Chính sách 19/04/2014 06:52

Nhà ở thương mại chỉ được cấp phép khi Thủ tướng chấp thuận

FICA - “Dự án nào khi trình bày cũng thấy “ngon” nhưng lúc triển khai thì lại điệp khúc “sorry”. Dù có nói việc chuẩn bị đã triển khai, tiền đầu tư trước giai đoạn chờ xin cấp phép đã nhiều mà lại bị dừng thì cũng đành chịu” - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói.

Sáng 18/4, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì phiên họp lần thứ XIII của Ban Chỉ đạo TƯ về chính sách nhà ở và thị trường BĐS. Vấn đề dừng cấp phép mới dự án nhà thương mại trong năm 2014 là chuyện thời sự được thảo luận, mổ xẻ trong cuộc họp.
 
 
Dừng cấp phép dự án nhà thương mại để dồn lực tái cơ cấu thị trường (Ảnh minh họa)
Dừng cấp phép dự án nhà thương mại để dồn lực tái cơ cấu thị trường (Ảnh minh họa) 
 
 
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng nhận xét, tình hình thị trường BĐS có biến động tích cực. Giao dịch nhà đất, không chỉ ở phân khúc nhà giá rẻ mà các dự án chung cư trung, cao cấp gần trung tâm Hà Nội, có quản lý hạ tầng tốt cũng thanh khoản nhanh dù giá trị căn hộ rất lớn.

Tuy nhiên, ông Hùng nhìn nhận, thị trường vẫn rất khó khăn vì nguồn tồn kho lớn. Số liệu hàng tồn kho thậm chí mới chỉ thống kê được đến số sản phẩm chưa hoàn thành, chưa giao dịch trong khi thực tế, còn rất nhiều những khu chung cư, những lô biệt thự, đất nền mà nhà đầu tư thứ cấp đã mua lại nhưng cũng bỏ dở dang, bỏ hoang. Rất nhiều khu chung cư tối đến chỉ thấy vài ba căn hộ sáng đèn.

Từ thực tế này, ông Hùng nhất trí với đề xuất của Bộ Xây dựng gửi lên Chính phủ về việc ngừng cấp phép các dự án nhà thương mại mới trong năm 2014. Tuy nhiên, chủ tịch Tổng Hội Xây dựng kiến nghị đưa ra tiêu chí cụ thể với những dự án nhất quyết không cấp phép hay những dự án dang dở buộc phải thu hồi để vẫn có “cửa” cho những dự án mới trong khu vực trung tâm, có khả năng tiêu thụ tốt.
 

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Trung Tín lại cho rằng, dù chia sẻ với bức xúc của Bộ Xây dựng khi dự án triển khai tràn lan, “chết” tràn lan, không quản lý được, cần tạm ngưng cấp phép dự án mới nhưng việc giải quyết hậu quả những dự án tồn kho không liên quan đến vấn đề xét phép cho dự án mới. Ngừng cấp phép, theo ông Tín, sẽ gây không ít khó khăn, hệ quả quả khác khi nhiều dự án đã được chuẩn bị mặt bằng, thủ tục vài năm qua, giờ đến khâu chốt sau cùng là xin giấy phép triển khai thì bị đình lại.

Ông Tín so sánh, việc ngưng hoàn toàn dự án mới lúc này cũng không khác một hoạt động “đóng băng” mới với thị trường. Vị Phó Chủ tịch TPHCM đề nghị vừa thúc giải quyết các dự án cũ nhưng cũng không “cực đoan” với dự án mới.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cũng nêu quan điểm, thay vì không cấp phép đầu tư dự án nhà thương mại mới thì Hà Nội đề nghị chỉnh chính sách, yêu cầu địa phương tăng cường rà soát, kiên quyết dừng những dự án chậm tiến độ vì thiếu nguồn lực. Còn nếu dự án khó khăn trong giải phóng mặt bằng thì cho phép điều chỉnh quy mô, tiến độ và nhà đầu tư khi đó phải chứng minh năng lực triển khai dự án.

Như thế, hướng điều chỉnh đưa ra là “nhắm”… xử những dự án cũ không đảm bảo chứ không phải “chặn” dự án mới.

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng giải thích, số dự án được cấp phép vừa qua quá lớn so với nhu cầu thực của thị trường và khả năng thanh toán của nền kinh tế. Tính chung cả nước có khoảng 4000 dự án nhà thương mại với 102 ngàn ha đất được cấp phép triển khai.

Tại Hà Nội, TPHCM, số dự án chưa thực hiện rất nhiều. Vì vậy, Bộ trưởng Xây dựng cho rằng, cần tập trung xử lý tồn kho đối với số dự án này (bằng cách chuyển sang cơ cấu lại dự án), đồng thời xem xét dừng một số dự án.
 
 
“Có cho làm thêm thì giờ cũng không có thị trường. Nhà thương mại bung ra tràn lan làm cho thị trường quá khó khăn. Nhiều dự án đã có phép mà cũng chưa triển khai, nhà đầu tư chưa làm cũng vì không có thị trường. Vậy không lý gì lại làm tiếp dự án mới trong lúc này” - Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng lưu ý thêm, việc tạm dừng cấp phép dự án mới cũng chỉ trong năm 2014.
 

Hơn nữa, không phải chính sách “chặn hết các cửa” mà vẫn đề xuất những dự án đặc biệt, được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư thì vẫn được cấp phép triển khai.

Thống nhất quan điểm này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải “chốt” chủ trương rà soát dự án, ưu tiên dành nguồn lực để giải quyết BĐS tồn kho.

“Dự án mới thì phải rất đặc biệt mới được phép làm vì ngay cả giai đoạn trước cũng vậy, dự án nào khi trình bày cũng thấy “ngon” lắm nhưng lúc triển khai thì đùng một cái đọng lại, lại điệp khúc “sorry”. Dù có nói việc chuẩn bị đã triển khai, tiền đầu tư trước giai đoạn chờ xin cấp phép đã nhiều mà lại bị dừng thì cũng đành chịu. Nếu không dồn tín dụng giải quyết số dự án tồn kho hiện tại thì không gỡ được khó khăn cho thị trường, cho nền kinh tế” - Phó Thủ tướng cương quyết.

Phó Thủ tướng lưu ý, những dự án mới trình Thủ tướng thì giao cho Bộ Xây dựng kiểm tra, rà soát nghiêm túc, cẩn trọng.

P.Thảo
Chuyên mục: Chính sách

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *