Bất động sản 30/10/2018 06:55

Dùng quỹ đất thanh toán cho dự án BT: Bộ Tài chính đề xuất hướng thực hiện như thế nào?

Trong công văn gửi tới các Bộ ngành, địa phương, Bộ Tài chính có hé lộ một số đề xuất về hướng xử lý chuyển tiếp đối với các hợp đồng BT với nhà đầu tư.

Nghị định về thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư BT vẫn chưa thể ra đời sau gần 1 năm Luật có hiệu lực.

Nghị định về thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư BT vẫn chưa thể ra đời sau gần 1 năm Luật có hiệu lực.

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các Bộ ngành, UBNd các tỉnh thành trực thuộc trung ương tham gia ý kiến đối với dự thảo Tờ trình Chính phủ và dự thảo Nghị quyết về việc thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT.

Đáng lưu ý, tại dự thảo lần này, Bộ Tài chính có hé lộ một số đề xuất về xử lý chuyển tiếp các hợp đồng BT với nhà đầu tư.

Cụ thể, theo dự thảo, đối với các hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất, cơ sở nhà, đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT đã được ký kết theo đúng quy định của pháp luật tại thời điểm ký hợp đồng BT trước ngày 1/1/2018 mà chưa hoàn thành việc thanh toán cho nhà đầu tư thì tiếp tục thực hiện việc thanh toán theo nội dung hợp đồng đã ký kết.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm rà soát các hợp đồng BT đã ký kết để thực hiện thanh toán bằng quỹ đất, cơ sở nhà, đất cho nhà đầu tư đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Đối với dự án được ký kết từ ngày 1/1/2018 đến ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, Bộ ngành, địa phương có trách nhiệm rà soát, đảm bảo hợp đồng đã ký kết đảm bảo đúng quy định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Đối với dự án hoàn thành việc lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét ký hợp đồng BT theo đúng quy định và thực hiện thanh toán tài sản công cho nhà đầu tư thực hiện dự án khi Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư BT có hiệu lực.

Bộ Tài chính cũng đề xuất, kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, các Bộ ngành, địa phương tạm dừng việc đưa nội dung sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT vào Hợp đồng BT ký kết cho đến khi Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư BT được Chính phủ ban hành.

Như Dân trí đưa tin trước đó, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 nhưng nghị định về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư BT vẫn chưa ban hành. Tiếp đó, ngày 28/3, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các Bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 01/01/2018 để chờ Nghị định.

Với các khoảng trống pháp lý, trong thời gian chờ nghị định, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo giải pháp xử lý để không làm ảnh hưởng đến các dự án BT đã ký. Do đó, ngày 24/9 vừa qua, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ nhóm giải pháp để xử lý khoảng trống pháp lý. Theo đó, đối với những dự án BT ký trước ngày 1/1/2018 thì sẽ được dùng tài sản công để thanh toán theo quy định của pháp luật áp dụng cho từng thời kỳ.

Trao đổi về nội dung này trên Nghị trường Quốc hội, Đại biểu Trần Đăng Ninh (Hoà Bình) cho rằng, vướng mắc hiện nay của các dự án hợp đồng BT là đang dừng thanh toán từ quỹ đất, chờ khi có hướng dẫn mới. Đại biểu đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo việc này để các nhà đầu tư đã xây dựng các công trình bỏ vốn ra được thanh toán bằng quỹ đất theo hợp đồng đã ký.

Đồng quan điểm, Đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) cho rằng, thực tiễn cho thấy, việc huy động các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách vào phối hợp ngân sách cho đầu tư phát triển là hoàn toàn khả thi và có hiệu quả xã hội to lớn. Vấn đề ở đây là chính sách đặt ra phải chặt chẽ để không bị lợi dụng và phải ổn định để nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn.

"Vừa qua, Bộ Tài chính yêu cầu dừng thanh toán các dự án BT để chờ hướng dẫn mới chặt chẽ hơn là một yêu cầu cần thiết nhưng có lẽ cũng cần phải khẩn trương ban hành chính sách mới thay thế vì hiện nay các dự án này ở địa phương đang bị đình trệ, gây thiệt hại nhiều cho nhà đầu tư", bà Lịch nói.

Phương Dung

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *