Bất động sản 08/05/2015 16:53

Hai đại gia muốn mua cao ốc Keangnam giàu cỡ nào?

Cả 2 nhà đầu tư quan tâm tới thương vụ thâu tóm toà cao ốc Keangnam Hanoi Landmark Tower là Goldman Sachs và Quỹ đầu tư Qatar đều là những vị đại gia với tiềm lực lớn và có máu mặt trên thị trường tài chính thế giới.

Cùng với Tập đoàn đa quốc gia Goldman Sachs, Quỹ đầu tư Qatar Investment Authority (QIA) đang chạy đua để theo đuổi thương vụ thâu tóm lại Dự án Keangnam Hanoi Landmark Tower cao 72 tầng tại Hà Nội. 
 
Goldman Sachs dự kiến sẽ mua lại khoản nợ tài trợ cho dự án trị giá 1.000 tỷ won (khoảng 900 triệu USD) và thành lập một công ty chuyên biệt để tiếp nhận vai trò là cổ đông lớn tại Keangnam Landmark Tower. Ngược lại, quỹ đầu tư Qatar ngỏ ý muốn chi 800 triệu USD để giành quyền quản lý lâu dài toà nhà này.  
Hai đại gia muốn mua cao ốc Keangnam giàu cỡ nào?
QIA được biết đến là một quỹ đầu tư quốc gia lớn thứ 9 thế giới với khối tài sản ước tính lên tới 256 tỷ USD.
 

QIA hiện có trụ sở tại Doha và văn phòng đặt tại nhiều quốc gia trên thế giới như Mumbai, New Dehli hay Bắc Kinh. QIA được biết đến là một quỹ đầu tư quốc gia lớn thứ 9 thế giới với khối tài sản ước tính lên tới 256 tỷ USD. Con số này dự sẽ còn tăng lên đáng kể sau khi Qatar hoàn thành dự án mở rộng để trở thành quốc gia xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới với công suất đầu ra đạt 77 triệu tấn.

QIA được thành lập bởi Nhà nước Qatar vào năm 2005 để quản lý các khoản thu thặng dư từ dầu và khí đốt của Chính phủ nước này. Theo đó, QIA được lập ra để nhằm giảm thiểu rủi ro từ sự phụ thuộc vào giá năng lượng của Qatar bằng cách đầu tư đa dạng vào các lĩnh vực khác ngoài năng lượng.

Với tiềm lực lớn về tài chính, QIA hiện đang nắm giữ một danh mục đầu tư “khủng” trên toàn thế giới, bao gồm Anh, Mỹ, châu Á - Thái Bình Dương. Hiện QIA đang nắm 12,7% cố phần tại ngân hàng lớn nhất nước Anh là Barlays Holdings, 17% cổ phần tại hãng xe Volkswagen, nắm giữ cổ phần nhỏ tại Fisker Automotive.

Vào tháng 2/2013, vị đại gia đến từ Vùng Vịnh này cũng đã hoàn thành mua lại trụ sở chính của Credit Suisse ở London. QIA nắm giữ 6% cổ phần của Credit Suisse và sở hữu cổ phần tại hàng loạt tên tuổi lớn như: Apeldoorn, đại gia dầu khí Royal Dutch Shell, câu lạc bộ bóng đá Paris Saint-Germain…

Qatar Holding, một công ty con của QIA cũng từng công bố kế hoạch sẽ “rót” 5 tỷ USD vào các dự án lọc hoá dầu ở Malaysia với tham vọng đưa nước này cạnh tranh với Singapore trở thành trung tâm hoá dầu hàng đầu khu vực. QIA cũng đang lên kế hoạch đầu tư 200 triệu USD vào một dự án bất động sản tại Ấn Độ và ký thoả thuận hợp tác để khởi động một quỹ đầu tư 10 tỷ USD vào Trung Quốc.

Phần lớn lợi nhuận của QIA đến từ công ty con hoạt động trong lĩnh vực bất động sản là Qatar Diar. Qatar Diar được thành lập từ năm 2005 và cũng có trụ sở tại Doha. Đến năm 2011, công ty này có khoảng 183.000 nhân viên hoạt động trên 100 quốc gia. Qatar Diar sở hữu một số bất động sản “khủng” có thể kể tên như: cảng Tarraco Marina ở Tarragona, Tây Ban Nha; trụ sở cũ của Royal Dutch Shell; toà nhà chọc trời The Shard - biểu tượng mới của London; siêu dự án 3 tỷ bảng Anh Chelsea Barracks…

Hai đại gia muốn mua cao ốc Keangnam giàu cỡ nào?
Tổng tài sản của Goldman Sachs tính tới năm 2013 đã vượt 900 tỷ USD với hơn 33.000 nhân viên trên khắp thế giới.
 

Về phía đối thủ cạnh tranh với QIA trong thương vụ mua lại toà nhà cao nhất Việt Nam, Goldman Sachs là một cái tên rất quen thuộc tại Việt Nam. Goldman Sachs là một ngân hàng đầu tư đa quốc gia, tham gia vào các nghiệp vụ đầu tư, chứng khoán, quản lý đầu tư và các dịch vụ tài chính khác với khách hàng chủ yếu là các tổ chức.

Goldman Sachs được thành lập năm 1869, có trụ sở tại thành phố New York và từ lâu đã được coi như trái tim của phố Wall trong khi phố Wall là trái tim của nước Mỹ. Từ khi mới thành lập, Goldman Sachs đã được biết đến như một thế lực nhiều ảnh hưởng. Họ thuê những cựu chính trị gia và công chức về làm nhân viên, trong đội ngũ “cựu binh” của họ là nguồn nhân lực luôn sẵn sàng cho các nhà chính trị và bộ máy công quyền. 

Ngoài tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới này, không một tập đoàn nào trên thế giới có nhiều cộng sự hiện nắm giữ trọng trách ở nhiều quốc gia đến như vậy. Họ ngẫu nhiên trở thành chỗ dựa và người mở cửa cho Goldman Sachs thâm nhập vào thị trường tài chính ở các nước đó. Thủ tướng Italy Mario Monti và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick và Chủ tịch Ủy ban Kiểm soát kinh doanh chứng khoán mạo hiểm CFTC Gary Gensler hoặc Chủ tịch Ủy ban Ổn định Tài chính trong Ngân hàng thanh toán quốc tế Mark Carney..., đều đã từng làm việc cho Goldman Sachs.

Nói về tiềm lực tài chính, Goldman Sachs không hề thua kém so với đại gia Qatar. Tổng tài sản của Goldman Sachs tính tới năm 2013 đã vượt 900 tỷ USD với hơn 33.000 nhân viên trên khắp thế giới. Ngân hàng này có mức doanh thu khoảng 34 tỷ USD trong năm 2013, trong đó lãi thực trên 8 tỷ USD.

Mới đây, Goldman Sachs cũng bày tỏ quan tâm tới việc đầu tư cho dự án sân bay Long Thành với khẳng định “có thể gia tăng lợi ích đáng kể cho dự án này”. Từ năm 2011 đến nay, tập đoàn này cũng đã thành công trong việc tư vấn cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia các giao dịch mua bán và sáp nhập với các tổ chức Việt Nam như thương vụ TNK-BP (1,8 tỷ USD); Vietcombank - Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản (560 triệu USD) hay các thương vụ khác tại Tập đoàn Bảo Việt (340 triệu USD) và Tập đoàn Masan (200 triệu USD).

Vào tháng 3/2014, Goldman Sachs đã giải ngân cho khoản vay 250 triệu USD cho dự án cải tạo và nâng cấp quốc lộ 20. Mới đây nhất, Goldman Sachs cũng tham gia cung cấp khoản vay trong 14 năm nhằm trợ giúp việc phát triển một nhà máy thủy điện tại Thanh Hóa, dự kiến sẽ giải ngân vào tháng 12 năm nay.

 Phương Dung
 
Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *