Bất động sản 10/07/2018 15:03

Chủ tịch Hà Nội: Chủ đầu tư vi phạm PCCC không được cấp phép dự án mới

Phát biểu tại hội nghị ngày 10/7, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, đối với những công trình vi phạm về PCCC, Ban cán sự Đảng UBND TP đã yêu cầu những chủ đầu tư có sai phạm mà chưa khắc phục thì sẽ không được cấp dự án mới...

Sáng 10/7, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến quý II-2018 với lãnh đạo quận, huyện, thị xã.

Báo cáo tại hội nghị về tình hình, kết quả tăng cường các biện pháp đảm bảo công tác phòng cháy và chữa cháy, ứng phó, khắc phục xử lý sự cố thiên tai và cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn Thành phố, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) Thành phố cho biết, qua điều tra cơ bản đến tháng 6/2018, toàn Thành phố có gần 500 nghìn nhà liền kề (dạng ống); 44.141 cơ sở (tăng 855 cơ sở so với năm 2017), trong đó có 8.234 cơ sở nguy hiểm về cháy nổ. 
 
Trong 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn Thành phố xảy ra 411 vụ cháy (2 vụ cháy lớn, 7 vụ cháy nghiêm trọng, 6 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng…) làm 4 người chết, 9 người bị thương, thiệt hại ước tính trên 263 tỷ đồng và 1,8ha rừng. Cùng thời gian này, trên địa bàn Thành phố cũng xảy ra 2 vụ nổ, làm 5 người bị thương, thiệt hại về tài sản 325 triệu đồng (so với cùng kỳ năm 2017 giảm 1 vụ, giảm 3 người chết, tăng 1 người bị thương, thiệt hại tài sản giảm gần 100 triệu đồng).

 
Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC nhận định, tình hình cháy nổ trong thời gian qua còn diễn biến phức tạp, vẫn xảy ra các vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, tập trung ở những cơ sở sản xuất, kinh doanh xen cài trong khu dân cư hoặc nhà dân kết hợp kinh doanh, dịch vụ…

Nguyên nhân do quá trình đô thị hóa nhanh, gia tăng về quy mô và diện tích các công trình như khách sạn, tổ hợp văn phòng, các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, cùng với sự gia tăng về dân số cơ học, các nguyên, nhiên liệu, chất dễ cháy được sử dụng ngày càng gia tăng và đa dạng…
 
Bên cạnh đó, nhận thức của nhiều người dân về PCCC còn hạn chế, còn lơ là, chủ quan, chưa chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật về PCCC; việc đầu tư cho hệ thống PCCC tại chỗ ở nhiều nơi còn mang tính hình thức, đối phó, còn nhiều vi phạm về PCCC chậm được khắc phục. Công tác tuyên truyền về PCCC chưa đáp ứng yêu cầu; công tác nắm địa bàn, việc kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm về an toàn PCCC còn chậm và để lọt, để sót; công tác PCCC, cứu nạn cứu hộ cơ sở chưa phát huy được phương châm “4 tại chỗ”.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam,  Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội cần xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong công tác này. Nếu ở đâu người đứng đầu quyết liệt thì ở đó mới có thể giảm thiểu được cháy nổ.

Phân tích những nguyên nhân tồn tại trong công tác PCCC, ông Nguyễn Hoài Nam nêu, theo quy định, các toà nhà phải đầu tư đảm bảo các quy định về PCCC mới được đưa dân vào ở. Một số các cơ sở kinh doanh chỉ chăm chăm thu lợi nhuận, không quan tâm PCCC. Chính quyền chưa quan tâm, chưa làm hết trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC, các cơ sở karaoke vẫn đèn sáng, biển quảng cáo bịt kín, chuồng cọp vẫn tồn tại ở các chung cư...là nguyên nhân tiềm ẩn cháy nổ.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, đối với những công trình vi phạm về PCCC, Ban cán sự Đảng UBND TP đã yêu cầu những chủ đầu tư có sai phạm mà chưa khắc phục thì sẽ không được cấp dự án mới, nhờ đó, tiến độ khắc phục vi phạm về PCCC có chuyển biến.

Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP đề nghị các quận, huyện rà soát lại toàn bộ công cụ, vật tư, phương tiện phục vụ PCCC và cứu nạn, cứu hộ; xây dựng phương án, kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể trong thực hiện công tác này.

Nguyễn Mai

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *