Bất động sản 12/09/2021 11:32

Chưa phải nhóm ngành ưu tiên, doanh nghiệp xây dựng nên tự cứu mình

Nhiều "ông lớn" trong ngành xây dựng đã đồng loạt kêu cứu. Song theo chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản nên tự cứu mình bằng cách tiết giảm chi phí.

Mới đây, hàng loạt doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng đã có văn bản gửi Hiệp hội các nhà thầu Xây dựng Việt Nam để kiến nghị với Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp xây lắp.

Theo đó, các doanh nghiệp này đã gửi đơn kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước gia hạn thời gian trả nợ/cơ cấu nợ ngân hàng, giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm tiền thuê đất phải nộp trong năm 2021 và các năm tiếp theo... và gia hạn, giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội trong năm để doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Ngoài kiến nghị hỗ trợ về thuế, lãi suất, nhóm doanh nghiệp này cũng kiến nghị cho phép người lao động được tiêm vắc xin, đến văn phòng, nhà máy làm việc để giải quyết các công việc hàng ngày.

Chưa phải nhóm ngành ưu tiên, doanh nghiệp xây dựng nên tự cứu mình - 1

Nhận định về việc xin hỗ trợ của các doanh nghiệp bất động sản xây dựng, chuyên gia kinh tế PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp bằng cách hạ lãi suất hay tái cơ cấu nợ là điều đáng và nên làm. Nhưng nếu Nhà nước "lệnh" cho các ngân hàng phải giảm lãi suất thì Nhà nước sẽ phải bù lại bằng ngân sách. Ngân hàng Nhà nước cũng phải đáp ứng yêu cầu khác của các ngân hàng thương mại như cung cấp lãi suất giá rẻ.

Thế nhưng, theo chuyên gia này, một thực tế hiện nay là huy động vốn của các ngân hàng thương mại cũng đang gặp khó khăn. Từ tháng 3 tới nay, nhiều ngân hàng đã phải tăng lãi suất huy động.

Ở chiều ngược lại, theo PGS Thịnh, trong điều kiện rủi ro hiện nay nhiều doanh nghiệp thậm chí không trả được nợ. Vì thế, chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay cũng phải tăng lên. Việc yêu cầu ngân hàng hạ thấp lãi suất càng thêm khó khăn.

Hiện nay, dù các ngân hàng đã hứa giảm lãi suất, nhưng chỉ có các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, vận tải, nhà hàng, khách sạn... mới được ưu tiên do gặp khó khăn kéo dài.

"Rõ ràng, các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng không nằm trong nhóm các ngành nghề được ưu tiên", ông Thịnh nói và chia sẻ thêm, thời gian vừa qua bùng nổ các đợt "sốt" đất tại nhiều địa phương khiến giá bất động sản tăng cao. Dù hiện giá bất động sản có giảm do ảnh hưởng của dịch, song mức giảm chưa tương xứng với mức tăng trong thời gian vừa qua.

Bởi vậy, theo quan điểm của chuyên gia này, việc hạ lãi suất hay tái cấu trúc cũng chỉ nên xem xét. Các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng vẫn nên tự vượt qua bằng cách tiết giảm chi phí.

Với kiến nghị giảm thuế đất, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, thuế đất mang tính chất lâu dài, còn khó khăn chỉ là tạm thời. Chính phủ không thể hạ một chính sách dài hạn để đáp ứng nhu cầu trong ngắn hạn, mà chỉ nên giãn, hoãn đóng thuế và bảo hiểm xã hội cho các doanh nghiệp xây dựng trong một khoảng thời gian.

Ngoài ra, theo ông Thịnh, việc các doanh nghiệp xây dựng xin được tiêm vắc xin sớm là không quá cấp thiết. Vì ngoài tuyến đầu chống dịch, vắc xin nên được ưu tiên cho những tỉnh có mật độ dân số cao hoặc các tỉnh có khu công nghiệp lớn là động lực tăng trưởng của cả nước.

Thế Hưng

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *