Bất động sản 05/06/2019 15:44

"Dân chiếm đoạt 5 triệu thì bị xử hình sự, chủ đầu tư chiếm hàng chục tỷ đồng không sao"

"Dân chiếm đoạt 5 triệu đồng thì xử hình sự, chủ đầu tư hiện chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng một quỹ bảo trì ở chung cư thì không bị xử lý hình sự," đại biểu đặt vấn đề trước Quốc hội.

Dân chiếm đoạt 5 triệu thì bị xử hình sự, chủ đầu tư chiếm hàng chục tỷ đồng không sao - 1

Ông Nguyễn Mai Bộ - đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang. Ảnh: Quốc hội.

Sáng nay (5/6), Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà tiếp tục trả lời chất vấn trước Quốc hội một số câu hỏi của đại biểu trong cuối buổi chiều 4/6, trong đó có vấn đề tình trạng lạm dụng, chiếm đoạt quỹ bảo trì chung cư, chuyển đổi công năng, chiếm dụng sở hữu chung...

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cho biết, theo điều 176 của Luật Nhà ở, thanh tra xây dựng có trách nhiệm thanh tra việc quản lý nhà ở, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện thanh tra chuyên ngành về nhà ở.

Đại biểu nêu câu hỏi Bộ trưởng: "Cơ quan thanh tra xây dựng đã thanh tra và có phát hiện việc yêu cầu ký lại hợp đồng mua, bán tòa nhà chung cư, vì vốn dĩ hợp đồng này đã bị vô hiệu hóa do phần diện tích sử dụng chung vốn là của cư dân nhưng hiện nay chủ đầu tư đã chiếm hay không? Việc chuyển cho cơ quan điều tra hình sự xử lý về tội lạm dụng tín dụng quỹ bảo trì tòa chung cư như thế nào?"

Đặt câu hỏi vào buổi chiều hôm qua (4/6), đại biểu Nguyễn Mai Bộ thậm chí cũng đề nghị chuyển cho cơ quan điều tra hình sự xử lý về tội lạm dụng tín dụng quỹ bảo trì tòa chung cư.

"Cũng với câu hỏi này tôi đề nghị Thủ tướng, tôi cảm nhận rằng là Chỉ thị số 29 của Thủ tướng về việc xử lý quản lý tòa nhà chung cư không đi vào thực tế. Bởi vì năm ngoái, tôi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an thì chỉ nhận được câu trả lời chủ động nắm tình hình, thu thập thông tin còn bao giờ xử lý thì chúng tôi chưa nhận được câu trả lời", đại biểu nhấn mạnh.

Trả lời chất vấn trên, tại phiên sáng nay (5/6), Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết trên thực tế, trong báo cáo năm 2018 và 5 tháng năm 2019, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội và TPHCM đã tiến hành kiểm tra 92 dự án chung cư, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 5,5 tỷ đồng và yêu cầu áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với 20 chủ đầu tư có hành vi tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 1,3 tỷ đồng, yêu cầu biện pháp khắc phục hậu quả đối với 11 chủ đầu tư không bàn giao hoặc chậm, bàn giao không đầy đủ quỹ bảo trì 2% nhà chung cư cho Ban quản trị.

"Hiện nay, theo thống kê của Bộ Xây dựng, chưa địa phương nào chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra hình sự về việc này", Bộ trưởng cho biết.

Sau phần trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Mai Bộ đứng lên tranh luận lại về nội dung xử lý hành vi chiếm đoạt quỹ bảo trì chung cư. 

"Việc thanh tra Bộ Xây dựng không phát hiện ra chứng tỏ, hoặc là năng lực pháp luật của thanh tra yếu, hoặc là không làm hết trách nhiệm. Do vậy, tôi đề nghị nếu thanh tra xây dựng không phát hiện được việc đó thì mời ít nhất ba đại biểu Quốc hội tham gia thanh tra cùng," đại biểu Nguyễn Mai Bộ nói.

Đối với vấn đề tự ý chuyển đổi công năng, đại biểu Nguyễn Mai Bộ cho rằng, đây là câu chuyện hợp đồng vô hiệu theo Điều 126, 127 của Bộ luật Dân sự. Theo đó, phần biến diện tích chung thành của mình là phần vô hiệu.  Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nhìn nhận lại vấn đề này để bảo vệ quyền lợi cho người nghèo, chứ không phải là bảo vệ quyền lợi chủ đầu tư là người giàu.

"Dân chiếm đoạt 5 triệu đồng thì xử hình sự, chủ đầu tư hiện chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng một quỹ bảo trì ở chung cư thì không bị xử lý hình sự," đại biểu nói.

Trước đó, tại phiên chiều 4/6, đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) cũng đề cập tới thực trạng hiện nay, một số chủ đầu tư, có năng lực tài chính, năng lực chuyên môn kém nhưng vẫn được chấp thuận cho phép làm chủ đầu tư các chung cư. Vì thế, khi được giao quản lý quỹ bảo trì họ thường trây ì, không bàn giao lại cho ban quản trị mà chiếm dụng,

Trả lời ý kiến của đại biểu Lưu Văn Đức, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thừa nhận, một trong những nguyên nhân gây đến tranh chấp trong quản lý nhà chung cư là một số chủ đầu tư năng lực kém cho nên cố tình dây dưa không bàn giao quỹ bảo trì nhà chung cư để kiếm lợi nhuận bất hợp pháp, chậm nộp hồ sơ, chậm bàn giao hồ sơ, quỹ bảo trì, không thực hiện tốt nghĩa vụ bảo hành của mình...

"Đây là những hiện tượng có thực. Chúng tôi thấy rằng trong thời gian tới, giải pháp kiểm soát ngay từ khâu chúng ta giao cho đấu thầu hoặc giao thầu cho chủ đầu tư thì phải kiểm soát năng lực của chủ đầu tư theo đúng quy định", ông nói.

Bộ trưởng cho biết, theo Luật Kinh doanh bất động sản, năng lực của chủ đầu tư tham gia xây dựng bất động sản đã được quy định rất đầy đủ. Theo đó, Bộ trưởng đề nghị các địa phương trong quá trình thực hiện việc này chúng ta phải kiểm soát tốt hơn để bảo đảm năng lực của nhà đầu tư khi tham gia xây dựng các công trình bất động sản.

Phương Dung

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *