Bất động sản 01/07/2021 10:35

Bất chấp dịch bệnh, giá nhà vẫn tăng “phi mã”

Dịch bệnh Covid-19 kéo dài tác động đến hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống. Dù vậy, những khó khăn do dịch bệnh tác động cũng không khiến cho thị trường bất động sản “giảm sốt”, khi mà giá nhà ở vẫn có xu hướng tăng mạnh. Giới chuyên gia dự báo, năm 2021 này, giá nhà sẽ tiếp tục tăng thêm 10-15% so với năm 2020.

Giá nhà đất vẫn “sốt”

Con số thống kê của Bộ Xây dựng cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2021, thị trường bất động sản (BĐS) tiếp tục kéo dài chu kỳ giảm sút về số lượng dự án và nguồn cung mới sản phẩm, bởi những ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 ở Việt Nam. Tuy nhiên, những khó khăn về kinh tế lại không hề khiến giá nhà “hạ nhiệt” trong thời gian qua, ngược lại vẫn liên tục gia tăngc gia tăng. Mặc dù nhà quản lý đã có những động thái can thiệp quyết liệt, song theo dự báo của giới chuyên gia bất động sản, giá nhà từ nay đến cuối năm sẽ vẫn tiếp tục tăng ở mức cao, từ 10-15%.

Khảo sát một số khu vực ở TP. Hà Nội cho thấy, giá nhà đất đang nhích lên mỗi ngày. Tại khu vực Đông Anh, giá đất tăng trung bình 14,5% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá căn hộ chung cư vẫn luôn “neo” ở mức 30-35 triệu đồng/m2. Theo nhận định của các chuyên gia ngành địa ốc, từ đầu năm đến nay, tại Hà Nội không có dự án nhà ở thương mại nào được đưa ra thị trường với mức 25 triệu đồng/m2. Còn tại TP Hồ Chí Minh mức giá thấp nhất đang ghi nhận là 35 - 40 triệu đồng/m2, cá biệt một số dự án căn hộ ngoại ô TP Hồ Chí Minh, như: Nhà Bè, Bình Chánh... ở các dự án: Masteri Centre Point, Vinhomes Grand Park, The 9 Stellars, Conic Boulevard, Stella En Tropic... giá bán được rao xung quanh  mức 45 triệu đồng/m2.

 

Chưa dừng lại ở đó, ghi nhận tại 2 TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay nhiều dự án bất động sản đã được rao bán với giá “khủng”, có nơ lên tới 300 triệu đồng/m2, đơn cử dự án Kiến Hưng (Hà Nội) được rao bán ở mức 200-250 triệu đồng/m2, dự án Him Lam (Hà Nội) có giá lên tới 300 triệu đồng/m2. Tại TP Hồ Chí Minh, giá nhà chung cư tại nhiều quận nội thành cũng “lên cơn sốt” khi nhiều dự án bám quanh mốc 100-150 triệu đồng/m2.

Những diễn biến nói trên cho thấy, dường như dịch bệnh không khiến cho thị trường bất động sản trầm lắng giống như nhiều ngành, lĩnh vực khác. Ngược lại, thêm phần “nóng” hơn. Thực tế này khiến cho giới chuyên gia bày tỏ lo ngại, người thu nhập thấp càng thêm khó có cơ hội mua được nhà giá thấp tại hai “đầu tàu” này.

Tìm giải pháp “hạ nhiệt”

Nêu lên nguyên nhân của sự gia tăng giá nhà ở đến mức chóng mặt này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, chủ yếu là do sụt giảm mạnh nguồn cung dự án nhà ở, thiếu sản phẩm nhà ở, nhất là căn hộ có giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội.

Cụ thể, theo vị chuyên gia, không chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2021 trong vòng hai năm qua, tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh gần như không có dự án mới được phê duyệt. Các dự án đô thị và nhà ở tại địa phương đã được phê duyệt chủ trương đầu tư từ giai đoạn trước cũng gặp nhiều khó khăn ở tất cả khâu, như: Quy hoạch, cấp phép xây dựng, đủ điều kiện tham gia thị trường... “Nguồn cung khan hiếm là một trong những nguyên nhân đẩy giá nhà đất lên cao, trong khi nhu cầu lại không hề giảm” – ông Châu nhận định.

Một nguyên nhân khác nữa, đó là do giá nguyên vật liệu xây dựng tăng phi mã trong thời gian qua. Cụ thể, theo số liệu của cơ quan chức năng, chỉ tính riêng trong quý I/2021, giá sắt thép đã tăng xấp xỉ 50% so với cuối năm 2020, vật liệu xây dựng khác, như: Xi măng, cát, gạch... cũng tăng tương ứng 30 - 35%. Vào thời điểm cuối tháng 6/2021, dù giá sắt thép, vật liệu xây dựng đã giảm tuy nhiên, vẫn cao hơn thời điểm cuối năm 2020 từ 35 - 40%. Thực trạng này khiến cho các chủ đầu tư buộc phải điều chỉnh giá bán nhà tăng tương ứng mới có thể đảm bảo lợi nhuận. Chính bởi vậy, giá nhà thời gian qua vẫn tiếp tục theo chiều hướng đi lên.

Giới chuyên gia dự báo, giá nhà vẫn tiếp tục tăng khi chu kỳ tăng trưởng của thị trường chưa kết thúc. Năm 2021, giá nhà sẽ tiếp tục tăng khoảng 10-15% so với năm 2020.

Nhằm “hạ nhiệt” cơn sốt giá nhà, đất, Bộ Xây dựng mới đây đã ban hành văn bản đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện việc công bố thông tin liên quan về nhà ở, thị trường BĐS quý II/2021 và báo cáo về giải pháp, kết quả xử lý hiện tượng giá đất “sốt” đất thời gian qua. Đồng thời Bộ này cũng yêu cầu xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản, vi phạm pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản... Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nhà quản lý cần có giải pháp thiết thực nhằm hạ nhiệt cơn sốt giá trên thị trường vật liệu xây dựng, bên cạnh đó là tạo sự thông thoáng trong môi trường pháp lý để làm sao tạo được sự cân bằng cung – cầu, khi cầu không vượt quá cung, lúc đó tự khắc giá nhà ở sẽ được hạ nhiệt.

Thế Hưng

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *