Xe nhập cầm chừng sau “cơn bão” nhập khẩu năm 2019

Việc nhập khẩu ồ ạt trong năm 2019 đã dẫn đến dư thừa nguồn cung và các công ty nhập khẩu đang hoạt động “cầm chừng” để xem xét ảnh hưởng từ việc các mẫu ô tô lắp ráp nội địa được hưởng lợi từ chính sách thuế nhập khẩu 0% với các linh kiện ô tô có hiệu lực từ cuối năm 2019.

Thị trường xe hơi gặp khó trong năm 2020

Theo cập nhật số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng của các thành viên cho đến hết tháng 2/2020 đã giảm 26%, xuống còn 31.908 chiếc.

Trong đó, lượng tiêu thụ xe du lịch và xe thương mại lần lượt ghi nhận sự sụt giảm 30% và 12%, chỉ đạt 24.458 chiếc và 7.073 chiếc. Lượng tiêu thụ xe du lịch giảm phần lớn đến từ ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 lên thu nhập và tâm lý tiêu dùng của người mua.

Về xe thương mại, sự sụt giảm trong sản lượng bán hàng có thể dến từ các nhân tố như các ngành sản xuất và khai thác bị đình trệ do Covid-19 cộng hưởng với  xu hướng giảm từ năm 2017 đến nay. Ngược lại, xe đặc chủng tăng 24%, lên 377 chiếc.

Đến hết tháng 2/2020, lượng xe lắp ráp trong nước bán ra giảm 20% (còn 21.296 chiếc) trong khi xe nhập khẩu giảm mạnh hơn với 38% (còn 12.107 chiếc) so với cùng kỳ năm 2019.

Báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) về ngành ô tô đánh giá rằng, xe nhập khẩu giảm tương đối nhiều so với năm 2019 nhưng vẫn duy trì ở mức cao hơn năm 2018 và 2017 do năm 2019 lượng xe nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia tăng mạnh trở lại sau khi họ thỏa mãn những quy định ưu đãi thuế trong Hiệp định ATIGA từ đó được hưởng thuế nhập khẩu 0%.

Tuy nhiên, theo VDSC, việc nhập khẩu ồ ạt trong năm 2019 đã dẫn đến dư thừa nguồn cung và các công ty nhập khẩu đang hoạt động “cầm chừng” để xem xét ảnh hưởng từ việc các mẫu ô tô lắp ráp nội địa được hưởng lợi từ chính sách thuế nhập khẩu 0% với các linh kiện ô tô có hiệu lực từ cuối năm 2019. Từ đó, doanh số bán hàng của các mẫu xe nhập khẩu cũng phần nào bị “cầm chừng” trong 2 tháng đầu năm.

Trong bối cảnh khó khăn, chỉ có Toyota và Mitsubishi mở rộng được thị phần khi sản lượng bán hàng bị sụt giảm nhưng giảm ít hơn so với các đối thủ cạnh tranh.

Tính riêng trong 2 tháng đầu năm, Thaco vẫn duy trì được vị thế của mình khi là công ty có thị phần lớn nhất với 34%. Xu hướng tiêu thụ không có nhiều thay đổi khi “vị trí dẫn đầu” ở các phân khúc đa phần đều thuộc về các hãng xe Nhật Bản. Bên cạnh đó, xe thương hiệu Hàn Quốc và Mỹ lần lượt “thống lĩnh” ở phân khúc xe cỡ nhỏ và xe bán tải. 

Mai Chi

Chuyên mục: Xe 360

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *