Quốc tế 06/03/2014 13:53

Mỹ nêu 10 điều “nói dối” của Putin về Ukraine

Chưa thể thay đổi được lập trường của Nga trong vấn đề Ukraine, Mỹ chuyển sang “khiêu khích” Tổng thống Putin bằng cách đưa ra một danh sách gồm 10 điều mà Washington cho rằng người đứng đầu điện Kremlin đã nói không đúng sự thật về Ukraine.

“Thế giới đã không được chứng kiến một câu chuyện hư cấu gây giật mình nào như thế từ nước Nga kể từ khi Dostoyevsky viết: “Công thức ‘hai cộng hai bằng năm’ không phải không có những điểm hấp dẫn của nó””, Bộ Ngoại giao Mỹ viết trong một tuyên bố ngày 5/3 mang tựa đề “President Putin’s Fiction: 10 False Claims About Ukraine” (tạm dịch: “Chuyện hư cấu của Tổng thống Putin: 10 tuyên bố không có thật về Ukraine”). Dostoyevsky là một nhà văn nổi tiếng của Nga  hồi thế kỷ thứ 19, với nhiều tác phẩm nổi tiếng như “Tội ác và hình phạt”.

Theo hãng tin Bloomberg, thậm chí, danh sách mà Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra còn là một “sản phẩm chế” từ chương trình phát vào đêm muộn của nhà hài kịch người Mỹ David Letterman. Trước khi đưa ra danh sách này, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn miêu tả cuộc đối thoại giữa Washington và Moscow xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine là “sự trao đổi quan điểm thẳng thắn và trung thực”.

Danh sách 10 điều của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng, ông Putin đã bóp méo sự thật về quân Nga ở Crimea, Chính phủ lâm thời của Ukraine, và những mối đe dọa với người dân tộc Nga. Trong đó, có nhiều tuyên bố được Tổng thống Nga nói ra trong ngày thứ Ba tại cuộc họp báo kéo dài 1 giờ đồng hồ ở Moscow.

Cụ thể, 10 điều “nói dối” của Putin mà tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra bao gồm:

1. Các lực lượng của Nga ở Crimea chỉ đang hành động để bảo vệ tài sản quân sự của Nga. “Các nhóm dân phòng” chứ không phải lính Nga đã chiếm giữ các cơ sở hạ tầng và quân sự ở Crimea.

2. Các hành động của Nga phù hợp với Hiệp ước hữu nghị 1997 giữa Ukraine và Liên bang Nga.

3. Phe đối lập ở Ukraine không thực thi thỏa thuận ngày 21/2 ký với cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych.

4. Chính phủ hiện nay của Ukraine là hợp pháp và ông Yanukovych vẫn là Tổng thống hợp pháp ở Ukraine.

5. Đang có một cuộc khủng hoảng nhân đạo trong đó hàng trăm nghìn người từ Ukraine sang Nga xin tị nạn.

6. Người dân tộc Nga đang bị đe dọa.

7. Các căn cứ của Nga đang bị đe dọa.

8. Đã có những cuộc tấn công lớn vào các nhà thờ Thiên chúa giáo và nhà thờ Do Thái ở phía Nam và phía Đông Ukraine.

9. Kiev đang cố gắng gây tình trạng bất ổn ở Crimea.

10. Quốc hội Ukraine (Rada) đang chịu ảnh hưởng của các phần tử cực đoan và khủng bố.


Theo ông Clifford Gaddy, một nhà viết tiểu sử về Tổng thống Putin, tuyên bố này cho thấy chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang ngày càng trở nên mất kiên nhẫn với điện Kremlin.

“Có vẻ như ông Putin thực sự đã khiến Washington bực mình”, ông Gaddy nói. Theo ông, mặc dù Mỹ đang tìm cách “chế nhạo” Tổng thống Nga, nhưng Putin “sẽ chẳng bao giờ thèm để ý đến điều đó bởi không có ai là người đích danh nói ra cả”.

Mặc dù vậy, bà Susan Rice, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama, đã thể hiện rõ rằng danh sách những điều ông Putin “nói dối” về Ukraine mà Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra có sự ủng hộ của Nhà Trắng. Bà cố vấn đã gửi đi đường link của danh sách này tới 362.000 người theo dõi trên trang Twitter cá nhân.

“Đã quá đủ với sự lòng vòng của người Nga. Điều quan trọng là chúng tôi tập trung vào sự thật”, bà Rice nói.

Danh sách nói trên được Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra vào cuối ngày 5/3 theo giờ Washington, sau khi Ngoại trưởng John Kerry có cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov ở Paris và không thể thuyết phục được ông Lavrov ngồi vào bàn đàm phán với Ngoại trưởng Ukraine.

Đây là cuộc gặp trực diện đầu tiên giữa ông Kerry và ông Lavrov kể từ khi Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych bị phế truất và chạy sang Nga vào tháng trước. Nga đã cáo buộc phương Tây ủng hộ cuộc đảo chính lật đổ ông Yanukovych.

Ông Matthew Rojanksy, Giám đốc Viện Kennan thuộc Trung tâm nghiên cứu Wilson có trụ sở ở Washington, nói rằng, danh sách mà Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra là “một dạng tuyên bố rất lạ từ Chính phủ Mỹ”.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong một bài phát biểu tại Đại học California ngày 5/3 cũng thể hiện quan điểm tương tự như Bộ Ngoại giao nước này. Tại đây, bà Clinton đã miêu tả ông Putin là một nhân vật “cứng đầu” và “hay tự ái”.

Vào hôm 4/3, bà Clinton đã so sánh hành động Nga đưa quân vào Crimea giống như hành động của Đức quốc xã vào Tiệp Khắc và Romania vào thập niên 1930 với lý do bảo vệ người dân tộc Đức. Tuy nhiên, đến ngày hôm sau, cựu Ngoại trưởng Mỹ lại nhấn mạnh, bà không có chủ ý so sánh trực tiếp hành động của Putin với hành động của Hitler.

Theo An Huy

VnEconomy

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *