếp vị trí kinh doanh tại khu nhà ở giãn dân phố cổ. Ưu tiên 2: Hộ kinh doanh trong ngõ, lớp trong của nhà trong khu phố cổ. Ưu tiên 3: Những hộ cần đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm. Ưu tiên 4: Một bộ phận hộ dân có nhu cầu chính đáng, cần giải quyết việc làm sẽ được đăng ký để xem xét.

Ông Lâm Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, nếu hộ gia đình ở phố cổ trong diện phải di dời được bố trí căn hộ tái định cư nhưng không muốn nhận nhà thì sẽ nhận được khoản tiền hỗ trợ theo quy định. UBND quận mong các hộ dân trong diện phải di dời hợp tác, thực hiện đúng chủ trương. Nếu hộ nào không tự nguyện di chuyển, quận buộc phải áp dụng các biện pháp hành chính. Các trường hợp đang ở phố cổ có diện tích ở không đủ điều kiện sống, nếu di chuyển tự nguyện sẽ được quận bố trí theo quy định.

Ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Trưởng phòng Quy hoạch kiến trúc 2 - Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội khẳng định, không gian công cộng và các yếu tố khác của khu giãn dân… đã được tính toán đầy đủ. Thành phố và quận Hoàn Kiếm cố gắng đảm bảo đây là một khu ở có chất lượng tốt, cố gắng tiệm cận nhà ở thương mại. Với 5.000 tỷ đồng đầu tư cho dự án này, nhân dân có thể yên tâm về chất lượng xây dựng.
 

Mỗi người dân phải có trách nhiệm với phố cổ

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi chia sẻ, những người dân yêu Thủ đô, yêu khu phố cổ phải thấy trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn nó, vì nếu không, chúng ta sẽ không có khu phố cổ cho hôm nay và mai sau. Thành phố cũng có trách nhiệm khi giãn dân, phải đảm bảo cho bà con có cuộc sống ổn định.
 
Theo Duy Tiến
ANTĐ
Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *