Bất động sản 07/04/2015 11:48

Dư cung, trung tâm thương mại sẽ có thêm một năm "vất vả"

FICA - Nguồn cung mặt bằng bán lẻ trong năm 2015 và 2016 là rất lớn; những TTTM đó sẽ phải làm việc rất vất vả nếu ho không muốn trì hoãn ngày mở cửa.

Theo thống kê của hãng tư vấn dịch vụ bất động sản CBRE Việt Nam, trong quý I/2015, thị trường mặt bằng bán lẻ của Hà Nội ghi nhận một dự án mới, một dự án mở cửa trở lại, và một dự án đóng cửa. Việc cửa hàng lớn nhất của Parkson tại Hà Nội đóng cửa đã làm cho tổng diện tích cho thuê bán lẻ trên toàn thị trường giảm 4,6% so với quý trước, xuống mức 590.960 m2, từ 19 TTTM,  2 TTTM tổng hợp, và 9 sảnh bán lẻ.

Trong quý đầu năm 2015, nhu cầu của người dân tăng cao dịp Tết nên tình hình kinh doanh của thị trường mặt bằng bán lẻ bắt đầu được cải thiện tích cực sau một khoảng thời gian dài khá khó khăn. Lần đầu tiên kể từ Q2/2013, trong quý này, giá chào thuê trung bình trên toàn thị trường đã tăng nhẹ 0,7% so với quý trước, đạt 37,4 USD/m2/tháng. 

Giá thuê được cải thiện chủ yếu bởi một số ít các dự án ở khu vực ngoài trung tâm, trong khi phần lớn các dự án giữ nguyên mức giá chào thuê so với quý trước. Tỷ lệ trống có diễn biến khá tích cực khi giảm lần đầu tiên sau bốn quý tăng liên tiếp, ở mức 18,6% (giảm 0,7 điểm % so với quý trước). Tuy nhiên, nguồn cung tương lai lớn từ các sảnh bán lẻ ở các dự án căn hộ chung cư ở khu vực ngoài trung tâm trong những năm tới đây sẽ gây áp lực lên cả giá thuê lẫn tỷ lệ trống.

Trong quý này, các nhà bán lẻ cả nội và ngoại đều có những hoạt động tích cực. Vincom Retail mở rộng chuỗi cửa hàng Vinmart+, bao gồm các siêu thị mini và cửa hàng tiện ích, trong khi hai thương hiệu mới là VinPro (cửa hàng đồ điện tử) và VinDS (TTTM tổng hợp) cũng được ra mắt trong năm nay. Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) và hai tập đoàn đến từ Thái Lan (BJC và Central Group) cũng mở rộng kinh doanh bằng cách hợp tác với các nhà bán lẻ nội.

Trong cuộc khảo sát ý kiến người tiêu dùng của CBRE thực hiện tháng 8 năm 2014 với 1.000 người tiêu dùng từ 18 – 64 tuổi tại Hà Nội và TP. HCM được phỏng vấn, 25% số người được hỏi nói rằng họ sẽ đi mua sắm ít hơn tại cửa hàng. 45% - 50% người được hỏi nói rằng họ sẽ mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn. Bất ngờ là, 69% người tham gia trả lời từ 55 – 64 tuổi nghĩ rằng họ sẽ dùng điện thoại thông minh/máy tính bảng để mua sắm thường xuyên hơn, tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn của người trẻ tuổi.

Mặc dù triển vọng của loại hình TTTM truyền thống vẫn sẽ lạc quan, người vận hành TTTM cần phải nhận thức được những thách thức của hình thức bán lẻ trực tuyến. Điều này rất quan trọng trong việc quản lý và marketing cho TTTM. CBRE khuyến nghị các nhà bán lẻ cần thay đổi chiến lược để thúc đẩy cả thương mại điện tử lẫn hoạt động kinh doanh ngoại tuyến bằng các hoạt động: tận dụng nguồn dữ liệu lớn (“big data”); áp dụng chiến lược Trực tuyến đến Ngoại tuyến (O2O); xây dựng những ứng dụng đơn giản và hiệu quả cho những khách hàng muốn mua sắm qua điện thoại thông minh/máy tính bảng.

Đánh giá về triển vọng trong tương lại, CBRE cho rằng, giá thuê sẽ giữ ổn định trong ngắn hạn; Các TTTM yếu sẽ cần phải tái cơ cấu ngành hàng và thêm các khách thuê chủ chốt. Hình thức chia sẻ doanh thu sẽ trở nên phổ biến hơn.

Bên cạnh đó, nguồn cung mặt bằng bán lẻ trong năm 2015 và 2016 là rất lớn; những TTTM đó sẽ phải làm việc rất vất vả nếu ho không muốn trì hoãn ngày mở cửa. Trong khi đó, những nhà bán lẻ nội sẽ có các động thái để cạnh tranh với những thương hiệu ngoại.

Phương Dung

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *