Bất động sản 04/03/2015 08:44

"Các hãng hàng không tranh nhau mua nhà ga T1 là tín hiệu tốt"

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường, việc các hãng hàng không đều muốn mua lại Nhà ga T1-Nội Bài là tín hiệu rất tốt, thể hiện sự quan tâm của các doanh nghiệp. Về phía Bộ GTVT, hoàn toàn đồng tình, ủng hộ việc này.

Liên quan đến kế hoạch bán sân bay Phú Quốc và nhượng quyền khai thác một số nhà ga để lấy vốn xây dựng sân bay Long Thành, Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường xoay quanh vấn đề này.
 
Các hãng hàng không tranh nhau mua nhà ga T1 là tín hiệu tốt

 

Bộ GTVT vừa có chủ trương bán sân bay Phú Quốc và nhượng quyền khai thác một số nhà ga như Nhà ga T1-Nội Bài. Thứ trưởng có thể nói rõ hơn về mục đích của đề xuất này?

 

Chủ trương bán sân bay Phú Quốc và nhượng quyền khai thác tại các cảng hàng không là vấn đề Bộ GTVT hết sức quan tâm. Hiện nay, việc xã hội hóa các nhà ga là yêu cầu cần thiết để chúng ta thu hồi được vốn đầu tư, sau đó lại đầu tư vào các nhà ga khác, đảm bảo xã hội hóa mà không dùng ngân sách Nhà nước.

 

Đối với nhà ga T1- Nội Bài đã có một số nhà đầu tư quan tâm, muốn khai thác nhà ga và Bộ GTVT đã giao cho Tổng công ty Cảng hàng không xây dựng phương án để bán một phần nhà ga này, trên cơ sở định giá của các cơ quan liên quan, cũng như thu hồi vốn mà chúng ta đã bỏ ra đầu tư trước đó. Sau đó sẽ tiến hành xây dựng đề án đấu thầu việc nhượng quyền khai thác các nhà ga này. Trong thời gian nhanh nhất, chúng tôi sẽ thực hiện phương án đã đề ra.

 

Mới đây, Vietnam Airlines và VietJet đã đề xuất mua lại nhà ga T1. Bộ GTVT có ý kiến như thế nào về đề xuất này?

 

Đây là tín hiệu tốt, thể hiện các doanh nghiệp muốn bỏ vốn ra để cùng khai thác nhà ga mà không cần ngân sách nhà nước, đây là điều đáng mừng. Tuy nhiên, để đáp ứng được việc này thì cần phải công khai, minh bạch và định giá đúng tài sản, trên cơ sở đó sẽ tiến hành đấu thầu các nhà thầu tham gia.

 

Thông qua việc đấu thầu, chúng ta sẽ chọn được nhà khai thác hợp lý, có được mức giá hợp lý, vừa đáp ứng được việc thu hồi vốn, đồng thời vừa đảm bảo được sự công khai, minh bạch trong quá trình nhượng quyền.

 

Ngoài Vietnam Airlines và VietJet, còn có đơn vị nào muốn khai thác nhà ga T1-Nội Bài không, thưa ông?

 

Hiện nay, các hãng hàng không đang hoạt động đều muốn tham gia vào việc mua nhà ga này. Ví dụ như Vietnam Airlines, VietJet hay cả Pacific Airlines cũng muốn tham gia khai thác nhà ga T1. Về phía Bộ GTVT, chúng tôi cũng hoàn toàn đồng tình, ủng hộ việc các hãng tham gia vào việc khai thác nhà ga này.

 

Song song với việc bán nhà ga T1-Nội Bài, Bộ GTVT cũng dự tính bán sân bay Phú Quốc. Vậy cứ bán hết các sân bay thì sẽ thế nào, thưa ông?

 

Đây là chúng ta tính tổng thể, tức là tính toán xem toàn bộ giá trị của các sân bay là bao nhiêu, sau đó chúng ta sẽ bán đi 30% của toàn bộ giá trị này. Như vậy, có sân bay chúng ta không bán, nhưng có sân bay chúng ta có thể bán 60-70%.

 

Những sân bay bán đi là những sân bay không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động bay của chúng ta, nhưng lại có vị thế về du lịch thì vẫn thu hút các nhà đầu tư.

 

Kế hoạch bán sân bay và nhượng quyền khai thác các Cảng hàng không sẽ đem lại nguồn vốn lớn, như vậy sẽ không cần đến vốn ngân sách, phải không ông?

 

Chúng tôi đang đưa ra bài toán tổng thể là như vậy. Nếu vốn xã hội hóa tăng lên thì vốn ngân sách sẽ giảm xuống. Tất nhiên, đối với sân bay Long Thành, vấn đề góp vốn là rất cần thiết.

Còn việc có sử dụng ngân sách Nhà nước hay không còn phụ thuộc vào việc bán các sân bay được bao nhiêu tiền. Nếu tiền bán các sân bay tăng lên thì vốn Nhà nước sẽ giảm xuống, nhưng nếu thu được nguồn vốn vừa phải thì Nhà nước vẫn phải bỏ vốn ra.

 

Mục tiêu của cổ phần hóa là Nhà nước rút tiền để làm việc khác. Nhưng bây giờ lại đề xuất để tiền lại cho doanh nghiệp thì có còn đúng mục tiêu không, thưa ông?

 

Thực ra, cổ phần hóa là xây dựng quỹ để sau đó sắp xếp, sử dụng đầu tư lại cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp mạnh hơn.

 

Khi doanh nghiệp mạnh hơn thì lại đóng góp cho ngân sách Nhà nước nhiều hơn. Cho nên đây là mục tiêu hoàn toàn chính xác, không phải là mục đích nằm ngoài sự đầu tư, phát triển cho doanh nghiệp.

 

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường

 

Không phải giảm vốn đầu tư mà phân kỳ xây dựng sân bay Long Thành

 

Một vấn đề đang được nhiều người quan tâm hiện nay là việc điều chỉnh vốn xây dựng sân bay Long Thành. Thứ trưởng có thể cho biết, cơ sở nào mà Bộ GTVT cho rằng có thể giảm thêm mức vốn đầu tư sân bay Long Thành xuống gần 3 tỉ USD?

 

Dự án sân bay Long Thành đã được Bộ GTVT và Tổng công ty Cảng hàng không tính toán rất chi tiết, đầy đủ trong cả 3 giai đoạn. Theo kế hoạch ban đầu, tổng xây dựng cả 3 giai đoạn là 18,7 tỉ USD, tuy nhiên, để phù hợp với nguồn vốn hiện nay và có thể kêu gọi được nguồn vốn đầu tư sân bay Long Thành, chúng tôi đề xuất đầu tư trước mắt giai đoạn 1.

 

Trước đây, giai đoạn 1 dự định sẽ xây dựng 2 đường cất, hạ cánh với một phần của nhà ga, và các dịch vụ liên quan khác. Nhưng do vấn đề đầu tư của chúng ta tương đối lớn và mong muốn thu hút đầu tư sao cho tốt hơn nên chúng tôi đề xuất chỉ xây dựng đường cất, hạ cánh và xây dựng một phần nhà ga để làm sao cung ứng đủ cho việc khai thác cả hai sân bay.

 

Theo kế hoạch trước đó, nếu như chúng ta làm sân bay Long Thành thì chỉ khai thác sân bay Tân Sơn Nhất là sân bay nội địa, nhưng bây giờ để tiết kiệm vốn đầu tư, thì 90% khai thác quốc tế là tại sân bay Long Thành, còn 10% quốc tế là ở sân bay Tân Sơn Nhất, sẽ giảm được lưu lượng.

 

Với tính toán như vậy thì chúng ta sẽ phân kỳ đầu tư ra chứ không phải là giảm. Phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 ra trước mắt là 5,2 tỉ USD thay cho 7,8 tỉ USD như trước đây.

 

Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đưa ra phương án giảm diện tích đất xây dựng sân bay Long Thành. Vậy nếu giảm diện tích đất thì có đảm bảo mục tiêu thu hút 100 triệu lượt khách mỗi năm không, thưa ông?

 

Thực tế, đối với sân bay Long Thành là sân bay lưu dụng, cho nên trong tổ hợp sân bay Long Thành, Bộ GTVT đã có kiến nghị phần liên quan đến quân sự thì tách riêng ra.

 

Như vậy, đối với sân bay dân sự thì chỉ cần giải phóng cho phần dân sự là đáp ứng được yêu cầu. Còn phần sân bay phục vụ quân sự thì chúng ta sẽ từng bước giải phóng để phù hợp với lộ trình cũng như quá trình đền bù đất để không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

 

Vậy liệu đề xuất này có đảm bảo tính khả thi cao hơn so với trước không, thưa ông?

 

Những tính toán này sẽ nhằm đảm bảo huy động vốn tốt hơn. Nếu chúng ta huy động một nguồn vốn quá lớn thì tính khả thi sẽ không cao.

 

Chúng tôi tin tưởng rằng, khi sân bay Long Thành được Quốc hội chấp thuận và được đưa vào xây dựng thì thời gian hoàn vốn sẽ rất nhanh và chúng ta có thể hoàn thiện việc đầu tư cơ sở hạ tầng.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Duyên Duyên

Một Thế giới
Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *