Dân Việt "mê mệt" xe nhập, xe trong nước "ngậm đắng", rớt doanh số

Thị trường xe hơi trong tháng 6/2019 là bức tranh khá u tối cho các hãng xe trong nước, cho dù nhiều hãng giảm giá xe, tạo sóng thị trường song tiêu thụ xe vẫn "tậm tịt". Trong khi đó, xe nhập đang có tốc độ tăng doanh số rất mạnh, 6 tháng đầu năm lượng bán ra tăng hơn 200%, áp đảo hoàn toàn xe trong nước.

Báo cáo mới nhất về tình hình kinh doanh xe hơi tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 vừa được Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đưa ra. Theo đó, tính đến hết tháng 6/2019, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 14% trong khi xe nhập khẩu tăng 203% so với cùng kì năm ngoái.

Dân Việt mê mệt xe nhập, xe trong nước ngậm đắng, rớt doanh số - 1

Tiêu thụ xe nhập tăng hơn 200%, xe trong nước lại giảm mạnh hai con số

Trong 6 tháng năm trước, xe lắp ráp bán ra được hơn 106.500 chiếc, nhưng vào thời điểm hiện tại chỉ còn 91.700 chiếc, giảm 14.000 chiếc, tương ứng gần 14%.

Trong khi đó xe nhập tăng từ 20.600 chiếc lên hơn 62.500 chiếc, tăng gần 42.000 chiếc, tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm trước. Doanh số bán hàng toàn thị trường, xe du lịch tăng hơn 35%, còn cái loại xe khác đều giảm.

Riêng trong tháng 6, lượng xe sedan được tiêu thụ được hơn 9.800 chiếc, xe SUV đạt gần 4.600 chiếc, xe đa dụng cỡ lớn dành cho gia đình là hơn 3.000 chiếc...

Tính riêng tháng 6, nhiều dòng xe có doanh số tiêu thụ giảm mạnh, đơn cử như Xpander của Mitsubishi từ mức tiêu thụ 2.100 chiếc trong tháng 5, nay chỉ còn hơn 1,600 chiếc.

Nguyên nhân được cho là ảnh hưởng từ lỗi kỹ thuật của dòng xe này đã tác động trực tiếp đến khách hàng mua xe.

Mẫu Toyota Fortuner suy giảm hơn 420 chiếc, chỉ còn bán ra được hơn 760 chiếc. Đặc biệt, Honda CRV suy giảm hơn 320 chiếc trong tháng 6, chỉ bán ra được hơn 970 chiếc.

Theo con số mà Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đưa ra trong tháng 6, các dòng xe sedan vẫn giữ được doanh số tăng, còn lại các mẫu như SUV, xe đa dung cỡ lớn MPV, xe bán tải pickup hay xe hatchback đều suy giảm doanh số.

Cụ thể, xe SUV chỉ đạt lượng bán ra gần 4.600 chiếc, giảm hơn 100 chiếc với tháng trước. Xe đa dụng cỡ lớn bán ra chỉ được 3.000 chiếc, giảm 600 chiếc so với tháng trước; xe hatchback giảm 200 chiếc, chỉ đạt 1.000 chiếc bán ra; xe pickup bán được hơn 1.700 chiếc, giảm 100 chiếc so với tháng trước.

Với chiều hướng xe đồng loạt giảm doanh số như hiện nay, các hãng xe có mặt tại Việt Nam chắc chắn sẽ phải giảm giá thêm hoặc thực hiện chiến lược khuyến mại.

Riêng trong tháng 5 và tháng 6/2019, hầu hết các mẫu xe trên thị trường thực hiện các cuộc giảm giá, như các dòng xe của Vios, Innova, Altis của Toyota, hay Mitsubishi, Nissan... đều giảm từ 20 đến 50 triệu đồng/chiếc.

Thị trường ô tô tại Việt Nam có đặc điểm, doanh số bán xe cao kể từ tháng 4 trở đi, đến giữa tháng 8 sẽ chững lại. Chu kỳ tiếp theo là từ tháng 9 đến cuối năm. Nguyên nhân phần lớn là ngại mua xe trong tháng "cô hồn" tháng 7 âm lịch, rơi vào tháng 8 hoặc tháng 9 dương. Chính vì vậy, cao điểm mùa xe sẽ rơi vào tháng 5,6, 7 và 89, 10,11 và 12, cùng tháng 1 năm sau. Các hãng xe sẽ chủ động phương án kích cầu theo từng đợt.

Với kết quả kinh doanh có phần bết bát, đi ngược chiều xu hướng tiêu thụ mùa xe, các hãng xe trong nước, đặc biệt các hãng xe không chú trọng mảng nhập khẩu xe nguyên chiếc về làm thương mại sẽ gặp khó khăn. Nếu doanh số hãng xe trong nước tiếp tục thấp đi, việc giảm giá xe, giảm sản lượng lắp ráp là không tránh khỏi.

An Linh

Chuyên mục: Xe 360

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *