Ô tô ở giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, tất cả phân khúc đều giảm giá

Theo Bộ Công Thương, hiện nay thị trường ô tô đang ở giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, giá giảm đối với tất cả các phân khúc do nguồn cung từ nhập khẩu, cũng như sản xuất trong nước đang dồi dào.

Ô tô ở giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, tất cả phân khúc đều giảm giá - 1

Giá nhập khẩu trung bình mỗi chiếc ô tô các loại đều có xu hướng giảm ở mức hơn 4.000 USD/xe.

Báo cáo về sản lượng sản xuất ô tô, Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 8 đạt 30,4 nghìn chiếc, giảm 3,7% so với tháng trước và giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Còn nếu tính chung 8 tháng năm 2019, sản lượng sản xuất ô tô ước đạt 215,6 nghìn chiếc, tăng 10,7% so với cùng kỳ.

Bộ Công Thương nhận định, mặc dù tháng 8 tiêu thụ xe ô tô có sự chùng xuống do tâm lý không mua sắm tài sản lớn trong tháng 7 âm lịch (tháng cô hồn – PV), nhưng các hãng sản xuất xe ô tô cũng như nhập khẩu đều đang dồn lực cho sản xuất cũng như nhập khẩu để đón đợt mua sắm cuối năm, mà trước mắt là phục vụ cho kỳ triển lãm lớn nhất trong năm Vietnam Motor Show diễn ra vào tháng 10 tới.

Cũng theo Bộ này, hiện nay, thị trường ô tô đang ở giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, giá giảm đối với tất cả các phân khúc do nguồn cung từ nhập khẩu, cũng như sản xuất trong nước đang dồi dào.

Đặc biệt sản xuất trong nước cũng tăng nhanh khi Nhà máy sản xuất ô tô VinFast đã hoàn tất quá trình đầu tư và cho ra những sản phẩm đầu tiên. Bộ Công Thương dự báo, sang quý 4, thị trường ô tô sẽ ổn định để đón dịp cao điểm mua sắm ô tô cuối năm.

Trước đó, trong báo cáo gửi Bộ trưởng Công Thương, Cục Xuất nhập khẩu cũng cho biết, giá nhập khẩu trung bình mỗi chiếc ô tô các loại đều có xu hướng giảm ở mức hơn 4.000 USD/xe.

Cụ thể, từ mức 26.649 USD/xe xuống còn 22.275 USD/xe. Trong đó, ô tô dưới 9 chỗ ngồi giá nhập khẩu trung bình mỗi xe giảm từ mức 22.530 USD xuống còn 19.258 USD/xe.

Báo cáo với Bộ trưởng Công Thương mới đây, lãnh đạo Cục Công nghiệp cũng cho biết, dự kiến nhập siêu ngành ô tô năm nay sẽ đạt mức kỷ lục hơn 3,4 tỷ USD. Trong những năm tiếp theo, kim ngạch nhập khẩu ô tô sẽ tiếp tục tăng theo nhu cầu sử dụng ngày càng cao trong nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất ô tô nội địa và cán cân thương mại.

Về phía xe sản xuất trong nước, mặc dù giá cả đã giảm đáng kể nhưng theo nhận định của Cục Công nghiệp, giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Chất lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa bằng chất lượng xe nhập khẩu.

“Tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi thấp hơn mục tiêu đề ra, đồng thời thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ rất thấp như: săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa…”, đại diện Cục Công nghiệp nêu.

Theo Cục Công nghiệp, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam hiện mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ô tô; phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ô tô toàn cầu, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động.

Cục Công nghiệp cũng thừa nhận thực tế: Ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự. Chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.

Cơ quan quản lý cho rằng, sản xuất trong nước sẽ gặp khó nếu không nỗ lực tăng cường chất lượng, hạ giá thành sản xuất để tăng tính cạnh tranh, nhất là việc cạnh tranh đối với xe nhập khẩu từ thị trường AEAN do được ưu đãi thuế quan.

Trước lo ngại lượng xe nhập khẩu lấn át, Cục Công nghiệp đã kiến nghị việc sớm ban hành các chính sách mới tập trung hỗ trợ để thúc đẩy nhanh các dự án lớn về sản xuất, lắp ráp ô tô của các doanh nghiệp lớn, thu hút đầu tư từ các Tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn có kèm theo chuyển giao và làm chủ công nghệ tại Việt Nam.

Đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu sửa đổi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống theo hướng không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước, với thời hạn của chính sách là từ 5-10 năm.

Mới đây, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cũng đã đưa ra hàng loạt các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho công nghiệp ô tô Việt Nam trước sức ép từ sản phẩm ngoại nhập.

Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức cao nhất đối với các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp ô tô.

Đối với dự án sản xuất, lắp ráp xe dưới 9 chỗ có quy mô 50 nghìn xe/năm, có sản phẩm xuất khẩu trong 5 năm, kèm theo dự án nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ công nghệ sản xuất động cơ, hộp số…, Bộ Công Thương muốn được hưởng một loại chính sách ưu đãi và hỗ trợ.

Đó là được hưởng chính sách ưu đãi miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; hỗ trợ kinh phí chuyển giao công nghệ; hỗ trợ tín dụng đầu tư lãi suất thấp; hỗ trợ kinh phí đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao trong lĩnh vực thiết kế chế tạo...

Đồng thời miễn thuế hàng hóa nhập khẩu phục vụ làm mẫu để nghiên cứu sản xuất, hiệu chỉnh, lắp ráp dây chuyền công nghệ sản xuất xe ô tô; áp dụng thuế suất 0% đối với máy móc thiết bị, khuôn, đồ gá,... nhập khẩu để tạo tài sản cố định.

Về thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Công Thương kiến nghị cho phép được hưởng ưu đãi thuế cao nhất đối với các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp ô tô...

Nguyễn Mạnh

Ô tô ở giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, tất cả phân khúc đều giảm giá - 2

Chuyên mục: Xe 360

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *