Thời sự 28/02/2014 15:53

Tín dụng giảm mạnh, tiếp tục giữ trần lãi suất

FICA - Đến ngày 20/2, tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đối với nền kinh tế giảm 1,66% so với cuối năm 2013. Theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước, mức giảm này là “phù hợp với tính quy luật của những năm gần đây, tín dụng thường giảm hoặc tăng chậm trong những tháng đầu năm”.

Tín dụng 2 tháng đầu năm giảm mạnh.

Chiều nay 28/2, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức họp báo thông báo về kết quả điều hành chính sách tiền tệ 2 tháng đầu năm 2014.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho biết: Tính đến ngày 20/2, tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đối với nền kinh tế giảm 1,66% so với cuối năm 2013. Trong đó, tín dụng bằng VND giảm 1,94%, còn tín dụng bằng ngoại tệ tăng 0,11%.

Tuy nhiên, theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước, mức giảm này là “phù hợp với tính quy luật của những năm gần đây, tín dụng thường giảm hoặc tăng chậm trong những tháng đầu năm”. Cơ quan điều hành dẫn chứng, 2 tháng đầu năm 2012 giảm 1,88%, 2 tháng 2013 giảm 0,23%.

Dù tín dụng giảm mạnh nhưng huy động vốn VND lại tăng khả qua. Tính đến ngày 20/2, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,94% so với cuối năm 2013; huy động vốn tăng 0,83% so với cuối năm 2013.

Nói về mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay, bà Nguyễn Thị Hồng cho hay: Trên cơ sở mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng định hướng toàn hệ thống cả năm 2014 khoảng 12 - 14% và tình hình hoạt động tín dụng, khả năng tăng trưởng tín dụng của các TCTD, Ngân hàng Nhà nước thực hiện phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD, đồng thời yêu cầu các TCTD xây dựng, thực hiện kế hoạch tăng trưởng tín dụng trong suốt cả năm 2014 theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước thông báo.

Về lãi suất, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất trước và sau Tết Nguyên đán đều ổn định, không có dấu hiệu đua lãi suất như những năm trước. Tổng cộng số liệu của các ngân hàng cho thấy, lãi suất huy động tháng 2 vừa qua đã giảm thêm 0,3-0,5% với kỳ hạn 1-2 tháng, lãi suất huy động kỳ hạn dài hơn khá ổn định. Đây là dấu hiệu tích cực cho các TCTD cơ cấu lại kỳ hạn vốn và nguồn vốn của mình.

Trước thực tế đó, bà Nguyễn Thị Hồng cho rằng, trần lãi suất huy động không còn nhiều ý nghĩa trong việc ngăn chặn xáo trộn về lãi suất. Thậm chí, nhiều ngân hàng còn giảm sâu lãi suất dưới trần huy động.

“Trần lãi suất huy động hiện nay là 7% với các kỳ hạn huy động trên 6 tháng, nhưng thực tế nhiều TCTD đã giảm dưới mức trần này. Điều này cho thấy, bản thân các TCTD đã đặt ra mức lãi suất huy động thỏa thuận với khách hàng tùy thuộc cung cầu vốn trên thị trường”, bà Hồng nói.

Trả lời câu hỏi của báo giới về khả năng bỏ trần lãi suất huy động hiện nay, bà Hồng cho hay: “Khi thanh khoản vững chắc, kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc thì Ngân hàng Nhà nước sẽ bỏ trần lãi suất huy động. Hy vọng, thời gian tới, kinh tế vĩ mô, thanh khoản hệ thống ngân hàng vững chắc hơn để Ngân hàng Nhà nước bỏ trần lãi suất huy động”, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết.

 

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *