Bất động sản 13/05/2021 10:43

Giá thép tăng vọt không theo quy luật, Bộ Xây dựng ra loạt đề nghị "nóng"

Theo Bộ Xây dựng, tại một số địa phương, việc công bố giá vật liệu xây dựng còn chậm, biến động giá thép chưa được cập nhật kịp thời hoặc đã được cập nhật nhưng chưa bám sát diễn biến thị trường.

Giá thép tăng vọt không theo quy luật, Bộ Xây dựng ra loạt đề nghị nóng - 1

Giá thép tăng phi mã, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, ngành xây dựng kêu gặp khó (Ảnh: N.M).

Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, UBND tỉnh, thành phố, Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam... về thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và biến động giá thép đến các hoạt động xây dựng.

Theo Bộ Xây dựng, thời gian gần đây, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Giá một số vật liệu xây dựng chủ yếu có xu hướng tăng cao, nhất là giá thép tăng đột biến, không theo quy luật tăng giá thông thường đã tác động tiêu cực đến các hoạt động đầu tư xây dựng.

Theo Nghị định số 10 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền cho Sở Xây dựng công bố giá các loại vật liệu xây dựng, thiết bị công trình trên địa bàn tỉnh theo định kỳ hàng quý hoặc sớm hơn khi cần thiết.

Tuy nhiên theo Bộ Xây dựng, tại một số địa phương, việc công bố giá vật liệu xây dựng còn chậm. Biến động giá thép và giá một số vật liệu xây dựng chưa được cập nhật kịp thời hoặc đã được cập nhật trong công bố giá vật liệu xây dựng của địa phương nhưng chưa bám sát diễn biến thị trường.

Cần công bố giá vật liệu xây dựng hàng tháng 

Trước tình hình nêu trên, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường, lưu ý tránh bị tác động của các hiện tượng đầu cơ, thổi giá.

Đối với các loại vật liệu chủ yếu, có biến động giá lớn, trường hợp cần thiết, Bộ Xây dựng cho rằng cần công bố giá vật liệu xây dựng hàng tháng hoặc sớm hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng trên địa bàn.

Cũng theo Bộ Xây dựng, các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chỉ đạo các đơn vị có liên quan đánh giá tác động của dịch bệnh và biến động giá một số vật liệu xây dựng chủ yếu, nhất là giá thép đến tình hình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, các dự án PPP thuộc phạm vi quản lý, đặc biệt là các vấn đề phát sinh liên quan đến công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng.

Trong đó, tập trung đánh giá về số lượng dự án, hợp đồng xây dựng bị ảnh hưởng (phân định theo từng hình thức giá hợp đồng) và giá trị bị ảnh hưởng của từng dự án, hợp đồng xây dựng;

Đồng thời, các đơn vị cần dự báo, xây dựng các kịch bản ảnh hưởng của việc tăng giá thép đến mức tăng tổng mức đầu tư và khả năng đáp ứng về nguồn vốn để đảm bảo việc triển khai, thực hiện dự án.

Đối với Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam, Hội Kinh tế Xây dựng Việt Nam, Bộ Xây dựng yêu cầu các đơn vị này tổng hợp, cung cấp các thông tin và kiến nghị của các nhà thầu xây dựng.

Trước đó, ngày 19/4, Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã có văn bản kiến nghị Văn phòng Chính phủ chỉ đạo sớm các bộ ngành liên quan kiểm tra triệt để nguyên nhân giá thép tăng đột biến.

Theo Hiệp hội này, nhà thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản do tình hình giá thép tăng đột biến trong quý I/2021, đặc biệt ở tháng 4.

Chuỗi tăng liên tiếp của giá thép chưa thấy điểm dừng. Một số doanh nghiệp xây dựng cho biết họ liên tiếp nhận thông báo điều chỉnh tăng giá, đến nay đã ở mốc 20.000 đồng/kg.

Nguyễn Mạnh

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *