Bất động sản 06/02/2015 15:50

Chính thức thông xe toàn tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây từ 8/2

FICA - Việc đưa vào khai thác toàn tuyến cao tốc dài 55 km sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian đi các vùng lân cận TPHCM.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Lễ thông xe và đưa vào khai thác đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây sẽ được tổ chức vào sáng ngày 8/2/2015 tại trạm thu phí Dầu Giây (Km 52+300) thuộc địa bàn huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Đây là tuyến đường cao tốc nằm trên tuyến đường bộ cao tốc phía Đông thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam từ TPHCM nối Quốc lộ 51, sân bay quốc tế Long Thành và Quốc lộ 1A. 

Dự án đi qua địa phận của TPHCM và tỉnh Đồng Nai, được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư từ năm 2007 và giao Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam làm chủ đầu tư. 

Dự án Đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây có tổng chiều dài toàn tuyến là 55 km và được chia làm hai dự án thành phần với tổng mức đầu tư giai đoạn I là 20.630 tỷ đồng từ vốn vay thương mại (OCR) của ADB (276,8 triệu USD), vốn vay ODA của JICA (640,3 triệu USD) và vốn đối ứng của Việt Nam.

Dự án thành phần I (Đoạn An Phú – Vành đai II) được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị, tốc độ thiết kế 80 km/h; quy mô giai đoạn I: 4 làn xe, chiều rộng nền đường 26,5m, mặt đường rộng 2x7,5m và 02 làn dừng khẩn cấp 2x3m. Dự án thành phần II (Đoạn Vành đai II - Long Thành - Dầu Giây) được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120km/h, riêng cầu Long Thành tốc độ thiết kế 100 km/h; quy mô mặt cắt ngang giai đoạn I: 4 làn xe, chiều rộng nền đường là 27,5m, phần mặt đường rộng 2x7,5m và 02 làn dừng xe khẩn cấp 2x3m.


Dự án xây dựng 4 nút giao, 01 trung tâm điều hành với hệ thống ITS, 03 trạm thu phí, 1 trạm dừng nghỉ. Xử lý đất yếu với chiều dài 18 km bằng các biện pháp tiên tiến như áp dụng những công nghệ mới, mới được áp dụng tại Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian thi công như: cọc đất gia cố xi măng, bơm hút chân không, độ lún có khu vực đến 2,4m…

Trước đó, ngày 2/1/2014 đoạn từ Vành đai II đến Quốc lộ 51 dài 20km đã thông xe đưa vào khai thác; ngày 10/1/2015 đưa vào khai thác thành phần I của Dự án dài 4 km từ Nút giao An Phú (quận 2) đến nút giao Vành đai II (quận 9) vượt tiến độ thi công 6 tháng. Sau 1 năm đưa vào khai thác, đoạn tuyến đã đảm bảo phục vụ cho hơn 5 triệu lượt phương tiện lưu thông an toàn và thông suốt. Tiếp theo đây, đoạn từ Nút giao Quốc lộ 51 đến Nút giao Dầu Giây dài 30km sẽ được đưa vào khai thác. Như vậy, 9/9 gói thầu được thông xe với chiều dài 55 km đường cao tốc của Dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác.

Việc đưa vào khai thác toàn tuyến cao tốc dài 55 km sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian đi các vùng lân cận TPHCM. Từ TPHCM đi Ngã ba Dầu Giây (giao Quốc lộ 1A và hướng đi Liên Khương) theo lộ trình cũ hiện nay dài khoảng 70 km, mất 3 giờ đồng do thường xuyên ùn tắc trong khi đi theo đường cao tốc sẽ rút ngắn được 20km và thời gian lưu thông chỉ còn 1 giờ;

Đi huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai hiện nay dài khoảng 45 km, mất khoảng 60 phút nay rút ngắn khoảng cách xuống còn khoảng 22 km với thời gian lưu thông chỉ còn khoảng 20 phút và đi Vũng Tàu hiện nay dài khoảng 120 km, thời gian lưu thông hơn 2,5 giờ trong khi đi đường cao tốc sẽ rút ngắn khoảng cách xuống còn khoảng 95km với thời gian lưu thông chỉ còn khoảng 1 giờ 20 phút do rút ngắn được quãng đường và chất lượng lưu thông được đảm bảo không ùn tắc.

Phương Dung

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *