Xây 34 trạm thu phí ô tô vào trung tâm TPHCM: “Giải pháp chắp vá, tạm bợ, thiếu căn cơ”

Theo chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, quy hoạch đô thị, việc xây 34 trạm thu phí ô tô vào trung tâm TPHCM nhằm chống kẹt xe là giải pháp chắp vá, tạm bợ, thiếu căn cơ. Hơn nữa, giải pháp này cũng chưa đúng thời điểm và không hiệu quả.

Mới đây, Sở Giao thông vận tải TPHCM đề xuất UBND TP đồng ý chủ trương chi 250 tỷ đồng xây 34 trạm thu phí để lập vành đai thu phí ô tô vào khu vực trung tâm TP nhằm hạn chế ùn tắc giao thông.

Trao đổi PV Dân trí, TS Võ Kim Cương – nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM cho rằng chủ trương là hạn chế xe ô tô vào khu trung tâm để giảm ùn tắc giao thông là điều này ai cũng mong muốn. Tuy nhiên, hạn chế bằng phương thức nào thì cũng “đang bí”.

“Việc làm trạm thu phí có cái gì chắp vá, tạm bợ, thiếu căn cơ, không phải là biện pháp chứng tỏ đô thị có hạ tầng giao thông tốt. Điều này cũng không tạo sự hấp dẫn đô thị cho TPHCM”, TS Cương nhận định.

Theo ông Cương, nếu lập trạm thu phí theo cách cũ thì chiếm diện tích trên đường, gây ách tắc, ảnh hưởng giao thông ở khu trung tâm thành phố. Nếu có phương thức mới hạn chế ảnh hưởng giao thông hơn đi nữa thì vẫn không phải là biện pháp tốt.

Nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM cho rằng, thành phố vẫn có biện pháp tốt hơn. Căn cơ nhất là bên cạnh phát triển đường giao thông thì trên một số tuyến đường hoặc khu vực trung tâm cấm hẳn ô tô chứ không phải thu phí.

Xây 34 trạm thu phí ô tô vào trung tâm TPHCM: “Giải pháp chắp vá, tạm bợ, thiếu căn cơ” - 1

TS Võ Kim Cương – nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM - cho rằng lập vành đai thu phí là giải pháp chắp vá, tạm bợ

“Hạn chế bớt xe vào trung tâm như thế người cần đi trong khu vực này chuyển qua giao thông công cộng chứ không nên lập trạm thu phí”, ông Cương nhấn mạnh.

Trong khi đó, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, đề xuất trên có tác động tốt về mặt giảm xe cá nhân và khuyến khích phương tiện công cộng. Tuy nhiên, xét tổng quát thì phương án này không thấy hiệu quả và chưa đúng thời điểm.

Theo ông, phương án được đưa ra là sử dụng công nghệ thu phí không dừng. Thế nhưng, hiện nay cả nước vẫn chưa có một quy chuẩn thống nhất về công nghệ.

“Các trạm BOT đang sử dụng thẻ nhưng mỗi nơi áp dụng một kiểu, chưa thống nhất. Không thể sử dụng BOT phía Nam một thẻ khác, ở phía Bắc một thẻ khác được. Rồi BOT ở TPHCM khác ở Hà Nội… Một xe mà có đến 4-5 thẻ phí không dừng”, ông Sơn nói.

Theo ông, thời điểm phù hợp là khi cả nước thống nhất một loại thu phí không dừng. Bởi lẽ, xe ra vào trung tâm TPHCM gồm xe cả nước chứ không phải xe trên địa bàn thành phố.

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, TP phải xin ý kiến của Bộ Giao thông vận tải để thống nhất về công nghệ áp dụng cho toàn quốc.

“Nếu ngày nào đó có làm thì phải thống nhất công nghệ để người ta thống nhất mua chip chạy toàn quốc. Đi qua trạm BOT đi vào TPHCM, trả tiền, nộp phạt… cũng chỉ dùng một chip thôi. Nếu TP đi đầu, ít bữa mình có công nghệ mới thống nhất phải gỡ ra thì phải tốn tiền của người dân, lãng phí 250 tỷ đồng”, ông Sơn nói.

Xây 34 trạm thu phí ô tô vào trung tâm TPHCM: “Giải pháp chắp vá, tạm bợ, thiếu căn cơ” - 2

Sở GTVT TP đề xuất chi 250 tỷ đồng xây 34 trạm thu phí vào trung tâm TPHCM (ảnh: Đình Thảo)

Ông Ngô Viết Nam Sơn cũng đưa ra giải pháp mà theo ông là gọn nhẹ, rẻ tiền và có thể làm ngay là tạo vành đai tăng giá giữ xe, thay vì lắp đặt trạm thu phí. Nếu giá giữ xe tăng cao thì người đi ô tô họ tự thấy tốn kém và hạn chế sử dụng vào trung tâm.

Cũng theo ông Sơn, thành phố cần siết quy định, các cơ sở dịch vụ, trung tâm thương mại phải chứng minh được có bao nhiêu chỗ đỗ xe khi xây dựng. Đồng thời, khuyến khích tư nhân xây dựng các bãi giữ xe cao tầng và họ được phép tăng giá giữ xe để thu hồi vốn.

Hiện nay TPHCM thí điểm tăng giá giữ xe ở một số khu vực trung tâm và các bãi giữ xe cũng đã lập tức vắng xe. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng vấn đề thu phí hiện nay không được cao do cách vận hành, quản lý.

“Tôi đề xuất thêm khu vực bên trong vành đai này sẽ chia 2-3 khu vực để thu phí và cho đấu thầu. Tất cả các tổ chức, cá nhân đều có thể tham gia và không phải nhất thiết là Nhà nước. Khi đấu thầu thì sẽ có quy định rõ ràng mức tối thiểu nhà đầu tư nộp cho Nhà nước. Còn nếu thu cao hơn mức tối thiểu thì chia tỷ lệ, nhà thầu được bao nhiêu và Nhà nước được bao nhiêu”, ông Sơn nói.

Số tiền Nhà nước thu được sẽ hỗ trợ phát triển giao thông công cộng với điều kiện lý tưởng nhất là làm sao hỗ trợ phương tiện công cộng miễn phí. Cách làm này đã được nhiều nước làm.

“Nếu ai chơi sang thì cứ đi xe vào trung tâm, còn ai muốn tiết kiệm thì đi lại bằng phương tiện công cộng”, ông Sơn thẳng thắn.

Theo ông, nếu làm được thì chắc chắn giảm kẹt xe ngay mà không tốn tiền hàng trăm tỷ để xây dựng. Còn nếu lắp đặt trạm thu phí không dừng sẽ chỉ đem lợi nhiều cho nhà cung cấp công nghệ, thành phố không lợi nhiều. Do vậy, chừng nào tăng giá giữ xe mà xe vẫn chạy vào thì mình làm thu phí vẫn kịp, không muộn. 

Theo phương án của đơn vị đề xuất trước đây, vành đai khép kín sẽ có 34 cổng thu phí, nhằm giảm lượng ô tô cá nhân vào khu vực nội thành giờ cao điểm. Hệ thống này không làm ảnh hưởng đến giao thông và gây ùn tắc tại vị trí dự kiến triển khai cổng thu phí.

Về mức phí, ô tô con phải đóng 40.000 đồng mỗi lượt; ô tô khách là 50.000 đồng. Xe biển xanh vào trung tâm vẫn phải nộp phí, trừ xe công vụ ưu tiên theo quy định (cấp cứu, hộ đê, chữa cháy…). Xe buýt không bị thu phí; giảm 25% đối với taxi (30.000 đồng); xe đăng ký trong khu vực trung tâm cũng được đề xuất giảm 25%. Hệ thống chỉ thu trong giờ cao điểm (6-9h và 16-19h) để người dân lựa chọn thời gian di chuyển và tuyến đường phù hợp.

Quốc Anh

Chuyên mục: Xe 360

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *