Bất động sản 27/03/2014 16:07

Gói 50.000 tỷ đồng: Tạo nhóm độc quyền sẽ thất bại

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cảnh báo như vậy.

Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) và Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh vừa công bố ra mắt gói tín dụng 50.000 tỷ đồng nhằm gỡ khó cho thị trường vật liệu xây dựng và bất động sản. Bình luận về gói tín dụng này, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, cảnh báo rằng, cách làm này nếu để xảy ra nhóm độc quyền, sẽ đẩy giá sản phẩm xây dựng và gói này sẽ thất bại.

 

PV: Ông bình luận gì về gói tín dụng 50.000 tỷ đồng nhằm gỡ khó thị trường BĐS, xây dựng vừa được công bố?

 

Ông Nguyễn Văn Đực: Theo tôi, gói 30.000 tỷ đồng đã triển khai 9 tháng rồi mà số giải ngân vẫn rất ít, có thể kết luận rằng gói này đã thất bại. Nay có thêm gói 50.000 tỷ đồng cũng lại đổ vào bất động sản, nhưng dưới dạng khác.

 

Thực tế, nhiều chủ đầu tư chỉ vì thiếu vài chục hoặc vài trăm tỷ đồng mà dự án bị dở dang, không đúng tiến độ... gây bức xúc cho xã hội, làm người dân thất vọng, mất niềm tin vào thị trường BĐS. Do đó, gói 50.000 tỷ đồng này nó thực hiện bằng cách liên kết 4 nhà: Ngân hàng – Chủ đầu tư – Đơn vị thi công – Đơn vị cung ứng vật liệu. Cách làm này để bảo đảm rằng số tiền từ ngân hàng không chuyển thẳng vào doanh nghiệp BĐS mà vào 2 đơn vị thi công và cung ứng vật liệu xây dựng.

 

Đây không phải là ý tưởng mới. Cách đây 2 năm ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch BIDV đã từng phát động gói này, nhưng không thành công. Bây giờ, cũng ý tưởng đó lặp lại, với quy mô lớn hơn, truyền thông rộng rãi hơn. Tôi tin rằng gói này sẽ thàng công, nhưng với điều kiện doanh nghiệp chủ đầu tư phải được chọn nhà thầu thi công tốt, và chọn đơn vị cung ứng vật liệu tốt mà giá rẻ. Bởi vì thực tế hiện nay trên thị trường, giá cả trên thị trường chênh lệch nhau khá rộng, có thể từ 20-30%. Chúng tôi phải tính toán tiết kiệm, chi li sao cho không thất thoát, lãng phí khiến đội giá quá cao thì mới có thể cạnh tranh được trong điều kiện thị trường hiện nay.

 

PV: Theo ông, cần làm gì để gói này thực sự có tác động tích cực đến thị trường bất động sản?

 

Ông Nguyễn Văn Đực: Nếu chủ đầu tư được chọn nhà thầu thi công, nhà cung cấp vật liệu thì giá thành sẽ giảm, khi đó, cộng với được ngân hàng hỗ trợ nữa thì gói này sẽ thành công. Do đó, ngân hàng cần phải mở rộng tất cả các doanh nghiệp thi công, cung ứng vật liệu đều được tham gia vào gói tín dụng này, chứ không phải gói gọn trong 10-20 doanh nghiệp thi công, rồi 50-70 doanh nghiệp cung ứng vật liệu, như thế chủ đầu tư chúng tôi rất khó lựa chọn. Vì nếu giới hạn đó có thể đưa đến tình trạng đẩy giá xây dựng lên cao.

 

Gói 50.000 tỷ đồng nhằm vào mối liên kết, không nhằm vào lãi suất ưu đãi

Chúng tôi nghi ngờ rằng, cách làm này sẽ hình thành lợi ích nhóm. Bởi khi đó, gói tín dụng lập ra, rồi lại đơn vị sân nhà thi công, cung ứng vật liệu. Như thế sẽ không tốt cho thị trường.

 

PV: Nếu gói tín dụng này tạo thành thế độc quyền, nó sẽ gây hại cho thị trường như thế nào, thưa ông?

 

Ông Nguyễn Văn Đực: Nếu để xảy ra nhóm độc quyền, khi đó giá trị xây lắp sẽ bị đẩy lên khoảng 10-30%, và giá thành sản phẩm bán ra thị trường cũng sẽ tăng theo. Khi đó, chúng tôi sẽ khó cạnh tranh được với những doanh nghiệp độc quyền mà họ chọn được nhà thầu tốt. Quyết định thành công hay thất bại của xây dựng là nhà thi công và nhà cung ứng vật liệu đều phải tốt mà rẻ. Do đó, muốn gói tín dụng này thành công, tôi nhấn mạnh lại rằng, phải để chủ đầu tư được chọn nhà thi công và cung ứng vật liệu xây dựng.

 

PV: Là một chủ đầu tư, ông có mong muốn được tiếp cận gọi tín dụng này không?

 

Ông Nguyễn Văn Đực: Chúng  tôi rất quan tâm gói tín dụng này. Hiện công ty tôi đã cử người đi tìm hiểu về nó. Nếu được hỗ trợ từ gói này, sẽ rất tốt cho công ty chúng tôi. Vì hiện chúng tôi cũng có dự án thi công bị chậm do thiếu tiền mặt.

 

PV: Thông tin từ cuộc họp báo ra mắt gói tín dụng này cho thấy, thực chất gói tín dụng nhắm tới không phải trọng tâm ở mức lãi suất mà là sự liên kết. Là chủ đầu tư, ông cũng rất quan tâm và muốn tiếp cận gói này. Chứng tỏ, lãi suất không phải mấu chốt trong tiếp cận nguồn vốn của chủ đầu tư?

 

Ông Nguyễn Văn Đực: Đúng. Lãi suất tăng hay giảm 1-2% không quan trọng bằng thủ tục đơn giản và cho phép chúng tôi được lựa chọn. Tôi quan tâm đến gói này hơn gói 30.000 tỷ đồng. Vì gói 30.000 tỷ đồng có tới 2/3 cho người dân vay, 1/3 cho doanh nghiệp vay, nhưng để xây nhà ở xã hội. Trong khi đó, doanh nghiệp của tôi không quan tâm nhắm vào nhà ở xã hội mà tập trung vào nhà ở diện tích nhỏ, giá rẻ.

 

Ngay Hiệp hội BĐS TP HCM cũng đã có kiến nghị về việc cho phép doanh nghiệp xây nhà ở diện tích nhỏ, giá rẻ dưới 1 tỷ đồng cũng được vay gói 30.000 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được trả lời từ cơ quan chức năng, nhất là phía Bộ Xây dựng. Doanh nghiệp chúng tôi rất mong chờ mở rộng đối tượng được vay gói 30.000 tỷ đồng này để các doanh nghiệp chúng tôi được vay đầu tư xây nhà giá rẻ, không phải nhà ở xã hội.

 

PV: Trân trọng cảm ơn ông!./.

 

Theo Xuân Thân

VOV online
(thực hiện)

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *