Chính sách 10/04/2018 10:16

‘Giải cứu’ nhà thầu xây dựng trước cơn biến động giá cát

Giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là cát liên tục biến động trọng thời gian qua, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng, tiến độ của nhiều dự án đầu tư, xây dựng. Chính phủ vừa “lệnh” cho 6 bộ ngành cùng nhiều địa phương trong cả nước cùng tham gia tháo gỡ.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của tại cuộc họp mới đây với đại diện của 6 bộ ngành gồm Xây dựng, Tài chính, Công Thương, Khoa hoạc và Công nghệ, Kế hoạch Đầu tư, Tài nguyên Môi trường và Tư Pháp liên quan đến tình hình giá cát xây dựng biến động lớn ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng xây dựng thời gian qua.

Theo đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận thực tế, thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng về tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên cát, sỏi. Qua đó đã góp phần giảm thiểu việc khai thác trái phép, sử dụng lãng phí nguồn tài nguyên, tác động xấu đến môi trường,  ảnh hưởng kinh tế - xã hội và đời sống của người dân địa phương.

Tuy nhiên, do số lượng và trữ lượng các mỏ cát dần cạn kiệt, một số địa phương có nhu cầu sử dụng cát lớn nhưng không có nguồn cát tại chỗ. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đối với công tác quản lý khai thác sử dụng cát và tài nguyên, chưa có biện pháp ngăn chặn đầu cơ, tích trữ cát xây dựng trái phép. Bên cạnh đó, các chủ dự án công trình và chính quyền địa phương còn bị động trong việc cân đối nguồn cung cấp cát… dẫn đến giá cát xây dựng biến động lớn ảnh hưởng đến tiến độ các dự án đầu tư xây dựng và các hợp đồng theo đơn giá cố định, hợp đồng trọn gói.

Để gỡ khó cho nhà thầu xây dựng trước mắt cũng như lâu dài, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan tăng cường triển khai thực hiện Quyết định số 452 của Thủ tướng phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng, trong đó có sử dụng tro, xỉ làm vật liệu san lấp thay thế cát tự nhiên.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cần phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành ngay trong Quý I/2018 “Chỉ dẫn kỹ thuật sử dụng tro, xỉ nhiệt điện trong san lấp cho công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp”. Đồng thời, nghiên cứu sử dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu xây dựng và san lấp; Hoàn thiện, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật sử dụng cát nhân tạo làm vật liệu xây dựng.

Đối với các hợp đồng theo đơn giá cố định, hợp đồng trọn gói bị ảnh hưởng do giá cát biến động, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các Bộ, ngành liên quan rà soát, đánh giá về khối lượng, giá trị các hợp đồng cần điều chỉnh giá để báo cáo Thủ tướng.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
dự báo tình hình bồi lắng cát tại các con sông, luồng lạch, cửa sông, cửa biển đề xuất giải pháp quản lý và khai thác cát, sỏi không làm sạt lở bờ sông, bờ biển. Bộ Tài chính cần nghiên cứu, sửa đổi Thông tư số 44 của Bộ Tài chính ngày 12/5/2017 quy định về khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau phù hợp với thực tế tại địa phương ; nghiên cứu chính sách thuế để ưu tiên phát triển việc sản xuất, sử dụng các loại cát nhân tạo và vật liệu thay thế cát tự nhiên.

Riêng UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phó Thủ tướng yêu cầu cần rà soát, tính toán cân đối cung cầu cát sỏi xây dựng làm vật liệu san lấp. Tăng cường quản lý hoạt động khai thác và tiêu thụ cát xây dựng tại địa phương.

Hiện nay, cát chiếm tỷ lệ rất lớn trong toàn bộ khối lượng công trình, nên với biến động khó lường như hiện nay, lợi nhuận của các nhà thầu xây dựng đang rất bấp bênh. Khi trao đổi với Dân Trí, nhiều nhà thầu xây dựng cho biết, đối phó với kinh phí phát sinh rất lớn từ giá cát đã khó, tìm phương án thay thế bởi cát nhân tạo càng khó hơn. Thứ nhất, giá cát nhân tạo vốn dĩ đã rất cao, thường không phải là lựa chọn phổ biến để xây dựng. Thứ hai, đối với các công trình đang thi công, việc thay thế vật liệu là cực kỳ tối kỵ vì tính an toàn, đồng bộ. “Kể cả nếu có lựa chọn thay thế vật liệu thì công đoạn test, nghiệm thu tính phù hợp phải mất ít nhất 2 tuần. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ công trình.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển VLXD của Thủ tướng, nhu cầu cát xây dựng của nước ta năm 2015 là 92 triệu m3/năm và năm 2020 tăng lên 130 triệu m3/năm. Nhiều chuyên gia nhận định để đáp ứng nhu cầu này về lâu dài rất khó bởi cát là nguồn tài nguyên ít tái tạo.

Trước đó, nhiều địa phương đã có văn bản đề nghị tháo gỡ khó khăn đối với các hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định vì khi giá cát biến động nhà thầu trở tay không kịp.


H.Anh 

Chuyên mục: Chính sách

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *