Bất động sản 06/03/2014 08:25

Bộ GTVT "cấm cửa" hàng loạt nhà thầu yếu

Nhiều nhà thầu nằm trong danh sách “đen” đã bị Bộ GTVT cấm đấu thầu, không xem xét chỉ định thầu các công trình dự án giao thông. Đây là động thái quyết liệt làm trong sạch đội ngũ nhà thầu tham gia xây dựng các công trình hạ tầng GTVT.

Có “số má” vẫn bị liệt danh sách “đen”

Theo kết luận của Thanh tra Bộ GTVT mới đây, một loạt nhà thầu thi công các dự án đường Hồ Chí Minh, các dự án thuộc Sở GTVT Cần Thơ và Lai Châu đã bị cấm đấu thầu, không xem xét chỉ định thầu. Thanh tra Bộ GTVT cũng lưu ý các đơn vị liên quan  phong tỏa tài khoản của các nhà thầu này. Không những vậy, 2 tư vấn giám sát hiện trường và 1 kỹ sư thường trú cũng bị Thanh tra đình chỉ công tác.

Đáng chú ý, trong bảng danh sách “đen” nhà thầu của Thanh tra Bộ GTVT có cả những cái tên “có số, có má” trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Trong đó có thể kể ra những cái tên như: Công ty COMA 3, Công ty CP ĐTXD Hà Nội số 44, Công ty CP Tập đoàn xây dựng Thăng Long, Công ty CP Cơ khí xây dựng công trình 623. Riêng Công ty COMA 3 còn bị phong tỏa tài khoản.

Liên quan đến các dự án thuộc Sở GTVT Cần Thơ quản lý, cũng có nhiều đơn vị vi phạm. Trong số này có nhiều đơn vị danh tiếng như: Công ty CP bê tông 620 Châu Thới, Công ty Thành An 119 bị cấm đấu thầu trong vòng 2 năm. Bên cạnh đó, hàng loạt các đơn vị khác như: Công ty CP Xây dựng Vinashin, Công ty CP TRACO Hậu Giang, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xây dựng Mạnh Hà, Công ty TNHH xây dựng giao thông Hoàng Mai, Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình Hoàng Nguyên, Công ty CP Kiến trúc và Xây dựng thương mại Mekong miền Tây, Công ty TNHH Tư vấn & Xây dựng công trình 747, Công ty CP TVTKXD Nam Việt… cũng bị cấm đấu thầu do vi phạm.

Lý giải việc hàng loạt đơn vị bị cấm đấu thầu này, ông Nguyễn Văn Huyện - Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho biết, các đơn vị trên năng lực đều có hạn, không xuất trình được đầy đủ các biên bản, giấy tờ, thủ tục thanh tra yêu cầu. Các công trình do các nhà thầu này thi công không đảm bảo tiến độ hoặc không có trách nhiệm trong thực hiện hợp đồng. Bên cạnh đó, ban chỉ huy công trường của các công ty trên không có tên như trong hồ sơ dự thầu, chưa có văn bản chấp thuận của chủ đầu tư, thiếu bản kê năng lực kinh nghiệm...

Cũng theo ông Huyện: “Lệnh cấm này có hiệu lực ngay từ năm 2014. Thời gian tới, Thanh tra Bộ GTVT sẽ làm quyết liệt hơn công tác thanh, kiểm tra các dự án. Nếu các ban quản lý dự án, các nhà thầu và các đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện chậm kết luận thanh tra, sẽ không cấp vốn quản lý nữa, hoặc không cho tham gia đấu thầu”.
 
Sẽ công khai danh sách nhà thầu yếu năng lực

Liên quan đến lệnh cấm các nhà thầu yếu kém và vi phạm các thủ tục, thi công các dự án giao thông, ông Trần Xuân Sanh - Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT cho biết, đơn vị này sẽ cập nhật và công khai danh sách các nhà thầu không đủ năng lực, chây ỳ trong quá trình thi công. Bên cạnh đó, Cục QLXD&CLCTGT sẽ đẩy mạnh việc thu hồi thiệt hại từ các dự án qua kết quả phát hiện được của Thanh tra Bộ GTVT. Mục tiêu của Bộ GTVT trong năm 2014 là đổi mới, quyết liệt, chất lượng, hiệu quả, tăng tốc và phát triển hơn nữa nên mọi hành vi vi phạm đều sẽ bị xử lý nghiêm để nâng cao tiến độ, chất lượng công trình.

Ông Sanh cho biết thêm, theo bảng đánh giá xếp loại các nhà thầu của Bộ GTVT, nếu nhà thầu không mắc lỗi và có ít nhất một tiêu chí đánh giá đáp ứng vượt yêu cầu trên tổng số các gói thầu mới được xếp loại nhà thầu xây lắp đáp ứng vượt yêu cầu. Nhà thầu bị phát hiện có từ 6 lỗi trở lên trong một gói thầu hoặc tổng số lỗi trên các gói thầu vượt quá 20 lỗi đều sẽ bị xếp hạng nhà thầu chưa đáp ứng yêu cầu.

Cũng theo ông Sanh, theo quy trình cứ mỗi 6 tháng sẽ cập nhật danh sách một lần và công khai trên website của Cục. “Tới đây, chúng tôi cũng sẽ nhân rộng hơn nữa công tác đánh giá năng lực các nhà thầu, loại bỏ các nhà thầu yếu kém, từ đó nâng cao chất lượng cũng như tiến độ các công trình giao thông” - ông Sanh nói.

Đồng quan điểm phải làm quyết liệt để loại bỏ các nhà thầu yếu kém, ông Phan Quốc Hiếu - Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Thăng Long cho rằng, để đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình thì việc Bộ GTVT siết chặt quản lý là điều đương nhiên. Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng nên phân chia rõ ràng các mức độ khác nhau. Với các vi phạm nặng như: Bớt xén, chất lượng công trình kém, năng lực nhà thầu yếu… thì phải cấm tiệt, không cho phép đấu thầu. Còn với những lỗi nhẹ hơn về kỹ thuật, không cố ý có thể xem xét trừ điểm, đánh tụt hạng khi xếp hạng năng lực nhà thầu hàng năm.
 

Theo Đ.Thắng - A.Thiện

Giao thông Vận tải


 

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *