Tương lai nào cho xe điện ở thị trường Đông Nam Á?

Tỷ lệ sở hữu ô tô tại Đông Nam Á thuộc loại cao trên thế giới, kéo theo các vấn đề về môi trường, và xe chạy điện được cho là lời giải, nhưng nói bao giờ cũng dễ hơn làm...

Tương lai nào cho xe điện ở thị trường Đông Nam Á? - 1

Đông Nam Á là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất thế giới với những di tích lịch sử và bãi biển tuyệt đẹp. Tuy nhiên, khu vực cũng được biết tới với những con đường “đau khổ” thường xuyên tắc nghẽn do quá tải ô tô, xe máy. Thậm chí “tắc đường” trở thành từ đồng nghĩa với “Đông Nam Á” và tình trạng này sẽ khó có thể thay đổi trong một sớm một chiều.

Theo thống kê, tiêu thụ ô tô tại Đông Nam Á tăng trưởng mạnh nhất thế giới. Ước tính, tỉ lệ sở hữu phương tiện cá nhân của khu vực sẽ tăng hơn 40% trong năm 2040.

Tỉ lệ sở hữu xe ô tô tại Đông Nam Á đặc biệt cao so với các khu vực khác trên thế giới. Việc mỗi hộ gia đình có nhiều hơn một chiếc xe ô tô không phải là hiếm tại các quốc gia như Brunei, Thái Lan, Malaysia và Indonesia. 

Trong khi đó, tại Việt Nam, xe máy là phương tiện chiếm đa số. Thủ đô Hà Nội có tốc độ tăng trưởng trung bình 10% mỗi năm và dự kiến đến năm 2025, riêng Hà Nội sẽ có 11 triệu chiếc xe máy trên đường phố.

Bên cạnh các vấn đề phát sinh do tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí cũng là một mối lo ngại. Hầu hết các phương tiện chạy bằng xăng hoặc diesel, nên chúng góp phần đáng kể vào tình trạng ô nhiễm không khí đang ngày càng tồi tệ hơn tại các thành phố lớn ở Đông Nam Á.

Ví dụ, việc ngày càng nhiều người sở hữu xe ô tô tại thủ đô Jakarta (Indonesia) sẽ càng làm suy giảm chất lượng không khí ở thành phố này. Mặc dù, chính quyền đã loại bỏ xăng pha chì từ 10 năm trước, nhưng chất lượng không khí ở Jakarta không được cải thiện nhiều.

Theo nghiên cứu của Khoa Sức khỏe Cộng đồng thuộc Đại học Indonesia, có tới 58% các trường hợp mắc bệnh trong thành phố có liên quan đến ô nhiễm không khí. Với nhu cầu về ô tô ngày càng tăng, tình trạng này sẽ còn tồi tệ hơn.

Xe chạy điện

Xe chạy hoàn toàn bằng điện (EV) có thể thay đổi tất cả. Các dòng xe EV, bao gồm cả xe hybrid (xe lai điện) có thể giúp giảm đáng kể lượng khí carbon thải ra môi trường. So với những chiếc xe thông thường thải ra rất nhiều lượng khí CO2, CO, NOx vào bầu khí quyển, những chiếc xe chạy bằng pin có lợi thế khi không tạo ra lượng khí thải.

Theo nghiên cứu “Tương lai của xe điện ở Đông Nam Á” do Nissan và Công ty Nghiên cứu và Tư vấn Quốc tế Frost & Sullivan thực hiện năm 2018, có khoảng 1/3 người tiêu dùng Đông Nam Á sẵn sàng mua một chiếc xe điện. Trong đó, người tiêu dùng tại Philippines, Thái Lan và Indonesia là những người nhiệt tình nhất với kế hoạch này.

Tuy nhiên, chỉ riêng nhu cầu của người tiêu dùng sẽ không đủ khả năng tạo ra cuộc cách mạng điện khí hóa ngành vận tải của khu vực. 

Tương lai nào cho xe điện ở thị trường Đông Nam Á? - 2

Chính sách ưu đãi

Chính phủ các quốc gia thành viên ASEAN cần khuyến khích công dân của mình chuyển sang dùng xe EV. 

Những người tham gia khảo sát của Frost & Sullivan cho biết, nguyên nhân lớn nhất khiến họ quyết định chuyển sang xe chạy điện EV là được miễn thuế. Mặc dù ưu đãi thuế đồng nghĩa các chính phủ sẽ phải gánh chịu một số thiệt hại về doanh thu thuế hoặc phải chịu trợ cấp chi phí, tuy nhiên, các chính phủ cần phải cân nhắc tới các lợi ích môi trường.

“Khu vực Đông Nam Á thiếu nguồn cung cấp xe điện, thiếu nền kinh tế tiêu dùng đủ sức hấp dẫn, thiếu ưu đãi của chính phủ (ở hầu hết các quốc gia thành viên) và thiếu cả một hệ thống cơ sở hạ tầng trạm sạc xe điện. Tuy nhiên, xe điện chắc chắn sẽ là chất xúc tác để xây dựng nên ngành công nghiệp di động tại Đông Nam Á” - theo báo cáo “Tìm lối đi mới hướng tới tương lai của xe điện ở Đông Nam Á” (2019) của Công ty tư vấn toàn cầu Bain & Company.

Báo cáo cũng nhấn mạnh, “Đầu tư mới hàng năm của Đông Nam Á dành cho lĩnh vực xe điện chở khách sẽ tăng lên 6 tỷ USD vào năm 2030 và khu vực này sẽ cần thêm 500 triệu USD cho cơ sở hạ tầng trạm sạc xe điện.”

Một số quốc gia thành viên đã bắt đầu khuyến khích công dân sử dụng xe EV.  

Để thúc đẩy việc sử dụng xe điện, chính phủ Thái Lan đã soạn thảo “Kế hoạch quảng bá xe điện cho Thái Lan”, theo Kế hoạch phát triển năng lượng thay thế Thái Lan giai đoạn 2012-2021. Kết quả là, “xứ sở Chùa Vàng” đã tăng từ 60.000 xe khách hybrid và 8.000 xe máy điện pin được đăng kí vào năm 2014 lên tổng số 102.308 xe hybrid và 1.394 xe điện chạy pin như hiện nay.

Nhà sản xuất ô tô đầu tiên của Việt Nam, VinFast cũng đang lên kế hoạch cho ra đời những mẫu xe EV của riêng mình. Công ty tuyên bố sẽ sản xuất 250.000 xe máy điện mỗi năm và đã tiến hành thử nghiệm ô tô điện đầu tiên mang thương hiệu Việt hồi tháng 3 vừa qua.

Hiện tại, ASEAN đang nỗ lực đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông công cộng. Tuy nhiên, điều đó không chắc chắn rằng sự phụ thuộc vào xe ô tô và xe máy tại khu vực này sẽ giảm.

“Chính phủ tại các quốc gia như Singapore và Thái Lan khuyến khích công dân hạn chế xe ô tô cá nhân và sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Ở nhiều nước khác, chính phủ lo lắng về việc sẽ mất nhiều việc làm sản xuất tại địa phương do không có khả năng sản xuất xe điện tại chỗ trong tương lai gần,” Bain & Company đánh giá.

Thực tế thì quy hoạch của nhiều thành phố Đông Nam Á được thiết kế để phục vụ ô tô chứ không phải phục vụ phương tiện giao thông công cộng. Ngoài ra, để có được một hệ thống giao thông công cộng hợp lý sẽ có thể phải mất nhiều năm để phát triển. Nhiều dự án cơ sở hạ tầng giao thông công cộng trong khu vực sẽ chỉ có thể hoàn thành vào cuối thập kỷ. Ví dụ như hệ thống tàu điện ngầm đầu tiên ở Manila (Philippines) dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025.

Trong bối cảnh này, xe EV cũng có thể xem là giải pháp tức thời giúp giải quyết bài toán nan giải về giao thông đô thị tại khu vực năng động và tăng trưởng tích cực nhất trên bản đồ kinh tế thế giới này.

Gia Bảo

Theo The ASEAN Post

Chuyên mục: Xe 360

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *