Bất động sản 09/04/2014 08:33

"Chưa thể nói sốt đất trở lại sau 7-8 năm trầm lắng"

FICA - Giới quan sát hầu hết đều cho rằng thời điểm hiện tại khó có thể khẳng định bất động sản sẽ sốt lại sau 7-8 năm trầm lắng như theo đánh giá trước đó của Bộ Xây dựng.

Theo thông tin đưa ra tại đề án phát triển thị trường bất động sản do Bộ Xây dựng vừa hoàn tất, nhìn chung thị trường bất động sản ở nước ta khoảng 7-8 năm lại xuất hiện một đợt sốt về giá và lượng giao dịch. Đơn cử như vào các năm 1993, 2000, 2007 những biến động chủ yếu xảy ra tại một số thành phố lớn.

Bộ Xây dựng cho rằng, để xảy ra tình trạng sốt nhà đất là do trong một thời gian dài việc đầu tư cấp phép dự án được thực hiện tràn lan, doanh nghiệp đổ xô vào đầu tư bất động sản khiến thị trường phát triển không cân xứng. Trong khi đó, đầu cơ bất động sản diễn ra phổ biến cũng dẫn đến việc tạo ra cung ảo trên thị trường, làm cho giá nhà đất không phản ánh giá trị thực tế của nó.

Bên cạnh đó, việc các tập đoàn, tổng công ty đổ hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư trái ngành nghề, phần lớn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, góp phần làm cho giá bất động sản biến động. Ngoài ra, việc tập trung đầu tư quá lớn vào phân khúc bất động sản cao cấp thời gian qua không căn cứ vào nhu cầu của thị trường đã dẫn đến việc sụt giảm giá mạnh ở phân khúc thị trường này. Trong khi đó, phân khúc nhà ở phù hợp cho đại bộ phận người thu nhập thấp chưa được quan tâm.

Nếu chiếu theo thống kê của Bộ Xây dựng, cứ chu kì 7-8 năm lại có một đợt sốt về giá bất động sản thì rất có thể trong giai đoạn 2014-2015 sẽ có thêm một đợt giá mới.

Tuy nhiên, đánh giá về nhận định này, ông Nguyễn Hồng Sơn - Trưởng bộ phận Định giá và Tư vấn tài chính của Savills Việt Nam cho rằng, thời điểm này chưa thể nói tới việc có sốt đất trở lại hay không.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, cần có 2 điều kiện để một cơn sốt đất có thể hình thành là: tăng trưởng kinh tế phải ấn tượng trong vài năm liên tiếp và tín dụng phải tăng trưởng "nóng" trong cùng thời gian. "Tại thời điểm hiện tại thiếu cả 2 yếu tố này, do đó, khó có thể nói tới việc thị trường có sốt trở lại hay không. Thậm chí trong vài năm tới có sốt hay không cũng còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa", ông Sơn nói.

Đồng quan điểm, ông Lê Minh Dũng - Giám đốc CBRE Việt Nam cũng cho rằng, thời điểm hiện tại chưa thể khẳng định năm 2014 là mốc sau 7 năm trầm lắng thị trường lại sốt trở lại. Theo ông Dũng, thị trường đang có dấu hiệu ấm dần lên là nhờ các tín hiệu tính cực từ vĩ mô và kỳ vọng thị trường chứ không phải là bởi theo chu kỳ 7-8 năm theo đánh giá của Bộ Xây dựng.

Trước đó, đánh giá về thị trường bất động sản năm 2014, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, đúng là điều kiện kinh tế vĩ mô giữ được ổn định, những cơ hội cho Việt Nam tham gia TPP, việc tái cấu trúc khu vực ngân hàng và thị trường tiền tệ là những điều kiện cho nền kinh tế Việt Nam sớm tăng trưởng trở lại. Đây cũng là điều kiện để phục hồi thị trường bất động sản và phát triển tốt hơn.

Tuy nhiên, việc tạo được một thị trường bất động sản Việt Nam ổn định, bền vững còn phụ thuộc rất nhiều vào việc phòng chống tham nhũng trong quản lý đất đai do giá bất động sản trước đây quá cao vì phải chứa một phần giá trị bị tham nhũng.

"Thị trường bất động sản nước ta hiện nay vẫn tạo thành hai phân khúc rất rõ rệt, một là phân khúc giá cao và giá trung bình, hai là phân khúc giá thấp. Phân khúc giá cao và trung bình đang rơi vào tình trạng ứ đọng, tồn kho, hầu như không có giao dịch. Phân khúc giá thấp thì ngược lại cung không đủ cầu. Vậy thì phân khúc giá thấp đang có xu hướng phát triển mạnh. Phân khúc giá cao và giá trung bình phải chờ một thời gian nhất định mới có thể phục hồi", ông Võ nhận định.

Nhận định về thị trường, TS. Nguyễn Đức Thành lại cho rằng thị trường bất động sản hiện nay vẫn tiềm tàng nhiều rủi ro rất lớn mà chưa bộc lộ hết, đặc biệt ở phía Bắc. Nếu có sự suy giảm thêm nữa của thị trường, hệ thống tài chính sẽ gánh chịu hậu quả trực tiếp. Nếu may mắn, chúng ta không phải chứng kiến điều này, còn nếu không may, điều này xảy ra, ông Thành cho rằng công cụ chính sách để khắc phục hầu như không còn. Vì thế, đây là lĩnh vực thực sự may rủi.

Trong khi đó, hãng tư vấn bất động sản CBRE cho rằng, thị trường năm 2014 được kỳ vọng sẽ tốt hơn năm 2013. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào các yếu tố hỗ trợ như giá bán hợp lý, sản phẩm phù hợp với thị trường và dự án có tiến độ xây dựng tốt. Trong khi đó, các chủ đầu tư cũng thận trọng trong việc chào bán và người mua rất thận trọng khi mua.

Cushman & Wakefield thì cho rằng, năm 2014 được dự đoán sẽ tiếp tục là thị trường thuộc về người mua và xu hướng giá giảm được dự đoán là vẫn tiếp tục diễn ra. Giá chào bán được dự báo vẫn sẽ tiếp tục giảm trong ngắn hạng do lượng cung hiện hữu trên thị trường vẫn còn lớn. Những dự án có vị trí tốt và giá hợp lý vẫn sẽ thu hút người mua.

Phương Dung

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *