Bất động sản 24/05/2021 08:31

Hoãn đấu giá đất sau "sốt", lộ loạt lý do cư dân ngậm ngùi cắt lỗ

"Cắt cơn" sốt đất điên đảo, tạm hoãn nhiều cuộc đấu giá đất vì Covid-19 ở Thanh Hóa; vì đâu phải ngậm ngùi cắt lỗ chung cư... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.

Thanh Hóa: "Cắt cơn" sốt đất điên đảo, tạm hoãn nhiều cuộc đấu giá đất vì Covid-19

Các thông báo được đưa ra về việc tạm dừng bán hồ sơ, thu hồ sơ, nộp tiền đặt trước và tạm dừng các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất cho tới khi có thông báo trở lại.

Mới đây, ngày 12/5, Công ty đấu giá hợp danh Hoàng Anh có văn bản thông báo tạm dừng việc bán hồ sơ và đấu giá quyền sử dụng đất tại xã Nga Bạch (huyện Nga Sơn).

Ngày 7/5, Công ty đấu giá hợp danh Nhất An Phú - Chi nhánh Thanh Hóa cũng có thông báo về việc tạm hoãn thời gian tổ chức tham gia đấu giá (bán, tiếp nhận hồ sơ, nộp tiền đặt trước, tổ chức cuộc đấu giá) quyền sử dụng đất ở gồm 21 lô đất khu dân cư xã Nga Thạch (huyện Nga Sơn) cho đến khi có thông báo mới.

Trước đó, nhiều công ty đấu giá cũng có văn bản tạm hoãn đấu giá tại các địa bàn: xã Nga Tiến (huyện Nga Sơn); xã Trường Sơn, Trường Long (huyện Nông Cống); xã Trường Lâm (thị xã Nghi Sơn); xã Vĩnh Tiến (huyện Vĩnh Lộc)...

Hoãn đấu giá đất sau sốt, lộ loạt lý do cư dân ngậm ngùi cắt lỗ - 1

Sau sốt đất nhiều thị trường trầm lắng.

Vì đâu ngậm ngùi cắt lỗ chung cư?

Trái ngược với sự tăng giá của các dự án chung cư mới và làn sóng sốt đất nền vừa qua, hàng loạt dự án chung cư đã đi vào hoạt động nhiều năm tại Hà Nội đang đối mặt với tình trạng nhiều chủ căn hộ rao bán cắt lỗ sâu nhưng vẫn ế ẩm.

Anh Minh Trung, chủ một căn hộ chung cư cao cấp trên đường Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, nhiều tháng nay anh đã rao bán căn hộ 2 phòng ngủ (hơn 70m2) mua từ năm 2017 với giá 4,3 tỷ đồng (hơn 50 triệu đồng/m2).

Thực tế tại nhiều dự án chung cư được quảng cáo là cao cấp đã đi vào hoạt động nhiều năm, có không ít căn hộ được chủ nhà rao chuyển nhượng với giá cắt lỗ sâu vẫn ít người mua, thậm chí không có ai mua.

Hoãn đấu giá đất sau sốt, lộ loạt lý do cư dân ngậm ngùi cắt lỗ - 2

Chủ đầu tư quảng cáo một đằng, bán nhà một nẻo, cắt bớt tiện ích kể cả chỗ đỗ ô tô, khiến nhiều người dân khổ sở khi bán căn hộ cắt lỗ (Ảnh: Như Ý).

Lý do là nếu mua căn hộ đó, chủ nhà không có chỗ để ô tô; hạ tầng quá tải, nhà bị cắt bớt tiện ích... Tranh cãi giữa chủ đầu tư và chủ nhà không ngừng diễn ra. Không chỉ các chủ căn hộ bán "cắt lỗ", nhiều chủ đầu tư không bán được, tồn kho căn hộ cũng phải "ngậm đắng nuốt cay" bán cắt lỗ sau 3- 5 năm không có khách hỏi mua. 

Nhận gói thầu nghìn tỷ lúc giá thép tăng sốc: Đại gia vui ít, run nhiều

Trao đổi với Dân trí, lãnh đạo một doanh nghiệp xây dựng ở Hà Nội cho biết, có tuần doanh nghiệp này nhận được 2 lần điều chỉnh giá thép. Trước tình hình này, nhiều nhà thầu không dám ký hợp đồng mới. Trong khi những hợp đồng cũ đã ký thì lỗ nặng.

Thực tế, cực chẳng đã nhiều doanh nghiệp vẫn phải bỏ thầu, bởi vẫn còn hơn "ngồi chơi xơi nước" rồi lâm cảnh phá sản, thất nghiệp.

Mới đây, Tập đoàn xây dựng Hòa Bình - nhà thầu lớn trong ngành xây dựng liên tiếp nhận được một số dự án nhà ở trị giá nhiều nghìn tỷ đồng. Giá trị gói thầu cao nhưng trong bối cảnh "đau đầu" vì giá thép, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình chia sẻ với Dân trí: "Lo lắng lắm, nhưng bây giờ chúng tôi ở thế khó, không biết làm gì ngoài việc cố gắng kiểm soát rủi ro nhất có thể". Vị này cũng nhấn mạnh trong bối cảnh này, dù tính toán, có dự phòng trượt giá nhưng nhiều khi "không ăn thua".  

Chủ đầu tư cắt điện nước khi tranh chấp: Hành xử không đẹp, không phù hợp

Khi có mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra và chưa đi đến thống nhất được, một số chủ đầu tư chọn cách cắt dịch vụ, thậm chí cả điện, nước giữa trời nắng nóng khiến cư dân bức xúc.

Trao đổi với Dân trí, Luật sư Trương Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Luật Trường Sơn, Trưởng Ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng: Nếu cư dân vẫn trả phí dịch vụ điện nước mà cắt không lý do chính đáng thì đây là hành vi ứng xử không đẹp, không phù hợp với quy định pháp luật.

Hoãn đấu giá đất sau sốt, lộ loạt lý do cư dân ngậm ngùi cắt lỗ - 3

Chủ đầu tư dự án mua can cho cư dân tự đi lấy nước sinh hoạt.

Theo vị chuyên gia này, tranh chấp chung cư xuất phát từ hai phía chủ đầu tư và cư dân. Tuy nhiên, nguyên nhân thường xuất hiện vì một số chủ đầu tư thực hiện không đúng quy định pháp luật. Việc tranh chấp tại một số chung cư sẽ ảnh hưởng tới phân khúc bất động sản chung cư. Còn tác động lớn phạm vi rộng hay hẹp tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa như: thị trường, vào người tiêu dùng và chính sách của nhà nước.

Những khu biệt thự trăm tỷ bỏ hoang ở Hà Nội có bị đánh thuế?

Trong buổi làm việc với Bộ Xây dựng mới đây, Thủ tướng đưa ra vấn đề cần có chiến lược chủ động phát triển thị trường bất động sản; Gắn với phát triển thị trường nhà ở hài hòa, hợp lý có mức giá phù hợp với các đối tượng khác nhau, trong đó coi trọng phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, các đối tượng yếu thế; Phải điều tiết bằng quản lý Nhà nước, bằng cơ chế thuế, tránh tình trạng dòng vốn chỉ chảy vào chung cư cao cấp, biệt thự, mua để đấy không sử dụng…

Câu chuyện đánh thuế biệt thự bỏ hoang, mua rồi để đấy không sử dụng, vừa gây mất mỹ quan, lại vô cùng lãng phí đã được đưa ra từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có đáp án cuối cùng. 

Trong khi đó, thực tế hiện nay, tại nhiều khu đô thị trên địa bàn Hà Nội vẫn đang tồn tại không ít số lượng các căn biệt thự đã xây thô rồi bỏ không nhiều năm.

Nguyễn Khánh (tổng hợp)

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *