Bất động sản 21/07/2021 11:02

Bỏ quê lên phố làm "cò" đất, cô gái uất ức vì gặp ngay mảng tối trong nghề

Không ít người vẫn nghĩ rằng môi giới bất động sản là nghề hào nhoáng, dễ dàng kiếm được nhiều tiền sau mỗi cú "chốt". Nhưng thực tế không phải như vậy...

Bỏ quê lên phố làm cò đất, cô gái uất ức vì gặp ngay mảng tối trong nghề - 1

Trong môi trường cạnh tranh rất khốc liệt, các môi giới bất động sản phải luôn vận động nếu như không muốn bị hất văng ra khỏi thị trường.

Cô gái "ngã ngửa" vì những mảng tối trong nghề

Không ít người vẫn nghĩ rằng môi giới bất động sản là nghề hào nhoáng, dễ dàng kiếm được nhiều tiền sau mỗi cú "chốt". Song qua tâm sự của chính những người trong nghề mới thấy, có nhiều mảng tối bên cạnh những hào nhoáng mà họ phải đối mặt.

Tâm sự trong một nhóm kín chuyên "review" về các công ty và công việc đã từng trải qua, một bạn nữ trẻ cho biết đã từng bỏ quê lên Sài Gòn xa xôi sau khi nhận được tuyển dụng của một công ty bất động sản.

Ngỡ tưởng mọi thứ được vẽ ra với rất nhiều gam màu hồng nhưng bạn gái với cái tên B.C cho biết, thời gian công việc không gò bó, cơ hội kiếm tiền cũng có nhưng lại... "thất đức".

B.C kể, công việc chính là đăng tin bán nhà, bán đất qua nhiều kênh với nhiều phương thức khác nhau với giá rẻ rồi sau đó hẹn khách lên điểm hẹn ở các dự án như Long Thành (Đồng Nai), Bình Dương…

"Tìm mọi cách dụ người ta đặt cọc khoảng 100 triệu đồng nhưng rồi sau đó không có sổ sách gì hết. Ban đầu tôi không chịu làm, muốn nghỉ việc nhưng mấy đồng nghiệp bảo cứ làm đi chỉ cần kiếm khách đến thôi mình không cần làm gì nữa hết. Những ngày tháng đó mình nhìn thấy những cô chú bằng tuổi ba tuổi mẹ mà tôi phải đưa đi dự án đi đến nơi họ không có nhu cầu để mua, nhìn họ bị lừa gạt mình rất xót xa", B.C kể lại.

Nữ "cò" này cho biết, lương cơ bản nhận được chỉ có 4,5 triệu đồng/tháng nhưng còn bị trừ một số khoản khác. "Hàng thì cũng có bán được nhưng cuộc đời đâu phải màu hồng, mình chịu áp lực từ những người họ bị lừa về nhắn tin chửi rủa, trong khi sếp thì bắt phải lấy được cọc của khách, vô cùng áp lực", B.C cho biết sau đó đã xin nghỉ. Nhưng khá đen đủi, hai công ty B.C làm cũng có những uất ức na ná như vậy.

"Sau hai năm mình làm nghề đó, giờ tôi cảm thấy vô cùng hối hận. Khi vào công ty như này đôi khi mình sẽ bị lôi cuốn vào vòng xoáy mà không nhận ra mình tàn nhẫn thế nào đâu, vừa mất thời gian vừa không có tiền, nếu vào đó có bán được lô nào cũng phải chia chác", B.C tâm sự.

Theo B.C, với những ai đang loay hoay tìm việc và có ý định làm nhân viên môi giới bất động sản nên cẩn thận, tìm kiếm công ty uy tín để làm, tránh bị lôi vào những vòng xoáy tiền bạc rồi làm ăn thất đức.

Đáng nói, sau hai năm lăn lộn làm bất động sản với mức lương 4-5 triệu đồng/tháng cùng những cơ hội về hoa hồng nhưng B.C cho biết, hiện tại vẫn còn khoản nợ ngân hàng mấy chục triệu đồng chưa trả xong.

Môi trường vô cùng khốc liệt

Không chỉ thu hút những bạn trẻ không có công ăn việc làm ổn định ở quê lên phố với hy vọng đổi đời, nhiều người dù tốt nghiệp đại học với các chuyên ngành khác cũng hào hứng trước cuộc sống xa hoa của một số người làm cò đất rồi quyết tâm theo nghề.

Để kiếm khách hàng, nhiều người tìm đủ mọi cách như đã phải đi phát tờ rơi, gọi điện, nhắn tin… tới cả trăm người. "May mắn lắm mới có 5-7 người quan tâm thông tin dự án, chỉ cần 1-2 người đồng ý gặp để tư vấn, tôi cũng thấy hạnh phúc", một nhân viên môi giới tâm sự và cho biết việc bị khách từ chối là thường xuyên, thậm chí còn bị "ăn chửi".

Trong "tâm thư" chia sẻ về những khó khăn của nghề môi giới mới đây, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết nghề này luôn phải chịu đựng áp lực, cạnh tranh khốc liệt, thậm chí cả những sự bất công đối với sàn giao dịch để có thể nhận được dự án, sản phẩm bất động sản.

"Trong khi đó, đối với môi giới bất động sản họ cũng không phải ngoại lệ khi tham gia là nhân viên sàn giao dịch. Ngoài được hưởng thù lao thấp, họ còn phải tự bỏ chi phí để quảng cáo, để làm marketing tiếp thị cho sản phẩm. Thậm chí họ còn phải lo vốn hùn hạp cùng chủ sàn giao dịch để ký cược cho chủ dự án. Thậm chí còn phải tự giảm giá (chia cho khách một phần hoa hồng được hưởng) để bán hàng cho khách (hay gọi tắt là cắt máu)", ông Đính chia sẻ.

Cũng theo vị này, trong môi trường cạnh tranh rất khốc liệt, các môi giới bất động sản phải luôn vận động nếu như không muốn bị hất văng ra khỏi thị trường. May mắn được vào làm ở những sàn giao dịch uy tín, có nhiều nguồn sản phẩm để bán thì họ phải đối mặt cạnh tranh nội bộ. Vì những sàn giao dịch này thường rất đông nhân viên, cạnh tranh giành giật khách hàng diễn ra rất khốc liệt.

Nguyễn Khánh

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *