Ngân hàng ồ ạt thanh lý ô tô siết nợ giá chỉ từ 60 triệu đồng: Đừng "loá mắt" vì giá rẻ

Xe ô tô con, xe tải, xe khách,...đang được nhiều ngân hàng thông báo thanh lý trong thời gian gần đây với giá rao bán có khi chỉ 60-70 triệu đồng/chiếc.

Tuy nhiên, việc mua xe thanh lý là các sản phẩm siết nợ của ngân hàng đòi hỏi người mua phải có đủ kinh nghiệm đánh giá tình trạng xe tránh "mua rẻ mà hóa đắt”.

Từ cuối tháng 6, hàng loạt ngân hàng liên tục phát đi thông báo về việc bán thanh lý tài sản bảo đảm là ô tô để thu hồi và xử lý các khoản nợ đi kèm.

Ngân hàng ồ ạt thanh lý ô tô, giá từ 60 triệu đồng/chiếc

Cụ thể, Vietcombank chi nhánh Thanh Hoá rao bán 10 chiếc xe ô tô con 5 chỗ nhãn hiệu Kia có màu bạc, sản xuất năm 2008-2011. Theo nội dung rao bán thì những mẫu xe này là tài sản nguyên vẹn, tuy nhiên có dấu hiệu xuống cấp. Giá rao bán là 60-70 triệu đồng/chiếc.

Tương tự, TPBank đã ra thông báo bán đấu giá 5 ô tô thương hiệu Toyota, Chevrolet và Kia để thu hồi các khoản nợ tại nhà băng này.

Các mẫu xe được rao bán đợt này bao gồm Toyota Vios E với giá khởi điểm 381 triệu đồng; xe Ford giá khởi điểm 502 triệu; Kia Thaco Frontier giá 269 triệu; Chevrolet Aveo giá 207,7 triệu; Chevrolet Colorado với giá khởi điểm 393 triệu đồng.

Đây là 5 ô tô của 5 khách hàng cá nhân có phát sinh khoản nợ tại ngân hàng với số dư nợ gốc và lãi hiện vào khoảng 2,23 tỷ đồng. Tuy nhiên, các khách hàng nói trên đều đã mất khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ nên ngân hàng đã thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm và thanh lý thu hồi nợ.

Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) đang có tổng cộng 59 phương tiện vận tải được rao thanh lý, chủ yếu là ôtô dưới 9 chỗ các dòng Toyota Vios, Ford Transit, Toyota Innova, Honda City, Chevrolet Colorado, Mitsubishi Pajero, Peugeot… Các loại xe này được rao giá từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Chẳng hạn, chiếc Mitsubishi Attrage đời 2017, xuất xứ Thái Lan, được giới thiệu "ngoại hình đẹp, nội thất tốt" có giá khởi điểm 286 triệu đồng.

Ngân hàng SeABank cũng thông báo bán đấu giá tài sản bảo đảm là một ô tô Mercedes Benz C-Class C250 sản xuất năm 2015, giá khởi điểm 880 triệu đồng hay chiếc Mazda3 đời 2017 với giá khởi điểm 490 triệu đồng.

Ngân hàng Techcombank cũng thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo là 30 ôtô. Trong đó, có 2 chiếc Toyota Camry 2.4 và 2 ôtô Toyota Camry 3.5 với giá khởi điểm lần lượt từ 280 triệu và 260 triệu mỗi xe.

Danh sách tài sản bán đấu giá vừa cập nhật của NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) có 22 ô tô các loại hiệu Hyundai, Chevrolet, Ford, BMW, ôtô tải Trường Giang… Giá khởi điểm từ 276 triệu đồng đến 3,14 tỷ đồng/chiếc tùy loại. Trước đó, cuối tháng 6, VPBank cũng thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản để thanh lý 17 ô tô khác.

Ô tô thanh lý đắt hàng, đừng "lóa mắt" vì giá rẻ

Ngân hàng ồ ạt thanh lý ô tô siết nợ giá chỉ từ 60 triệu đồng: Đừng loá mắt vì giá rẻ - 1

Nhiều ngân hàng thông báo bán thanh lý ô tô nhằm thu hồi nợ

Thực tế, thời gian qua, các ngân hàng không chỉ thanh lý ô tô, mà nhiều tài sản đảm bảo khác như bất động sản, thiết bị điện tử.. cũng được dồn dập rao bán nhằm thu hồi nợ. Tuy nhiên, ô tô thanh lý thường "đắt hàng" hơn so với các loại tài sản khác bị ngân hàng siết nợ.

Giám đốc khối xử lý nợ tại một ngân hàng lớn cho hay, xe hơi là nhóm tài sản có thanh khoản rất tốt và thường được ngân hàng xử lý dễ dàng khi đã thu giữ. Hầu hết các dòng xe đều được thanh lý ngay trong lần mở bán đầu tiên. 

"Trừ trường hợp một số xe quá cũ, hỏng hóc nhiều buộc ngân hàng phải hạ giá thấp hơn từ 10-20% để thu hồi vốn. Ngược lại, với các tài sản đảm bảo bằng bất động sản việc thanh lý trở nên khó khăn hơn nhiều do giá trị lớn, và nhiều tài sản còn vướng thủ tục pháp lý", vị giám đốc này cho hay.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng thừa nhận, việc mua tài sản siết nợ như ô tô chẳng hạn thường không được đánh giá cao. Đồng thời, do tâm lý của người mua tài sản đảm bảo xe hơi từ ngân hàng thường là lo ngại về các giấy tờ đi kèm, nếu đưa ra giá tương đương thị trường sẽ khó cạnh tranh. Vì vậy, hầu hết ngân hàng đều để giá bán thanh lý thấp.

Theo khảo sát, các mẫu xe đang được ngân hàng thanh lý thường có giá rẻ hơn 8-20%. Giá rẻ hơn thị trường chính vì vậy thanh lý sản phẩm ô tô thường "đắt hàng". 

Tuy nhiên, theo ông Hiếu, khi mua các sản phẩm siết nợ của các ngân hàng nhất là ô tô, người mua cần lưu ý một điều là các mặt hàng cần bán thanh lý phát mại của các đơn vị tổ chức đưa ra thị trường là những mặt hàng tịch thu về, có rất nhiều tình trạng đa dạng.  Đặc biệt, nhiều ô tô được mang thế chấp tại các ngân hàng đã được hoạt động với công suất cao, hư hỏng nặng.

"Ngân hàng luôn cố gắng bán ra với giá cao nhất có thể. Tuy nhiên, trong trường hợp thanh lý tài sản đảm bảo đại trà nên giá có thể "siêu rẻ" nhưng việc mua xe thanh lý là các sản phẩm siết nợ của ngân hàng đòi hỏi người mua phải có đủ kinh nghiệm đánh giá tình trạng xe. Bởi nếu người mua không cẩn thận đánh giá chất lượng sản phẩm, chênh lệch giá so với giá cả trên thị trường …thì có thể sẽ rơi vào tình trạng "tưởng rẻ hóa đắt". Đây là câu chuyện luôn đúng trong mọi trường hợp mua-bán. Riêng đối với những tài sản bị siết nợ thì thường thường phải có cái nhìn vô cùng thận trọng hơn", vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Theo Huyền Anh

Dân Việt

Chuyên mục: Xe 360

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *